Ảnh minh họa.
Ngày 8/11, Bộ Điện tử và Công nghệ Thông tin Ấn Độ đã ra khuyến cáo, trong đó yêu cầu các mạng xã hội nhận diện thông tin sai lệch và deepfake.
Trong khuyến cáo, bộ trên yêu cầu các mạng xã hội cần nỗ lực để nhận diện thông tin sai lệch và deepfake, đặc biệt là thông tin vi phạm các quy định và hoặc thỏa thuận với người dùng.
Cơ quan này còn yêu cầu mạng xã hội có hành động nhanh chóng trong việc xử lý các trường hợp như vậy, bao gồm gỡ bỏ mọi nội dung vi phạm khi được báo cáo trong vòng 36 giờ và đảm bảo giải quyết nhanh chóng, chặn truy cập nội dung hoặc thông tin vi phạm.
Deepfake là công nghệ sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI), kết hợp giữa các thuật toán học sâu và học máy nhằm tạo ra những video, hình ảnh hoặc âm thanh giả mạo một cách rất chân thực.
Công nghệ này thường bị lạm dụng để lan truyền thông tin sai lệch hoặc với mục đích xấu. Một số quốc gia đang tìm cách xây dựng các quy định về trách nhiệm pháp lý và vấn đề đạo đức để quản lý AI và ngăn chặn nguy cơ từ những công nghệ này./.
Theo TTXVN