Chia sẻ bài viết lên facebook

Xuất khẩu tăng trưởng mạnh 

Cập nhật: 29-09-2015 | 08:23:00

Trong 9 tháng đầu năm 2015, hoạt động xuất khẩu của Bình Dương tiếp tục phát triển; kim ngạch xuất khẩu ước đạt 13,926 tỷ USD, tăng 17,6% so với cùng kỳ năm 2014. Các thị trường xuất khẩu truyền thống như Mỹ, EU, Nhật Bản, ASEAN... tiếp tục duy trì đà tăng trưởng ổn định.

 

 Hoạt động sản xuất tại Công ty TNHH Dệt Tường Long (Khu công nghiệp Sóng Thần II, TX.Dĩ An). Ảnh: P.AN

 Mặt hàng xuất khẩu chủ lực tăng trưởng khá

9 tháng qua, những mặt hàng xuất khẩu chủ lực truyền thống của Bình Dương như sản phẩm gỗ, dệt may, da giày đạt mức tăng trưởng khá so với cùng kỳ năm 2014. Ông Nguyễn Văn Quang, Trưởng phòng Công nghiệp Sở Công thương cho biết, trong 9 tháng qua ngành gỗ tiếp tục dẫn đầu về kim ngạch xuất khẩu của cả tỉnh. Trong những năm gần đây xuất khẩu sản phẩm gỗ luôn đạt mức tăng trưởng cao do sự phục hồi của nền kinh tế thế giới, đặc biệt là các thị trường xuất khẩu chính như Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Đức, Anh... Theo bà Đỗ Thị Kim Loan, Phó Chủ tịch Hiệp hội gỗ Bình Dương, thị trường gỗ hiện nay khá thuận lợi. 9 tháng qua, riêng xuất khẩu gỗ sang thị trường Hoa Kỳ tăng 15 - 20% so với cùng kỳ năm ngoái.

Bên cạnh ngành gỗ, dệt may là mặt hàng xuất khẩu đứng thứ 2 về kim ngạch xuất khẩu của tỉnh. Từ đầu năm đến nay, triển vọng phát triển thị trường xuất khẩu của ngành dệt may khá tốt. Các thị trường truyền thống như Mỹ, EU, Hàn Quốc, Trung Quốc có mức tăng trưởng trung bình từ 8 - 11% so với cùng kỳ năm 2014. Ông Dương Chí Hảo, Giám đốc Công ty TNHH Dệt Tường Long (Khu công nghiệp Sóng thần II, TX.Dĩ An) cho hay, công ty chuyên sản xuất xuất khẩu vải jean và kaki; từ đầu năm đến nay công ty đạt doanh thu khoảng 500 tỷ đồng, lợi nhuận tăng hơn 10% so với cùng kỳ năm trước. Hiện nay công ty đã ký được đơn hàng xuất khẩu đến hết 2 tháng năm 2016.

Với những kết quả khả quan trong xuất khẩu 9 tháng qua, bà Phan Lê Diễm Trang, Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Bình Dương cho rằng, dự kiến xuất khẩu của ngành dệt may trong năm 2015 sẽ tăng 11 - 15% so với cùng kỳ năm 2014.

Đối với mặt hàng giày da, lượng đơn hàng xuất khẩu trong 9 tháng qua khá dồi dào, đa dạng về chủng loại; giá đơn hàng cũng tăng trung bình 10% so với cùng kỳ. Hiện Việt Nam là một trong 3 nước xuất khẩu giày dép nhiều nhất vào thị trường EU sau Trung Quốc và Italia. Theo bà Trương Thúy Liên, Phó Chủ tịch Hiệp hội Giày da Bình Dương, năm nay ngành giày da “được mùa”, lượng khách hàng từ các nước đến Bình Dương mua mặt hàng này tăng mạnh. Đặc biệt, nhiều khách hàng từ Trung Quốc đã chuyển các đơn hàng vào thị trường Việt Nam vì lý do tới đây Việt Nam sẽ ký nhiều hiệp định thương mại, mang đến nhiều lợi ích cho ngành giày da. Nhờ đó, hiện nhiều doanh nghiệp không chỉ đạt mà còn vượt kế hoạch đề ra cho cả năm 2015.

Cần tận dụng tốt cơ hội

Theo ông Phạm Văn Xô, Chủ tịch Hiệp hội Xuất nhập khẩu Bình Dương, trong 9 tháng qua hoạt động xuất khẩu của Bình Dương đạt được kết quả tốt là nhờ tỉnh đã có những chính sách thu hút đầu tư cụ thể, kịp thời xóa bỏ hàng rào ngăn cách giữa cơ quan quản lý và doanh nghiệp, đồng thời tạo điều kiện cho doanh nghiệp sản xuất hiệu quả.

Theo đánh giá của UBND tỉnh, việc triển khai các giải pháp giải quyết khó khăn cho doanh nghiệp đã thúc đẩy sản xuất, kinh doanh đạt hiệu quả. Bên cạnh đó, UBND tỉnh và các ngành chức năng định kỳ tiếp xúc, đối thoại doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng nhằm kịp thời giải quyết vướng mắc, kiến nghị của doanh nghiệp. Chương trình xúc tiến thương mại và đầu tư cũng được tổ chức nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp tìm kiếm cơ hội xuất khẩu.

Trong bối cảnh Việt Nam đang thực hiện đàm phán nhiều hiệp định thương mại tự do sẽ là cơ hội để các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Bình Dương mở rộng thị trường xuất khẩu, góp phần nâng cao kim ngạch xuất khẩu của cả tỉnh. Tuy nhiên, để các hiệp định này thật sự mang lại những lợi ích cho doanh nghiệp đòi hỏi mỗi doanh nghiệp phải đề ra những chiến lược cụ thể để tận dụng cơ hội phát triển cho riêng mình.

Ông Phạm Văn Xô cho biết thêm, năm 2016 cơ hội xuất khẩu của doanh nghiệp sẽ rất lớn vì có nhiều hiệp định thương mại tự do sẽ được Việt Nam ký kết. Mặc dù vậy, trong thời gian tới các doanh nghiệp cũng gặp không ít khó khăn vì khi Việt Nam mở cửa thị trường cho các nước khác đầu tư vào sẽ tạo sức cạnh tranh mạnh mẽ hơn, trong khi nền sản xuất và tính chủ động sản xuất hàng hóa của doanh nghiệp Việt Nam chưa bằng các doanh nghiệp nước ngoài.

Chia sẻ với ý kiến này, ông Dương Chí Hảo cho biết, Hiệp định Đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TTP) sẽ là cơ hội để doanh nghiệp xuất khẩu, trong đó với ngành dệt chắc chắn sẽ không thiếu các đơn hàng. Nhưng TPP cũng đặt ra nhiều thách thức cho doanh nghiệp. Để giảm bớt khó khăn các doanh nghiệp cần tổ chức hoạt động sản xuất có hiệu quả và làm tốt công tác tiếp thị.

 PHƯƠNG AN

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên