Trong các phương pháp điều trị bệnh thận thì chế độ ăn uống đóng một vai trò hết sức quan trọng trong việc làm giảm đáng kể tiến trình chuyển nặng của bệnh suy thận (ST)…
Bác sĩ Lý Văn Trãi, Bệnh viện Đa khoa tỉnh, cho biết, một số người vì quá kiêng khem nên dẫn đến cơ thể thiếu dinh dưỡng. Vì cơ thể người bệnh thiếu dinh dưỡng nên ảnh hưởng đến quá trình điều trị bệnh. Do đó, nguyên tắc là phải ăn uống làm sao đủ năng lượng, đủ vitamin, đủ yếu tố vi lượng, bảo đảm cân bằng nước, điện giải. Nguyên tắc dinh dưỡng đối với bệnh nhân ST mạn đó là: hạn chế đạm, nên dùng đạm quý có nhiều axit amin cần thiết cho cơ thể như các thức ăn từ động vật (thịt bò, gà, heo, vịt, cá, tôm, sữa…); tăng thức ăn nhiều canxi (như tôm, cá, sụn…); hạn chế đạm thực vật như các loại đậu đỗ (vì các thức ăn này có nhiều cali), các thức ăn có nhiều photphat như gan, trứng... Ở nhóm tinh bột, nên sử dụng nhiều các loại thực phẩm giàu glucid nhưng ít đạm như: sắn, khoai lang, khoai sọ, khoai tây, bột sắn dây…; không ăn nhiều các loại ngũ cốc có nhiều đạm như gạo, mì… Để bảo đảm cân bằng nước, điện giải, nên ăn nhạt khi có phù, cao huyết áp; hạn chế nước khi có phù, thiểu niệu hoặc vô niệu. Ngoài ra, người bị ST mạn nên hạn chế các thực phẩm có nhiều cali như: cam, chanh, bưởi, chuối, nho, đặc biệt là các loại quả và hạt khô. Rau tươi có nhiều cali, vì thế luộc 2 - 3 lần bỏ nước. Trong trường hợp tiểu ít và vô niệu thì nên bỏ hẳn rau và quả, đề phòng tăng cali máu. Tóm lại, bệnh nhân ST mạn cần ăn uống theo chỉ dẫn của bác sĩ chuyên khoa.
CẨM LÝ