Bảo đảm cung cấp, khai thác và sử dụng hiệu quả tài liệu tài nguyên và môi trường

Cập nhật: 23-07-2020 | 08:50:12

 Thời gian qua, công tác lưu trữ đã được Trung tâm Công nghệ thông tin - lưu trữ tài nguyên và môi trường (Trung tâm) xử lý nhanh chóng, đúng quy trình, thủ tục, bảo đảm cung cấp, khai thác và sử dụng hiệu quả tài liệu tài nguyên và môi trường. Công tác ứng dụng công nghệ thông tin tại các phòng, đơn vị thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường được quan tâm, bảo đảm an toàn hệ thống thông tin.

 Cán bộ chuyên ngành kiểm tra kho tài liệu

 Sử dụng hiệu quả

Trong 6 tháng đầu năm 2020, Trung tâm đã thu nhận từ văn phòng đăng ký đất đai 489 hồ sơ, lập biên bản bàn giao và tiến hành sắp xếp, lưu kho theo quy định. Trong công tác khai thác và sử dụng tài liệu, đến nay Trung tâm đã tiếp nhận 218 lượt yêu cầu cung cấp thông tin, với 287/316 hồ sơ, chiếm 90,8% trên tổng số hồ sơ đề nghị cung cấp. Số hồ sơ không cung cấp là 29, chiếm 9,2% do hồ sơ không lưu tại Trung tâm và đã trả lời văn bản theo đúng quy định. Bên cạnh đó, Trung tâm đã thực hiện sắp xếp, viết phiếu tin 1.450 hồ sơ, biên mục được 2.090 hồ sơ đăng ký biến động đất đai; bảo quản tài liệu an toàn, không để xảy ra trường hợp hư hỏng, mất mát tài liệu, thường xuyên kiểm tra vệ sinh kho, chống ẩm mốc, côn trùng cắn phá tài liệu, bảo đảm an toàn phòng cháy và che chắn tài liệu phòng khi mưa bão xảy ra; sắp xếp phân loại hồ sơ, tài liệu theo từng lĩnh vực một cách khoa học, hợp lý...

Bà Nguyễn Thị Kim Dung, Giám đốc Trung tâm, cho biết: “Trung tâm đã tập trung triển khai kế hoạch công tác ngay từ đầu năm, đặc biệt là việc triển khai các nhiệm vụ, dự án theo kế hoạch năm 2020. Công tác ứng dụng công nghệ thông tin tại các phòng, đơn vị thuộc sở được quan tâm thực hiện, tập trung bảo đảm an toàn hệ thống thông tin, không để xảy ra tình trạng lộ lọt thông tin; đồng thời tham mưu giải pháp để nâng cao mức bảo mật an toàn thông tin. Trung tâm đã tập trung hướng dẫn phòng Tài nguyên - Môi trường các huyện, thị, thành phố trong việc xây dựng kế hoạch thu thập và xây dựng đề cương về hoạt động lưu trữ năm 2020”.

Tài liệu chuyên ngành tài nguyên và môi trường (TN&MT) có vai trò quan trọng, là chứng cứ pháp lý chủ quyền về lãnh thổ, quyền sở hữu, thể hiện quyền lực của Nhà nước trong lĩnh vực TN&MT; là nguồn tài liệu khẳng định quyền sử dụng đất hợp pháp, giúp tăng cường công tác quản lý Nhà nước về đất đai, tạo điều kiện để Nhà nước nắm chắc quỹ đất, phục vụ tốt hơn công tác quy hoạch, lập kế hoạch sử dụng đất, khắc phục tình trạng lấn chiếm đất đai, sử dụng sai mục đích, tạo điều kiện cho cơ quan có thẩm quyền trong công tác giải quyết tranh chấp đất đai, môi trường và các vấn đề khác thuộc lĩnh vực TN&MT.

Tăng cường công tác bảo mật

Nhằm quản lý tập trung, thống nhất, hiệu quả, tài liệu chuyên ngành TN&MT, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 905/KH-UBND ngày 4-3-2020 về thu thập dữ liệu (tài liệu) TN&MT trên địa bàn tỉnh Bình Dương năm 2020 với danh mục cụ thể như thông tin, dữ liệu về đất đai; thông tin, dữ liệu về tài nguyên nước; địa chất và khoáng sản; môi trường; khí tượng thủy văn; khí tượng thủy văn; biến đổi khí hậu; viễn thám; kết quả thanh tra, giải quyết tranh chấp, khiếu nại, tố cáo, giải quyết bồi thường thiệt hại về TN&MT đã được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền giải quyết…

Bà Nguyễn Thị Kim Dung, cho biết: ‘‘Trong 6 tháng cuối năm 2020, Trung tâm tiếp tục tăng cường công tác bảo mật hệ thống công nghệ thông tin tại các phòng, đơn vị thuộc sở; duy trì và bảo đảm hệ thống công nghệ thông tin hoạt động và vận hành ổn định, liên tục. Bên cạnh đó, Trung tâm tiếp tục đôn đốc các phòng, đơn vị trả lời các câu hỏi trên trang thông tin điện tử của Sở TN&MT; hỗ trợ ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin cho các phòng, đơn vị thuộc sở theo chức năng nhiệm vụ được giao; hỗ trợ các phòng, đơn vị trong ứng dụng các phần mềm vào công tác chuyên môn; hỗ trợ ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin cho các phòng, đơn vị thuộc sở theo chức năng nhiệm vụ được giao”.

Cùng với việc hoàn thành cổng dữ liệu và cổng dữ liệu mở ngành tài nguyên và môi trường (TN&MT), trong năm 2022 Bộ TN&MT sẽ xây dựng và công bố, công khai dịch vụ chia sẻ dữ liệu số. Theo đó, Bộ TM&MT vừa có Kế hoạch thực hiện Nghị định 47 ngày 9-4-2020 của Chính phủ về quản lý, kết nối và chia sẻ dữ liệu số của cơ quan Nhà nước.

Kế hoạch nhằm bảo đảm triển khai kịp thời, thống nhất, khoa học và hiệu quả các nội dung đã được xác định trong Nghị định 47; xác định cụ thể nội dung công việc, thời hạn, sản phẩm dự kiến hoàn thành và trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ TN&MT trong việc thực hiện Nghị định 47. Đồng thời, tuyên truyền nội dung thực hiện Nghị định 47 của ngành TN&MT tới các đơn vị trong ngành, các cơ quan Nhà nước và tổ chức, cá nhân; thể hiện sự đóng góp hiệu quả của ngành TN&MT vào quá trình chuyển đổi số, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Tại Kế hoạch mới ban hành, Bộ TN&MT nêu rõ 5 nhóm nhiệm vụ được tập trung triển khai từ nay đến năm 2025, bao gồm: Xây dựng, ban hành các văn bản quy phạm pháp luật, các quy chuẩn, quy định kỹ thuật, văn bản quản lý cá biệt liên quan tạo đủ căn cứ, cơ sở pháp lý triển khai thực hiện Nghị định trong ngành TN&MT; xây dựng, hoàn thiện các cơ sở dữ liệu quốc gia về TN&MT bảo đảm sẵn sàng kết nối, chia sẻ dữ liệu, các cơ sở dữ liệu chuyên ngành, trong đó phải bảo đảm sẵn sàng kết nối, liên thông, tích hợp, chia sẻ sử dụng dữ liệu số với các cơ quan Nhà nước Trung ương, địa phương và các tổ chức, cá nhân theo quy định. Cụ thể, ngay trong tháng 7 tới, Bộ sẽ thiết lập hệ thống cán bộ đầu mối phụ trách kết nối, chia sẻ dữ liệu ngành TN&MT.

UBND tỉnh vừa ban hành Quyết định về việc bãi bỏ toàn bộ Quyết định số 34/2018/QĐ-UBND ngày 20-12-2018 của UBND tỉnh về việc ban hành đơn giá dịch vụ đăng ký đất đai, tài sản gắn liền với đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất (dạng riêng lẻ) trên địa bàn tỉnh Bình Dương. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày 20-7-2020.

Các hình thức giao nộp tài liệu được thực hiện bằng 3 cách: Gửi trực tiếp qua mạng thông tin điện tử (đối với dữ liệu số); gửi dữ liệu bằng văn bản (qua đường văn bản hành chính, qua đường bưu điện); giao nộp dữ liệu trực tiếp. Thời gian giao nộp được quy định: Đối với các phòng, đơn vị thuộc sở thực hiện quý I, II, III, IV năm 2020; đối với các sở, ngành, tổ chức, doanh nghiệp Nhà nước thực hiện tháng 10-2020; đối với Phòng Tài nguyên và Môi trường các huyện, thị xã, thành phố thực hiện trước ngày 15-11-2020. Trong trường hợp tổ chức, cá nhân có nhu cầu giữ lại hồ sơ, tài liệu, thông tin, dữ liệu đã đến hạn giao nộp thì phải được người đứng đầu cơ quan đồng ý và phải lập danh mục hồ sơ, tài liệu giữ lại gửi cho Sở Tài nguyên và Môi trường thông qua Trung tâm. Thời gian giữ lại hồ sơ, tài liệu không quá 2 năm kể từ ngày đến hạn giao nộp.

 PHƯƠNG AN

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=646
Quay lên trên