Bãi bỏ Quyết định số 06/2015/QĐ-UBND của UBND tỉnh: Bảo đảm theo đúng quy định pháp luật

Cập nhật: 13-11-2020 | 09:06:11

UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 25/2020/ QĐ-UBND ngày 9-10- 2020 về việc bãi bỏ Quyết định số 06/2015/QĐ- UBND ngày 11-3-2015 của UBND tỉnh ban hành quy định về quản lý, cấp phép khai thác đất san lấp khi cải tạo mặt bằng để phục vụ thi công các công trình trên địa bàn tỉnh Bình Dương. Quyết định số 25 được ban hành nhằm bảo đảm theo đúng quy định pháp luật Nhà nước.


Hoạt động san lấp đất trên địa bàn tỉnh được kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ, đúng quy định của pháp luật

Bãi bỏ Quyết định 06 là cần thiết

Theo quy định tại Luật Khoáng sản năm 2010 và các văn bản hướng dẫn thi hành luật được ban hành thì chưa quy định thủ tục cấp phép khai thác đất san lấp trong các công trình cải tạo mặt bằng để phục vụ thi công công trình. Tuy nhiên, do nhu cầu cấp thiết của địa phương đòi hỏi phải được quy định để quản lý, kiểm soát trên địa bàn tỉnh. Do vậy, năm 2015 Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) đã tham mưu UBND tỉnh ban hành Quyết định số 06/2015/QĐ-UBND ngày 11- 3-2015 của UBND tỉnh quy định về quản lý, cấp phép khai thác đất san lấp khi cải tạo mặt bằng để phục vụ thi công các công trình trên địa bàn tỉnh Bình Dương. Qua 4 năm thực hiện, quyết định đã khắc phục phần lớn tình trạng khai thác trái phép và phục vụ kịp thời nhu cầu san lấp cho thi công các công trình của địa phương.

Ông Lê Văn Tân, Trưởng phòng Tài nguyên nước, khoáng sản và thiết bị thủy văn, SởTN&MT, cho biết: “Căn cứ theo Điều 28 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015, UBND tỉnh chỉ được phép ban hành quyết định quy định chi tiết điều, khoản, điểm được giao trong văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan Nhà nước cấp trên. Đồng thời theo khoản 4, Điều 4 có quy định trong quyết định của UBND tỉnh không được quy định thủ tục hành chính. Bên cạnh đó, để thực hiện đúng quy định pháp luật về khoáng sản, ngày 23-4- 2019, SởTN&MT có Văn bản số 2019/TNMT-TNNKSKTTV gửi Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam xin ý kiến về thủ tục cấp phép khai thác đất san lấp tận thu trong thi công công trình, đến nay sở chưa nhận được văn bản trả lời. Tuy nhiên, tại hội nghị tổng kết thực hiện Nghị định số 33/2017/ NĐ-CP ngày 3-4-2017, quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài nguyên nước và khoáng sản, tổ chức tại TP.Hồ Chí Minh ngày 10-8-2019, có nhiều tỉnh cũng đưa ra những vướng mắc trong công tác quản lý, cấp phép đối với loại vật liệu san lấp. Qua thảo luận, lãnh đạo Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam kết luận “Vật liệu san lấp theo quy định của Luật Khoáng sản là một loại khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường và được quản lý, cấp phép theo quy định như những loại khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường khác, yêu cầu các tỉnh thực hiện theo đúng quy định”.

Ông Lê Văn Tân cho biết thêm, từ các cơ sở trên, để thực hiện đúng quy định về Luật Ban hành văn bản và Luật Khoáng sản, Sở TN&MT trình UBND tỉnh xem xét ban hành quyết định bãi bỏ Quyết định số 6 quy định về quản lý, cấp phép khai thác đất san lấp khi cải tạo mặt bằng để phục vụ thi công các công trình trên địa bàn tỉnh Bình Dương”.

Việc xây dựng quyết định bãi bỏ Quyết định số 6 nhằm bảo đảm đúng việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật theo Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật và đúng theo quy định của Luật Khoáng sản và các văn bản dưới luật. Với quan điểm, xây dựng quyết định bãi bỏ Quyết định số 6 phải phù hợp Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 và Văn bản số 342/ UBND-NC ngày 22-1-2020 của UBND tỉnh Bình Dương về chấp thuận cho Sở TN&MT chủ trì, xây dựng tham mưu UBND tỉnh ban hành quyết định bãi bỏ Quyết định số 6.

Công tác quản lý chuyển biến rõ rệt

Trong những năm qua, công tác quản lý tài nguyên trên địa bàn tỉnh chuyển biến rõ rệt, hiệu quả và bền vững. Bình Dương đã tích cực, tập trung đẩy mạnh công tác lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp tỉnh, cấp huyện, làm cơ sở cho công tác quản lý, sử dụng đất đai theo quy hoạch, kế hoạch. Tỉnh đã xây dựng và được phê duyệt quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và kế hoạch sử dụng đất giai đoạn 2011-2015; thực hiện điều chỉnh và được phê duyệt điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất trên địa bàn tỉnh đến năm 2020 và lập kế hoạch sử dụng đất kỳ cuối giai đoạn 2016-2020.

Căn cứ quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất được phê duyệt, tỉnh đã xây dựng kế hoạch tạo quỹ đất sạch giai đoạn 2013-2015 phục vụ cho nhu cầu phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh; xây dựng kế hoạch sử dụng đất và danh mục các dự án, công trình phải thu hồi đất hàng năm. Thực hiện công khai, minh bạch, dân chủ trong xác định giá đất, danh mục các công trình, dự án thuộc diện thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất. Thực hiện nhiều giải pháp quyết liệt và có hiệu quả trong đền bù giải phóng mặt bằng, hỗ trợ và tái định cư, bảo đảm tiến độ thi công các công trình, dự án trọng điểm trên địa bàn tỉnh. Đẩy nhanh tiến độ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, đến nay tỷ lệ đạt 99,8%. Thường xuyên thực hiện chỉnh lý biến động hồ sơ địa chính từ cấp tỉnh đến cấp huyện, cấp xã; hoàn chỉnh hệ thống hồ sơ địa chính, cơ sở dữ liệu quản lý đất đai tỉnh giai đoạn 2010-2015, 2015-2020.

Bên cạnh việc thực hiện quản lý đất đai theo quy hoạch và kế hoạch, công tác quản lý, khai thác nguồn thu từ đất, phát triển kinh tế đất, định giá, lập tài khoản và thực hiện hạch toán tài nguyên đất trong nền kinh tế tiếp tục được tăng cường, góp quần quan trọng cho việc tăng nguồn thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn tỉnh. Ông Lê Văn Tân cho biết: “Qua thực tế triển khai, về cơ bản các chính sách tài chính đất đai đã phù hợp với cơ chế thị trường, tạo nguồn lực tài chính quan trọng phục vụ phát triển kinh tế- xã hội, đã thống nhất chính sách tài chính đất đai với chính sách đầu tư trong và ngoài nước; giải quyết hài hòa lợi ích giữa Nhà nước với đối tượng sử dụng đất, ổn định chi phí về đất đối với các doanh nghiệp. Cơ chế đấu giá quyền sử dụng đất được ban hành đã hạn chế tình trạng tiêu cực trong giao đất, bảo đảm công khai, minh bạch. Các chính sách miễn, giảm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đã thể hiện được chủ trương ưu đãi, khuyến khích của Nhà nước đối với đối tượng sử dụng đất cần ưu đãi hoặc khuyến khích đầu tư”.

Thời gian qua, tỉnh đã triển khai thực hiện nhiều giải pháp nhằm tăng cường công tác quản lý tài nguyên khoáng sản. Cụ thể, Bình Dương đã đẩy mạnh điều tra, đánh giá tiềm năng, trữ lượng giá trị kinh tế, thiết lập tài khoản quốc gia về các loại khoáng sản chiến lược quan trọng trên địa bàn tỉnh. Tỉnh đã thực hiện điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản, đánh giá hiện trạng và xây dựng quy hoạch thăm dò, khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường đến năm 2015, tầm nhìn đến năm 2020; xây dựng và phê duyệt quy hoạch thăm dò, khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường giai đoạn 2016-2020, tầm nhìn đến năm 2030... Bên cạnh đó, tỉnh kiểm soát chặt chẽ từ cấp phép, khai thác, đóng cửa mỏ và cải tạo, phục hồi môi trường sau khai thác đối với các hoạt động khoáng sản trên địa bàn tỉnh. Ông Lê Văn Tân cho biết thêm: “Nhờ thực hiện đồng bộ các giải pháp từ cấp phép, kiểm tra, thanh tra và xử lý vi phạm đã đưa hoạt động khoáng sản trên địa bàn tỉnh đi vào nề nếp, tài nguyên khoáng sản được sử dụng hợp lý, hiệu quả”.

Qua thực tế triển khai, về cơ bản các chính sách tài chính đất đai đã phù hợp với cơ chế thị trường, tạo nguồn lực tài chính quan trọng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, thống nhất chính sách tài chính đất đai với chính sách đầu tư trong và ngoài nước; giải quyết hài hòa lợi ích giữa Nhà nước với đối tượng sử dụng đất, ổn định chi phí về đất đối với các doanh nghiệp. Cơ chế đấu giá quyền sử dụng đất được ban hành đã hạn chế tình trạng tiêu cực trong giao đất, bảo đảm công khai, minh bạch.

 PHƯƠNG LÊ

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=955
Quay lên trên