Tối 22-9, tại Hà Nội, Viện Nghiên cứu Bảo tồn và Phát huy Văn hóa dân tộc, Tạp chí Văn hiến Việt Nam tổ chức lễ trao Giải thưởng Đào Tấn 2024, tôn vinh 18 tập thể, cá nhân đã có những tác phẩm đóng góp tích cực cho việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa nghệ thuật truyền thống của dân tộc.
Đại diện Ban tổ chức trao thưởng cho các tác giả đạt giải.
Báo cáo tổng kết tại Lễ trao giải thưởng Đào Tấn 2024, ông Nguyễn Thế Khoa, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu Bảo tồn và Phát huy Văn hóa dân tộc, Trưởng ban Tổ chức, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Giải thưởng Đào Tấn cho biết, Giải thưởng Đào Tấn 2024 bắt đầu với nhiều niềm tin khi nghệ thuật dân tộc đang có nhiều chuyển biến lạc quan. Ban tổ chức đã lựa chọn được gần 50 tác phẩm, tác giả, đơn vị nghệ thuật phù hợp với 2 tiêu chí lớn của Giải thưởng Đào Tấn để trình Hội đồng Giải thưởng Đào Tấn xem xét trao giải.
Sau một thời gian xem xét, tham khảo ý kiến các văn nghệ sỹ và nhà lý luận phê bình có uy tín cao, Hội đồng Giải thưởng đã thống nhất trao 18 giải thưởng, trong đó có 11 giải thưởng cá nhân cho các văn, nghệ sỹ xuất sắc; 5 vở diễn xuất sắc của 5 đơn vị sân khấu chuyên nghiệp và 2 giải đoàn nghệ thuật bán chuyên nghiệp xuất sắc cho 2 đoàn tuồng bán chuyên nghiệp.
Trong đó, ở hạng mục vở diễn sân khấu - hạng mục cơ bản của Giải thưởng Đào Tấn, 5 tác phẩm sân khấu của 5 đơn vị sân khấu chuyên nghiệp được trao Giải Vở diễn xuất sắc gồm: Vở chèo “Mưa đỏ” của Đoàn Nghệ thuật Chèo Hải Phòng; Vở cải lương “Nợ nước non” của Nhà hát Cải lương Việt Nam; Vở kịch nói “Mưa bóng mây” Công ty Trách nhiệm hữu hạn Hero Film Thành phố Hồ Chí Minh; Vở chèo “Đại đội trưởng của tôi” của Nhà hát Chèo Quân đội; Vở chèo “Nắm xôi kỳ diệu” của Nhà hát Chèo Hà Nội.
Hai giải thưởng cho các Đoàn nghệ thuật bán chuyên nghiệp xuất sắc được trao cho 2 đơn vị gồm: Đoàn tuồng bán chuyên xã Nhơn Hưng, huyện An Nhơn, tỉnh Bình Định; Đoàn Tuồng bán chuyên thôn Phú Mẫn, thị trấn Chờ, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh. Đây là những “bảo tàng sống” lưu giữ di sản tuồng cổ trong đó có tuồng Đào Tấn mà chúng ta ngày càng phải quan tâm hơn…
Ở hạng mục giải thưởng dành cho cá nhân, Ban tổ chức đã trao tổng cộng 11 giải thưởng cho các cá nhân, là các văn nghệ sỹ có thành tích xuất sắc.
Trong đó, Nghệ sỹ Nhân dân Lệ Thủy được trao Giải Thành tựu trọn đời sáng tạo nghệ thuật và cống hiến phục vụ nhân dân; Tiến sỹ Trần Thị Hoàng Mai, Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao Hải Phòng được trao Giải Nhà quản lý Văn hóa xuất sắc.
Ca sỹ, nhạc sỹ Nguyễn Đức Chính được trao Giải Ca sỹ, nhạc sỹ hát và viết về Thủ đô Hà Nội xuất sắc; Nghệ sỹ Dương Đình Trí được trao Giải Người sáng tạo chương trình xuất sắc (ông là người sáng lập, tác giả, đạo diễn, ca sỹ chính của chương trình “Bước chân hai thế hệ” duy trì liên tục 15 năm (từ 2009 đến nay); Nghệ nhân, thạc sỹ Vương Danh Thưởng (Giám đốc Trung tâm Đào tạo Hát văn thuộc Viện Nghiên cứu Bảo tồn và Phát huy Văn hóa Dân tộc) được trao Giải Người đào tạo xuất sắc.
Các tác giả được trao giải Tác phẩm xuất sắc gồm: Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều với Trường ca “Những người lính của làng”; Nhà thơ Trần Vũ Mai với “Tuyển thơ Trần Vũ Mai”; Nhà thơ Đỗ Nam Cao với “Tuyển thơ Đỗ Nam Cao”; Nhà điêu khắc Vương Duy Biên với tác phẩm “Tượng đài Bác Hồ với miền Nam” ở đảo Phú Quốc, Kiên Giang; Nhà điêu khắc Lưu Thanh Lan với cụm ba tác phẩm tượng “Những người lính giữ đảo”, “Đất đai” và “Lời ru mùa xuân”; Nhạc sỹ Hình Phước Liên với ca khúc “Bà về ngự chốn non tiên”.
Ra đời từ năm 2000, ngay từ khi mới thành lập Viện Nghiên cứu Bảo tồn và Phát huy Văn hóa dân tộc và Tạp chí Văn hiến, Giải thưởng Đào Tấn được sáng lập để trao tặng cho các tập thể, cá nhân có các tác phẩm sân khấu, văn học, hội họa, âm nhạc xuất sắc, đóng góp tích cực cho sự nghiệp xây dựng, bảo vệ giao lưu hội nhập của đất nước, bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa nghệ thuật truyền thống dân tộc. Đầu tiên, Giải thưởng được trao hai năm/lần; từ năm 2005 đến nay, Giải thưởng được trao một năm/lần.
Theo TTXVN