Trước tình trạng ô nhiễm khói bụi ngày một nghiêm trọng, chính quyền thủ đô Bắc Kinh của Trung Quốc quyết định sẽ triển khai chương trình ứng phó khẩn cấp, chú trọng tới việc hạn chế lượng phương tiện giao thông lưu thông.
Chương trình trên được thông qua tại cuộc họp ngày 16-10 của Ủy ban thường vụ Hội đồng Nhân dân thành phố Bắc Kinh và sẽ sớm được thực hiện.
Tân Hoa Xã cho biết theo Chương trình Ứng phó khẩn cấp ô nhiễm không khí của thành phố Bắc Kinh, hệ thống cảnh báo mức độ ô nhiễm không khí của thành phố sẽ gồm 4 mức tương ứng với 4 màu.
Báo động đỏ - mức cao nhất - được sử dụng khi tình trạng ô nhiễm khói bụi nghiêm trọng đã kéo dài ba ngày liên tiếp.
Trong trường hợp chính quyền ban bố tình trạng báo động đỏ, các ôtô cá nhân sẽ bị buộc phải hạn chế lưu thông để giảm lượng khí phát thải ra môi trường. Ngoài ra, 30% các xe ô tô thuộc sở hữu công cũng sẽ phải tạm ngừng hoạt động.
Trường học các cấp cũng sẽ đóng cửa trong các ngày này. Điều này đồng nghĩa với việc sẽ có thêm khoảng 2 triệu người dân Bắc Kinh sẽ phải phụ thuộc vào các phương tiện giao thông công cộng.
Để đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân, thành phố sẽ tăng số chuyến xe buýt từ 21.000 lên 25.000 chuyến, đồng thời kéo dài thời gian hoạt động của hệ thống tàu điện ngầm cũng sẽ được kéo dài trong khung giờ cao điểm của buổi chiều tối.
Với báo động da cam (mức cao thứ hai), chính quyền thủ đô Bắc Kinh yêu cầu các nhà máy tạm ngừng hoạt động hoặc cắt giảm năng suất nhằm giảm lượng khí phát thải, trong khi các công trình xây dựng hay các sự kiện bắn pháo hoa, tiệc nướng thịt ngoài trời cũng bị cấm.
Ô nhiễm không khí ngoài trời là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây các căn bệnh ung thư ở người. Theo báo cáo mới nhất của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), không chỉ gây nguy cơ lớn cho sức khỏe của con người, ô nhiễm không khí được coi là một trong những nguyên nhân dẫn tới nhiều bệnh ung thư chết người.
Cùng với nhiều chất nguy hiểm như amiăng, thuốc lá, phóng xạ tia cực tím, WHO coi ô nhiễm không khí là chất sinh ung thư trong môi trường nguy hiểm nhất, đặc biệt là khí thải từ giao thông vận tải, các nhà máy điện, sản xuất công nghiệp và nông nghiệp.
Năm 2010, hơn 220.000 trường hợp tử vong do ung thư phổi trên toàn thế giới có liên quan đến ô nhiễm không khí và đây cũng là nguyên nhân liên quan đến tăng nguy cơ gây ung thư bàng quang./.
(TTXVN)