Tỷ giá ngân hàng tăng liên tiếp 9 lần trong 20 ngày qua đang được lý giải một phần là do các ngân hàng tích cực gom đôla để ký quỹ sau khi phải bán hơn 10 tấn vàng bình ổn.
Lâu nay vấn nạn hai tỷ giá trong ngân hàng chỉ được biết đến qua lời than thở của các doanh nghiệp, khi họ phải mua đôla cao hơn giá niêm yết trên bảng của ngân hàng. Nhưng gần đây, nói tới câu chuyện này nhiều nhất lại chính là các ngân hàng tham gia bình ổn thị trường vàng.
Giá USD ngân hàng đắt hơn thị trường tự do.
Tuần trước, Phó Phòng Kinh doanh Công ty SJC Nguyễn Công Tường phân trần, giá vàng bình ổn của SJC và 5 ngân hàng không thể tính theo tỷ giá đôla niêm yết trong ngân hàng, bởi thực tế nhập khẩu vàng đều phải mua USD theo giá tự do.
Lãnh đạo một số ngân hàng thuộc nhóm bình ổn vàng (G5+1) không trực tiếp thừa nhận họ đang áp dụng tỷ giá chợ đen cho giá vàng của mình, nhưng lý giải không thể bán vàng rẻ hơn mặt bằng chung vì lo không đủ hàng đáp ứng nhu cầu của dân.
Trong lúc các thành viên G5+1 phân trần tại sao giá vàng bình ổn vẫn cao, tỷ giá trong ngân hàng liên tục nhảy nhót và nạn 2 tỷ giá lại tái diễn. 6-10 là ngày đầu tiên bán vàng bình ổn thì từ 5-10 đến nay, tỷ giá bình quân liên ngân hàng tăng tổng cộng 105 đồng sau 9 lần, lên mức cao nhất 6 tháng qua. Một nguồn tin từ Ngân hàng Nhà nước giải thích phải tăng vì giao dịch tại các ngân hàng thương mại đã kịch trần từ lâu.
Tuy nhiên, 9 lần tăng liên tiếp đó vẫn không đủ giải tỏa bức bách cho các ngân hàng thương mại. Theo quy định hiện hành, mức trần mua bán đôla tại các ngân hàng không được cao quá 1% so với tỷ giá liên ngân hàng. Điều đó có nghĩa, với tỷ giá bình quân liên ngân hàng 20.733 đồng mới điều chỉnh ngày 19-10, các ngân hàng không được phép mua bán quá 20.940 đồng. Nhưng thực tế từ nhiều ngày nay các doanh nghiệp đã phải mua cao hơn thế rất nhiều. Đến chiều 19-10 có nơi phải mua với giá 21.700 đồng một đôla, đắt hơn chợ đen 50-100 đồng.
Nhân viên giao dịch tại một chi nhánh ngân hàng trên đường Cống Quỳnh, quận 1 (TP.HCM) cho rằng, hiện nay, các ngân hàng phải cạnh tranh với thị trường tự do trong huy động nguồn USD nên giá mua vào khá cao, vì vậy bán ra không thể thấp.
"Hôm nay, chi nhánh tôi phải đẩy giá thu gom cao vượt trần quy định để có đủ nguồn phục vụ nên giá bán ra phải cao. Tình hình tỷ giá bắt đầu căng thẳng dữ dội cả tuần nay rồi", cô này cho biết.
Vấn đề mấu chốt của việc tỷ giá căng thẳng trong ngân hàng thời gian qua, theo quan điểm của một chuyên gia là thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tiền tệ Quốc gia, chủ yếu xuất phát từ vàng, bên cạnh các lý do như nhu cầu thanh toán hàng nhập khẩu tăng cao dịp cuối năm, các hợp đồng vay đôla hồi đầu năm đang đến hạn trả nợ.
Khối lượng tiền đồng thu được từ bán vàng rất lớn, trong khi chưa kịp mua lại vàng để cân đối, tất yếu các ngân hàng phải tính chuyện chuyển hóa ra đôla. Theo vị chuyên gia này, một phần đôla mua được, ngân hàng phải dùng để ký quỹ trên tài khoản giao dịch vàng nước ngoài, và một phần để dự trữ nhằm bảo toàn tài sản. Thêm vào đó, họ cũng phải tính đến phương án nếu cầu vẫn lớn mà chưa thể mua lại vàng trong nước, thì bắt buộc phải nhập khẩu. Do vậy, ngay từ bây giờ, các nhà băng phải tranh thủ gom USD để sẵn sàng cho việc nhập khẩu.
Sau một tuần bình ổn thị trường, SJC và các ngân hàng đã bán hơn 10 tấn vàng, tương đương khoảng 600 triệu USD. Trong thời gian này, Ngân hàng Nhà nước cho biết đã bán ròng 150 triệu đôla ra thị trường.
"Chính những nguyên nhân trên khiến đồng bạc xanh trong nhà băng ngày càng căng thẳng, còn ngoài thị trường tự do trở nên yếu thế hơn. Bằng chứng là giá USD chợ đen hiện nay đã phải đuổi theo giá ngân hàng", vị chuyên gia nói.
Thực tế hiện nay, chính sự nóng lên của USD ngân hàng là tác nhân kéo giá đôla chợ đen chạy theo. Sau nhiều ngày liền, mỗi USD tự do tại TP.HCM dao động quanh 21.350-21.450 đồng, chiều nay, giá bán đã nhảy vọt, leo lên mức 21.550 đồng. Chiều thu gom cũng lên 21.450 đồng, nhưng vẫn thấp hơn giá trong ngân hàng trên dưới 50 USD.
Chủ một điểm thu đổi trên đường Nguyễn Huệ, quận 1 cho biết, sáng đến giờ đã điều chỉnh giá USD hơn 4 lần nhưng vẫn chưa tương xứng với giá thực trong ngân hàng. "Giá trong nhà băng mấy ngày nay tăng quá nhanh và với cường độ mạnh nên chúng tôi theo không kịp. Do đó, hiện mức bán USD của cửa hiệu vẫn thấp hơn trong ngân hàng vài chục đồng", anh này nói.
Còn chủ một hiệu vàng trên đường Lê Lợi, quận 1 thốt lên: "thay vì trước kia, giá đôla trong ngân hàng thường điều chỉnh theo thị trường tự do thì nay chúng tôi liên tục chạy theo ngân hàng một cách đuối sức", ông chủ nói.
Trao đổi với PV chiều 19-10, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM Hồ Hữu Hạnh cho biết, cơ quan này chưa phát hiện ra trường hợp nhà băng nào bán USD vượt trần. Tuy nhiên, trong thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước sẽ tăng cường thanh kiểm tra các ngân hàng thương mại.
"Nếu phát hiện nhà băng nào vi phạm sẽ xử phạt nghiêm minh. Đồng thời, để lập lại sự ổn định của thị trường ngoại hối, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM sẽ phối hợp với các cơ quan quản lý khác tăng cường kiểm tra các hoạt động tại thị trường tự do", ông Hạnh nói.
Giám đốc một công ty sản xuất nhựa tại khu công nghiệp Tân Tạo, TP.HCM cho biết, muốn mua USD tại nhà băng hiện nay đều phải chấp nhận trả khoản phí lên đến 600-700 đồng mỗi USD. Chiều 19-10, giá bán đôla thực tế tại một số nhà băng lên tới gần 21.700 đồng một USD.
"Hôm 18-10, công ty tôi phải mua USD của một ngân hàng với giá 21.500 đồng trong khi mức trần quy định chỉ là 20.930 đồng. Đến chiều nay, khi tỷ giá liên ngân hàng tăng thêm 10 đồng thì mỗi USD đã lên 21.700 đồng. Thật chóng mặt", vị giám đốc nói.
Tổng giám đốc một công ty xuất nhập khẩu ngành nhựa tại quận Tân Phú than thở, vì đến hạn cần thanh toán tiền cho đối tác đã ký hợp đồng trước đó trị giá 1 triệu USD, nếu trễ hạn sẽ bồi thường thiệt hại. "Năn nỉ mãi, cuối cùng chúng tôi vẫn phải cắn răng mua USD tại một nhà băng với giá 21.650 đồng. So với giá niêm yết, thua lỗ trước mắt lên đến hơn 600 triệu đồng", ông chua chát nói.
Theo VNE