Phòng ngừa lây nhiễm bệnh qua đường máu từ điểm cắt tóc, làm đẹp

Cập nhật: 25-10-2012 | 00:00:00
Ngày nay, khi cuộc sống khá giả, nhu cầu làm đẹp đang được mọi người quan tâm, trong đó việc cắt tóc, làm móng, chăm sóc da mặt, xăm thêu… đang trở thành nhu cầu cần thiết. Thế nhưng, nhiều người chưa nhận thức được, chính những dụng cụ hớt tóc, cạo mặt, ráy tay… không an toàn, dụng cụ làm đẹp dùng chung sẽ rất dễ lây nhiễm các bệnh lây truyền qua đường máu như: Viêm gan siêu vi (VGSV) B, C, HIV/AIDS. Do đó, việc kiểm soát các dịch vụ làm đẹp, cũng như nâng cao ý thức bảo vệ bản thân từ phía người đi làm đẹp là nhu cầu cấp thiết.    Cần tăng cường ý thức phòng tránh lây nhiễm bệnh qua đường máu tại các tiệm hớt tóc

Để đáp ứng nhu cầu làm đẹp cho quý bà, quý ông, tại Bình Dương nhiều tiệm hớt tóc mọc lên như nấm. Bên cạnh những tiệm lớn, nhiều tiệm nhỏ, với chiếc gương và vài ba dụng cụ làm đẹp cũng xuất hiện tràn khắp. Công việc chủ yếu của thợ cắt tóc là cắt tạo mẫu tóc, cạo râu, lấy ráy tai, làm móng, gội đầu, nhuộm tóc, duỗi tóc, massage, cạo gió, giác hơi, phun xăm… Bên cạnh những tiệm có ý thức bảo vệ, phòng chống lây nhiễm bệnh có thể xảy ra cho khách hàng thì tiệm, thợ còn cẩu thả trong việc sử dụng các dụng cụ sắc nhọn, dùng chung và dùng lại một số dụng cụ… Đây là một trong những nơi tiềm ẩn nguy cơ gây bệnh, đặc biệt là sự lây nhiễm chéo các bệnh lây qua đường máu vì những thao tác làm việc không an toàn.

Tại tiệm hớt tóc M.N (Phú Lợi, TP.TDM), trong 1 giờ đồng hồ ngày chủ nhật có gần 10 người khách đến làm đẹp. Với 1 chiếc kìm cắt da, người thợ làm cho hết người này đến người khác. Nhiều lúc sơ hở làm khách chảy máu, chị thợ nhanh tay lấy bông thấm máu và làm tiếp. Bên cạnh đó, một chị thợ khác liên tục cạo lông mặt cho khách bằng 1 chiếc dao cạo. Chị T.N, thợ cắt tóc nói: “Mỗi lần bấm móng cho khách xong, tôi thường lấy cồn sát trùng kìm, dao cạo được thay lưỡi liên tục”. Thế nhưng, người viết không hề thấy chị sát trùng kìm, hay thay lưỡi dao cạo.

Tại tiệm cắt tóc nam Q.T trên đường Trần Hưng Đạo (Dĩ An), sau khi cắt tóc xong, đến công đoạn cạo mặt, anh thợ bẻ đôi lưỡi lam mới thay vào con dao cạo mặt “để khách hoàn toàn yên tâm, khỏi sợ nhiễm HIV”. Nhưng ngay sau đó, anh cầm miếng bông phấn mà phần tay cầm đã đen nhẻm, mặt bông và cả hộp phấn dính đầy tóc của nhiều người để vỗ lên mặt khách. Như vậy, trừ chiếc lưỡi lam, còn lại kéo, tông đơ, bàn chải, khăn, bông phấn… mỗi ngày được dùng chung cho hàng chục lượt người mà không hề được tiệt, tẩy trùng.

Chị Lan Trinh (TP.Thủ Dầu Một), cho biết: “Để đề phòng lây nhiễm bệnh qua đường máu, mỗi lần đi làm móng tôi đều mang theo kìm cắt móng của mình. Đi cắt gội, massage, cạo mặt mà mang theo lược, khăn, dao cạo đến tiệm thì ai cũng nhìn tôi như người trên trời rơi xuống”.

Theo PGS.TS Nguyễn Đỗ Nguyên (Trưởng Bộ môn Dịch tễ khoa Y tế công cộng, ĐH Y dược TP.HCM ) và Thạc sĩ Nguyễn Văn Chinh (Trung tâm Sức khỏe lao động và Môi trường tỉnh Bình Dương) trong đề tài nghiên cứu “Kiến thức, thực hành phòng ngừa lây nhiễm bệnh qua đường máu của thợ cắt tóc tại TX.Thuận An, Bình Dương”: “Việc dùng chung dụng cụ (mà không khử trùng) không những có khả năng lây nhiễm những bệnh qua đường máu mà còn có thể truyền những vi khuẩn, vi nấm, chấy rận… Nguyên nhân, nhiều thợ hớt tóc thiếu hiểu biết về quy trình tiệt trùng dụng cụ dính máu. Họ chỉ làm sạch theo kinh nghiệm như ngâm cồn, đốt, chà chanh, ngưng sử dụng một vài ngày…”.

“Theo Luật Vệ sinh tẩy trùng ngành tóc và thẩm mỹ của Mỹ, sau khi phục vụ mỗi khách hàng, phải chùi sạch kéo cắt tỉa tóc, dao cạo, kẹp cuốn tóc và tất cả các loại lược bằng khăn giấy, sau đó xịt thuốc tẩy trùng sát khuẩn, diệt nấm, diệt siêu vi hoặc các loại cồn. Các loại thuốc diệt khuẩn này phải được đăng ký với văn phòng quản lý môn bài ngành tóc và thẩm mỹ.

Dụng cụ điện phải được chùi sạch và xịt bằng thuốc tẩy trùng diệt khuẩn, diệt nấm trước khi dùng. Vật liệu chưa dùng đến phải cất trong các hộp đựng sạch và khô ráo, để riêng ra các dụng cụ và vật liệu đã vấy bẩn.

Cuối ngày sử dụng, tất cả các vật dụng (kéo cắt tóc, kéo tỉa tóc, dao cạo...) phải rửa bằng nước và xà bông, sau đó khử trùng bằng dung dịch diệt nấm, diệt siêu vi. Kem, nước làm se da, thuốc thoa tay, thuốc rửa, chất làm ẩm, mặt nạ, dầu… chỉ dùng một lần rồi vứt bỏ.”

Có thể thấy, sự tích tụ, lây truyền vi khuẩn qua các dụng cụ làm việc tại dịch vụ cắt tóc từ người này sang người khác, ngày này sang ngày khác là một điều cần thiết để báo động hiện nay. Để thông tin khách quan và trung thực nhất cảnh báo tình trạng vệ sinh của dịch vụ này cho người dân; cũng như có hướng tuyên truyền đến thợ cắt tóc, PGS.TS Nguyễn Đỗ Nguyên, Thạc sĩ Nguyễn Văn Chinh đã khảo sát, đưa ra các con số khó tin tại các điểm hớt tóc trên địa bàn TX. Thuận An. Trên 148 thợ cắt tóc thì chỉ 19% thợ cắt tóc được đào tạo bài bản từ các trường nghề, hầu hết là làm trong các dịch vụ không đăng ký kinh doanh. 2% không biết đường lây truyền HIV/AIDS, 24 - 26% biết về đường lây VGSV B phổ biến, 77% biết các bệnh lây nhiễm qua đường máu (HIV, VGSV B, C) có thể lây từ dịch vụ cắt tóc. Kiến thức về phòng ngừa lây nhiễm bệnh qua đường máu từ dịch vụ là 0%, 36% đồng ý tham gia lớp tập huấn, 57% đồng ý làm việc cho khách hàng nhiễm HIV/AIDS. Nguy hiểm nhất là 34% sử dụng lại dụng cụ sắc nhọn, 82% sử dụng lại khăn lau, hầu hết những dụng cụ lấy ráy tai bằng bông và dụng cụ làm móng đều sử dụng lại. Thời gian làm sạch dụng cụ một lần khá lâu (khoảng 3 ngày/ lần) với biện pháp chủ yếu là giặt bằng nước và xà bông, ngâm cồn hoặc oxy già.

Kiến thức về biện pháp phòng chống chỉ có 1% thợ cắt tóc biết việc rửa tay làm giảm các bệnh lây qua đường máu, 3% biết đúng quy trình tiệt trùng dụng cụ dính máu, 63% biết viêm gan B có vắc- xin tiêm ngừa. Để phòng tránh các bệnh lây qua đường máu, nhiều người thợ cho rằng: “cố gắng không làm chảy máu” (96%), “không đụng tới chỗ chảy máu” (5%), sử dụng dao cạo riêng (98%)… Tuy nhiên, những kiến thức họ nắm được chưa đúng về nguyên tắc sử dụng dụng cụ, biện pháp phòng ngừa các bệnh lây nhiễm qua đường máu từ dịch vụ cắt tóc.

Thạc sĩ Nguyễn Văn Chinh cho biết thêm “để thợ cắt tóc biết về mức độ lây nhiễm bệnh đường máu, thời gian tới, cơ quan chức năng có liên quan cần tập trung tuyên truyền, giáo dục cho thợ cắt tóc những kiến thức cơ bản về y tế, về các thao tác nguy hại cho bản thân và khách hàng, đồng thời xây dựng quy trình làm việc an toàn”.

THIÊN LÝ

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên