Bà mẹ tu hành

Cập nhật: 04-08-2012 | 00:00:00
Năm 1941, đạn ca-nông của giặc Pháp bắn hàng trăm trái xuống vùng đất Thái Hòa, có một trái rơi trúng nhà chị Đỗ Thị Lan. Đạn nổ cướp đi cậu con trai đầu lòng của chị đang chập chững đi. Đứa trẻ bị một miểng đạn vào người, hình ảnh còn giữ lại trong tâm trí chị khi phải rời xa đứa con là khuôn mặt bé như thiên thần nằm ngủ!Nỗi buồn của chị Lan vơi đi theo thời gian. Ba năm sau chị sinh con trai thứ hai, vợ chồng đặt tên con là Hồ Văn Lực. Hạnh phúc vợ chồng tưởng chừng được bù đắp lại, nhưng chẳng may “cơm không lành canh chẳng ngọt”, vợ chồng bỏ nhau. Cha chồng chị đã đang tâm bắt đứa cháu nội mới được tám tháng tuổi trong tay người mẹ trẻ, dẫn đến bất hòa giữa hai gia đình sui gia. Để con quên đi đứa con đẻ, mẹ chị Lan gửi con gái mình trong một gia đình bà con ở Trảng Bom, cũng nhằm cắt đứt quan hệ với người chồng là Hồ Văn Tế. Tranh minh họa Chị Lan đã phải sống trong những chuỗi ngày cô đơn ở Trảng Bom, cùng nỗi đau ngăn cách với đứa con thơ của mình! Bấy giờ chị Lan còn trẻ nên có nhiều người theo đuổi. Nhưng chị đã khước từ tất cả để xuống tóc đi tu. Những người lớn tuổi như ông bà già chồng và bà già đẻ chị Lan cũng lần lượt theo ông bà tổ tiên. Vì vậy, mẹ con chị Lan mới có dịp đoàn tụ. Hàng năm, chị về thăm con đôi lần, rồi trở lại Trảng Bom. Ngày ngày chị làm thuê, tối về niệm phật!...Hồ Văn Lực - con trai chị lớn lên trong thời gian quê hương Đồng Khởi  (1960). Bà Lan ở bên đất Trảng Bom, Đồng Nai, ngày đêm tụng niệm, cầu kinh!... Bà tin những lời tụng niệm và tiếng chuông thỉnh sẽ làm cho linh hồn đứa con đầu xấu số của mình mau siêu thoát. Bà cũng cầu xin cho đứa con thứ hai đi kháng chiến được bình an. Để trả thù cho người anh đã khuất, khi mười bảy tuổi, Hồ Văn Lực xin mẹ vào du kích. Đứng trước tình thế phải xa con và đối mặt với những rủi ro - Đôi chút lưỡng lự hiện trên nét mặt của mẹ. Nhưng bà đã không từ chối nguyện vọng đứa con của mình. Đất nước đang chiến tranh - lương tri không cho bà sống ích kỷ.Hồ Văn Lực toại nguyện khi được mẹ đồng ý. Chỉ sau một thời gian ngắn anh đã lập công đầu, được lên chức Tiểu đội phó. Hồ Văn Lực cùng đồng đội đã sáng tạo ra nhiều lối đánh táo bạo, tiêu diệt nhiều tên giặc và xe cơ giới của chúng (có trận 8 tên Mỹ phải đền tội ác)... Đặc biệt trận đánh địch tại cầu Đúc nằm trên đường Tân Khánh đi Tân Uyên. Trận này, anh Lực hóa trang là một cô gái đang bê thau giặt đồ. Đợi xe địch đi tới, “cô gái” ghim điện cho mìn nổ, phá hoại một xe cam nhông và diệt nhiều tên địch!... Khi tôi viết bài này, chị Chín Cúc - vợ anh Hồ Văn Lực kể: Năm 1964, ảnh và tui cùng 20 tuổi, chi bộ bên ảnh đến nói với ông bà già gả tui cho anh Lực. Ông bà già hứa gả nhưng phải chờ đến giải phóng mới cho cưới, chúng tui đã chờ đợi... Năm 1966, anh Lực và du kích về tập kích bốt Tân Khánh: Trên đường rút quân sau trận đánh, khi qua đường anh bị lính bắn trúng một viên vô bụng! Sợ địch phát hiện, ảnh gắng sức vừa bò vừa lau đi vết máu dây ra. Ảnh bò vào nhà một người dân bên phố, rồi thận trọng khép cửa lại! Chủ nhà là bà Hai Lợi ảnh quen biết; con rể bả hoảng hốt kêu lên: “Anh đưa súng cho tui, rồi tui sẽ đưa lại cho du kích, anh bò khỏi nhà đi”- anh ta năn nỉ anh Lực. Anh Lực cương quyết: “Anh yên tâm xuống hầm với gia đình đi, nếu địch mở cửa, tui và chúng sẽ chết. Tui còn sống thì súng không mất”.Trận đó địch sục sạo hồi lâu không tìm thấy dấu vết gì, chúng trở về đồn... Sau đó, anh em du kích tìm được anh Lực và đưa anh đi bệnh viện tuyến sau. Người mẹ tu hành của anh Lực tìm lên tận bệnh viện Quân giải phóng trong Chiến khu Đ để chăm sóc con. Anh Lực nằm điều trị 6 tháng mới xuất viện.Một lần, anh Lực cùng với anh Chín Lùn - Bí thư xã Tân Phước Khánh trên đường đi công tác qua Mạch Hố Lươn; địch bắn anh Lực bị thương nặng, viên đạn xuyên qua phổi! Anh ráng gượng bơi qua suối, được các đồng chí xã Tân Vĩnh Hiệp từ phía bờ bên kia cứu sống! Thời gian về sau anh công tác tại huyện Châu Thành. Lúc ấy, anh Chín Lùn làm Huyện ủy viên huyện này.Không chờ được đến giải phóng, năm 1967, anh Lực và chị Cúc làm đám cưới. Mẹ anh từ Trảng Bom gửi tiền về lo cho hai con. Trong hoàn cảnh chiến tranh, đôi vợ chồng trẻ hiểu rằng đó là tất cả những gì mẹ đã dành dụm trong bao nhiêu năm xa con... Chị Chín Cúc ngậm ngùi: Có lần cả nhà ngỡ anh Lực đã chết, được ít hôm ảnh về vào nửa đêm. Má tui bảo: “Chồng con về nè Cúc”. Tui không tin là thực, gặp ảnh tui mừng đến rơi nước mắt!... Hai năm sau ngày cưới, tui mang bầu lại còn bị bọn lính tâm lý chiến ngụy hạch sách làm tình làm tội đủ điều. Tui phải nhận làm vợ bé người ta. Địch mới thôi điều tra...”.Năm 1970, địch hoạt động mạnh ở Tân Phước Khánh, một bộ phận cán bộ ta phải rút về xã Thái Hòa. Ngày 14-3-1970, địch bất ngờ càn vào căn cứ du kích xã này. Bị đánh bất ngờ, để bảo toàn lực lượng quân ta phải rút vào rừng. Mặc dù bị bắn bị thương, anh Lực vẫn đánh lạc hướng địch để anh em rút lui an toàn - Do vết thương quá nặng, anh đã hy sinh! Lính biệt kích địch kéo xác anh về bêu tại chợ Tân Ba một ngày một đêm. Sáng hôm sau, chúng mới đem chôn.Khi ấy, chị Cúc sinh con mới 3 tháng tuổi. Được thư báo chồng chết, lúc đầu chị không tin, vì mới chiều hôm trước chị còn gặp ảnh? Trong nỗi đau cắt ruột! Trong sương lạnh buổi sớm hôm sau, chị Cúc giả bộ đi làm cỏ lúa để tìm thăm mộ chồng bên bốt địch! Chị Cúc kể: Sau người nhà mới sang Trảng Bom báo cho bà già chồng tui biết. Ở nơi xa xôi tui không hay, nhưng chắc bà đã khóc nhiều lắm! Đến ngày giải phóng bà về quê ở và kể với tui: “Khi chồng con mất, má đau nhiều, ngày đêm má chỉ biết cầu kinh hồi hướng cho nó, cầu an cầu phước cho con và cháu!”. * * * *Với những thành tích kiên cường trong cuộc chiến đấu với địch, anh Hồ Văn Lực đã được Nhà nước tặng thưởng “Huân chương Quyết thắng hạng nhất”, “Huân chương Kháng chiến hạng nhì”. Chị Trần Thị Cúc vợ anh cũng được tặng thưởng “Huân chương Kháng chiến hạng ba”. Mẹ Đỗ Thị Lan mất năm 1993, bà được Nhà nước phong tặng danh hiệu cao quý Bà mẹ Việt Nam Anh hùng vào năm 1995. Mẹ Lan - một người ăn chay trường niệm phật, không dám cắt cổ một con gà, nhưng bà can đảm cắt đi “núm ruột” của mình - cho con nhập ngũ khi Tổ quốc lâm nguy - Cậu con trai duy nhất còn lại của bà đã không hổ danh trước người mẹ tu hành - đây là đặc điểm nổi bật của một bà mẹ Việt Nam Anh hùng vùng Chiến khu Đ - miền Đông Nam bộ.
Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=399
Quay lên trên