Tiếp tục phát huy thành quả, khơi dậy tiềm năng, tạo chuyển biến đột phá và phát triển bền vững

Cập nhật: 20-01-2020 | 11:05:01

Với chiến lược phát triển thành phố thông minh, Bình Dương được đánh giá là một trong những địa phương có sự đột phá trong phát triển và sớm có bước đi tiệm cận với Nghị quyết 52 - NQ/TW của Bộ Chính trị về chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư trong định hướng phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Nhân dịp xuân về, phóng viên Báo Bình Dương đã có cuộc phỏng vấn đồng chí Trần Thanh Liêm, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, về những nỗ lực của Bình Dương nhằm phát huy nội lực, nâng cao vị thế và hội nhập hiệu quả để phát triển.

- Thưa đồng chí, theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, trong giai đoạn 2016-2020, đặc biệt là trong năm 2019, Bình Dương đã quyết tâm, nỗ lực đột phá để tiếp tục trở thành một điểm sáng trong phát triển kinh tế - xã hội, thu hút đầu tư. Xin đồng chí cho biết khái quát về những thành tựu và một số nguyên nhân cơ bản để tỉnh đạt được thành công trong năm 2019?

- Kể từ khi được tái lập vào năm 1997, các thế hệ lãnh đạo tỉnh Bình Dương đã luôn kế thừa, nhận thức và hành động theo quan điểm nhất quán là để phát triển cần phải đẩy mạnh công nghiệp hóa mang tính đột phá, gắn với khai thác có hiệu quả các tiềm năng, lợi thế của địa phương. Phát huy truyền thống và với quyết tâm thực hiện đường lối đổi mới và hội nhập, lãnh đạo tỉnh qua các thời kỳ đã luôn nỗ lực với nhiều giải pháp sáng tạo, quyết tâm khai thông những bế tắc nhằm tạo ra cơ chế thông thoáng, thuận lợi để đón làn sóng đầu tư của các doanh nghiệp trong và ngoài nước đến với tỉnh Bình Dương.

Có thể khẳng định rằng, với những bước đi cụ thể và thông qua hàng loạt quyết sách quan trọng, nhưng trên hết là sự đồng lòng, chung sức của cả hệ thống chính trị, nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp nên trong giai đoạn 2016- 2020, tỉnh Bình Dương đã cải thiện môi trường đầu tư ngày càng thông thoáng và đi vào chiều sâu, chất lượng hơn; hoàn thiện và nâng cấp cơ sở hạ tầng nhằm phục vụ tốt hơn yêu cầu phát triển công nghiệp, đô thị và dịch vụ.

Cũng chính từ sự phấn đấu, nỗ lực đó nên trong năm 2019, kinh tế - xã hội của tỉnh đã đạt được những kết quả tích cực và khá toàn diện trên hầu hết các lĩnh vực. Cụ thể, tổng sản phẩm trong tỉnh (GRDP) ước tăng 9,5% so với năm 2018; tỷ trọng các ngành công nghiệp - xây dựng, dịch vụ, nông - lâm nghiệp - thủy sản và thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm trong cơ cấu kinh tế tương ứng ước đạt 66,8% - 22,4% - 2,6% - 8,2%; GRDP bình quân đầu người ước đạt 146,9 triệu đồng/năm; tổng thu ngân sách Nhà nước từ kinh tế - xã hội đạt gần 60.000 tỷ đồng, với số thu nội địa đạt trên 41.000 tỷ đồng. Bình Dương là 1 trong 16 địa phương nộp ngân sách về Trung ương, đứng thứ 3 sau TP.Hồ Chí Minh và Hà Nội

Trong năm 2019, sản xuất công nghiệp của tỉnh tiếp tục phát triển với chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng 9,86% so với năm 2018; giá trị sản xuất nông - lâm nghiệp - thủy sản ước tăng 4%; giá trị gia tăng ngành dịch vụ ước tăng 9,8%; kim ngạch xuất khẩu ước tăng 15,6%, đạt gần 28 tỷ USD, với thặng dư thương mại đạt gần 7 tỷ USD. Đến nay, toàn tỉnh có 3.753 dự án đầu tư nước ngoài còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký 34,23 tỷ USD. Theo thống kê mới nhất, tỉnh Bình Dương đứng thứ 2 trong cả nước về thu hút vốn đầu tư nước ngoài, chỉ sau TP.Hồ Chí Minh.

Nền tảng để Bình Dương có được những thành công như hiện nay là một quá trình mang tính chất đột phá và sự phấn đấu không mệt mỏi của các cấp, các ngành, của nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp. Đặc biệt là những bước đi mang tính sáng tạo, dám nghĩ và biết làm của một số doanh nghiệp chủ lực của tỉnh và sự quyết tâm trong chỉ đạo, điều hành của các cấp, các ngành theo đúng mục tiêu, định hướng phát triển của Chương trình số 22- CTr/TU ngày 15-8-2016 của Tỉnh ủy về “Phát triển đô thị theo hướng văn minh, giàu đẹp và nâng cao chất lượng sống của nhân dân” và Chương trình số 23-CTr/TU ngày 16- 8-2016 của Tỉnh ủy về “Huy động và phát huy các nguồn lực từ các thành phần kinh tế để tiếp tục đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội của tỉnh giai đoạn 2016-2020”.

Thực tiễn cũng cho thấy, thông qua các chương trình này và nhiều giải pháp quan trọng khác, Đề án Thành phố thông minh Bình Dương đã được tạo điều kiện thuận lợi để phát huy được các giá trị cụ thể, trên nền tảng trọng tâm là mô hình hợp tác giữa “3 nhà”: Nhà nước - nhà trường và doanh nghiệp. Đây cũng là một trong những điểm mấu chốt, phù hợp để mở ra những hướng phát triển trong tương lai của tỉnh; là động lực góp phần tiếp tục đưa kinh tế tỉnh nhà chuyển dần sang sản xuất công nghệ cao, phát triển mạnh đô thị và dịch vụ, với môi trường xã hội ngày một thông minh, hiện đại và trở thành nơi đáng sống.

- Với chiến lược phát triển thành phố thông minh, Bình Dương được đánh giá là địa phương sớm có bước đi tiệm cận với Nghị quyết 52 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 trong định hướng phát triển kinh tế của tỉnh nhà. Thưa đồng chí, tỉnh đã có những nỗ lực như thế nào để sớm bước đi phù hợp với định hướng, xu thế này?

- Ngày 27-9-2019, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã ban hành Nghị quyết số 52-NQ/TW về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Có thể khẳng định rằng đây là một trong những quyết sách quan trọng của Trung ương trong quá trình hội nhập, đồng thời hình thành một hành lang pháp lý rất quan trọng để các cấp, các ngành bắt tay ngay vào xây dựng và triển khai thực hiện một số chính sách nhằm thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp công nghệ cao trên một số lĩnh vực như: Thông tin, điện tử - viễn thông, góp phần hình thành một nền tảng cơ sở hạ tầng viễn thông đồng bộ. Qua đó cũng tạo điều kiện và làm tiền đề cho kinh tế số phát triển nhanh, trở thành bộ phận quan trọng của nền kinh tế; bảo đảm cho công nghệ số được áp dụng trong các ngành công nghiệp, nông nghiệp và dịch vụ, đồng thời tạo thuận lợi trong xây dựng Chính phủ điện tử; góp phần nâng cao chất lượng đời sống xã hội và tạo ra môi trường thông thoáng để phát triển hiệu quả hơn.

Như chúng ta đã biết, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư mang lại cả cơ hội và thách thức đan xen. Vấn đề then chốt là các cấp, các ngành, kể cả cộng đồng doanh nghiệp phải biết nắm bắt kịp thời, tận dụng hiệu quả các cơ hội để nâng cao năng suất lao động, hiệu quả, tránh tụt hậu và bị đào thải; tạo sức cạnh tranh hữu hiệu của nền kinh tế; đồng thời nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước và xã hội thông qua nghiên cứu, chuyển giao và ứng dụng mạnh mẽ các thành tựu tiên tiến của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư cho các lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội, nhất là một số ngành, lĩnh vực trọng điểm, có tiềm năng, lợi thế để làm động lực cho tăng trưởng; bảo đảm cho quá trình phát triển của địa phương được ngày càng mạnh mẽ, bền vững và không bị tụt hậu.

Đối với tỉnh Bình Dương, việc triển khai thực hiện Đề án Thành phố thông minh là một trong những bước đi mang tính chiến lược nhằm tạo ra sự đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; hướng đến việc định hình và phát triển một nền kinh tế có giá trị gia tăng cao hơn dựa trên cơ sở nền sản xuất công nghệ cao, bảo đảm chất lượng phát triển, hướng đến các mục tiêu phát triển bền vững. Với việc triển khai đề án này, tỉnh nỗ lực quy hoạch và phát triển đô thị theo hướng thông minh, hội nhập quốc tế sâu rộng và tạo tiền đề tiến lên nền k inh tế tri thức.

Dưới một góc độ nào đó, bước đi này có thể xem như một sự tiệm cận khá kịp thời với Nghị quyết số 52-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Thông qua việc nhận thức đầy đủ, đúng đắn về nội hàm, bản chất của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư để quyết tâm đổi mới tư duy và hành động, coi đó là giải pháp đột phá với bước đi và lộ trình phù hợp để Bình Dương bứt phá mạnh mẽ hơn nữa trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian tới.


Lãnh đạo tỉnh chứng kiến lễ ký kết biên bản ghi nhớ giữa Tổng Công ty Becamex IDC và Tập đoàn NTT East (Nhật Bản). Ảnh: XUÂN THI

- Trên thực tế, việc phát triển bất cứ một lĩnh vực nào cũng luôn đi kèm những thách thức. Xin đồng chí cho biết, với tỉnh nhà thì thách thức lớn nhất đặt ra trong giai đoạn hiện nay là gì? Và để tiếp tục thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, trong thời gian tới tỉnh sẽ tập trung vào những vấn đề gì?

- Đánh giá của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã cho thấy trong năm 2019, mặc dù tình hình chung còn nhiều khó khăn, thách thức nhưng với sự cố gắng, nỗ lực của các cấp, các ngành, của cộng đồng doanh nghiệp và các tầng lớp nhân dân, tình hình kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh và xây dựng hệ thống chính trị của tỉnh tiếp tục chuyển biến tích cực và đạt nhiều kết quả khá toàn diện trên các lĩnh vực.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được vẫn còn có những mặt tồn tại, hạn chế và những bất cập nhất định, ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình phát triển của tỉnh và đời sống của người dân trong tỉnh. Nhất là những tồn tại mang tính bất cập trong quá trình phát triển công nghiệp hóa như: Tình hình gia tăng dân số cơ học trên địa bàn tỉnh rất nhanh và khó dự đoán nên dẫn đến tình trạng quá tải đối với hạ tầng xã hội và các lĩnh vực y tế, giáo dục, giao thông. Lĩnh vực nông nghiệp tuy vẫn duy trì được sự phát triển nhưng năng suất, giá cả, dịch bệnh đối với một số sản phẩm nông nghiệp tiềm ẩn các yếu tố có nguy cơ gây mất ổn định cho cả nền kinh tế của tỉnh và làm ảnh hưởng đến đời sống của nhân dân.

Tình hình an ninh trật tự, cháy nổ, tai nạn giao thông tại một số địa bàn còn diễn biến phức tạp. Bên cạnh đó, một số chỉ số đóng vai trò quyết định đến năng lực cạnh tranh nền kinh tế của tỉnh trong bối cảnh hội nhập và thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0 vẫn còn thấp và cần được tập trung cải thiện như: Năng lực đổi mới sáng tạo, thị trường lao động, khả năng tiếp cận công nghệ, kỹ năng lao động, tính năng động của doanh nghiệp và thị trường sản phẩm… Các yếu tố này đặt ra những thách thức không nhỏ, có tính ảnh hưởng lâu dài đối với quá trình phát triển và tăng trưởng kinh tế tỉnh nhà.

Để tiếp tục thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian tới, khắc phục hiệu quả những yếu tố còn hạn chế và bất cập, tỉnh sẽ tập trung vào một số nhiệm vụ trọng tâm sau:

Tiếp tục phát triển kinh tế - xã hội theo hướng tăng trưởng ổn định và bền vững; chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng nhanh tỷ trọng nhóm ngành công nghiệp - dịch vụ; chú trọng nâng cao chất lượng tăng trưởng, khuyến khích đổi mới, sáng tạo, khởi nghiệp, phát triển doanh nghiệp tư nhân. Tiếp tục đẩy mạnh đầu tư hoàn thiện hệ thống hạ tầng kinh tế - xã hội, phát triển đô thị - dịch vụ và từng bước triển khai thực hiện có hiệu quả các dự án xây dựng đô thị thông minh Bình Dương theo lộ trình đề ra.

Tập trung huy động các nguồn lực xã hội cho đầu tư phát triển, trong đó chú trọng đầu tư xây dựng đồng bộ hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội như: Giao thông, y tế, giáo dục, cấp thoát nước, môi trường, cơ sở hạ tầng và hình thành những công trình có ý nghĩa quan trọng và làm động lực đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Tập trung phát triển các ngành dịch vụ chất lượng cao, có hàm lượng tri thức, công nghệ và giá trị gia tăng cao, gắn với phát triển đô thị theo hướng văn minh, hiện đại. Ưu tiên phát triển logistics, dịch vụ vận tải chuyên dùng và vận tải đường sông; đầu tư phát triển hệ thống cảng, trong đó có các cảng ICD nhằm nâng cao năng lực, hiệu quả ngành dịch vụ vận tải phục vụ yêu cầu phát triển của tỉnh.

Tiếp tục thu hút mạnh nguồn vốn đầu tư nước ngoài, trong đó tập trung thu hút các dự án thuộc ngành công nghiệp có giá trị gia tăng cao, các dự án có công nghệ tiên tiến, hiện đại; hạn chế thu hút các dự án sử dụng nhiều lao động, tài nguyên, có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường. Chú trọng mời gọi đầu tư từ các tập đoàn lớn, các doanh nghiệp có công nghệ cao… đặc biệt là các doanh nghiệp có uy tín và tiềm năng đến từ châu Âu, châu Mỹ và các nước có nền công nghiệp phát triển.

Quan tâm, tạo điều kiện hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa; đẩy mạnh xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường xuất khẩu. Khuyến khích doanh nghiệp đa dạng hóa thị trường nhập khẩu, đặc biệt là thị trường nhập khẩu nguyên phụ liệu phục vụ sản xuất; tăng cường công tác kiểm tra chất lượng hàng hóa nhập khẩu. Tập trung nâng cao kim ngạch xuất khẩu hàng công nghiệp và năng lực cạnh tranh của mặt hàng xuất khẩu; chú trọng xuất khẩu hàng các mặt hàng nông sản chế biến, đồng thời tăng cường phát triển các lĩnh vực dịch vụ phục vụ cho doanh nghiệp và người nước ngoài như: Nhà ở, chăm sóc sức khỏe, tài chính, ngân hàng…

Đẩy mạnh cải cách hành chính, sắp xếp tổ chức, bộ máy gắn với tinh giản biên chế; chú trọng công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí; nâng cao tính minh bạch và năng lực cạnh tranh, tạo môi trường thuận lợi thu hút đầu tư, phát triển sản xuất kinh doanh. Quan tâm công tác chăm lo an sinh xã hội, đời sống vật chất, tinh thần và chăm sóc sức khỏe nhân dân. Bảo đảm quốc phòng - an ninh, giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội. Nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại và chủ động hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng hơn.

Với việc đoàn kết, phấn đấu, nỗ lực của toàn xã hội để hoàn thành thật tốt những nhiệm vụ nặng nề nói trên, chúng ta tin tưởng rằng tỉnh Bình Dương sẽ tiếp tục chuyển mình, thay đổi diện mạo nhanh chóng để phát triển bền vững và thịnh vượng hơn.

- Xin cảm ơn đồng chí!

 TIỂU MY (thực hiện)

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên