“Kiểm tra, rà soát, điều chỉnh hệ thống kế hoạch bảo đảm hậu cần cho các nhiệm vụ thường xuyên và đột xuất; thực hiện tốt việc tổ chức tăng gia sản xuất từ cấp tỉnh đến cấp xã bảo đảm nguồn thu ổn định, góp phần nâng cao đời sống cho lực lượng vũ trang (LLVT) tỉnh” là những nhiệm vụ quan trọng của công tác HC trong năm 2024 đã được Đảng ủy, Bộ Chỉ huy Quân sự (CHQS) tỉnh xác định.
Mô hình tăng gia sản xuất của Ban Chỉ huy Quân sự xã Long Nguyên, huyện Bàu Bàng
Tăng gia sản xuất
Nhìn lại năm 2023, công tác hậu cần của LLVT tỉnh có nhiều nhiệm vụ lớn. Bình Dương phục vụ cho Bộ Quốc phòng tổ chức tổng kết và tham quan xây dựng mô hình điểm về công tác quân sự - quốc phòng địa phương, dân quân tự vệ trên địa bàn Quân khu 7, với đại diện của 63 tỉnh, thành tham quan; bảo đảm cho diễn tập khu vực phòng thủ cấp tỉnh; tham gia ký kết hợp tác kết hợp với khám bệnh, cấp phát thuốc cho nhân dân 2 tỉnh Kandal và Kratie của Campuchia… Tuy nhiên, các cơ quan, đơn vị đã bám sát nhiệm vụ của LLVT tỉnh, các chỉ thị, hướng dẫn của cấp trên, phát huy tích cực tinh thần trách nhiệm, chủ động, sáng tạo, khắc phục mọi khó khăn, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Theo đó, nhiệm vụ nâng cao đời sống cho bộ đội được Đảng ủy, CHQS tỉnh chú trọng thực hiện. Các cơ quan, đơn vị tích cực triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả hoạt động tăng gia sản xuất (TGSX) phù hợp với đặc điểm, nhiệm vụ và thế mạnh của từng đơn vị. Đến nay, tất cả các đơn vị đã quy hoạch và xây dựng hoàn chỉnh mô hình TGSX theo hướng cơ bản, bền vững. Năm 2023, tổng nguồn thu đạt trên 14 tỷ đồng. Bình quân đầu người đạt trên 15,7 triệu đồng (tăng 6% so với cùng kỳ năm trước và đạt 262,73% so với chỉ tiêu Quân khu 7 giao).
Trung tá Lê Sỹ Quân, Chính trị viên Ban CHQS huyện Bàu Bàng, cho biết hiện nay, toàn huyện có 7/7 Ban CHQS xã, thị trấn có trụ sở làm việc riêng; 7/7 trụ sở được xây dựng trước năm 2012, trong quá trình sử dụng đã được tiến hành sửa chữa, nâng cấp qua các năm với tổng kinh phí đến nay gần 22,5 tỷ đồng. Công tác TGSX - dịch vụ được lãnh đạo các cấp quan tâm chỉ đạo, tổ chức thực hiện và được xác định là một trong những nội dung tập trung đột phá của LLVT huyện. Kết quả TGSX hàng năm, các đơn vị đều đạt và vượt chỉ tiêu được giao. Tổng thu từ nguồn TGSX các xã, thị trấn năm 2023 toàn huyện đạt gần 793,4 triệu đồng, đưa vào ăn thêm cho lực lượng dân quân thường trực xã, thị trấn từ 7.000 - 10.000 đồng/ người/ngày.
Đánh giá về công tác HC, Đại tá Đinh Trọng Cơ, Phó Chỉ huy trưởng Bộ CHQS tỉnh, cho biết có thể khẳng định, năm 2023 công tác hậu cần trong LLVT tỉnh đã có sự chuyển biến rõ nét cả về chất lượng và hiệu quả. Các cơ quan, đơn vị đã bám sát nhiệm vụ, các chỉ thị, hướng dẫn của cấp trên, phát huy tích cực tinh thần trách nhiệm, chủ động, sáng tạo, khắc phục mọi khó khăn, nỗ lực cố gắng, quan tâm tổ chức thực hiện chặt chẽ nhiệm vụ.
Nâng cao đời sống cho bộ đội
Xác định công tác hậu cần là một mặt quan trọng của công tác quân sự - quốc phòng, góp phần tạo nên sức mạnh chiến đấu và kết quả hoàn thành nhiệm vụ của LLVT tỉnh, vì vậy thời gian tới, Bộ CHQS tỉnh tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo đổi mới công tác HC thường xuyên, giữ vững ổn định đời sống bộ đội.
Đại tá Đinh Trọng Cơ cho biết năm 2024, trong công tác hậu cần, Bộ CHQS tỉnh sẽ tập trung kiểm tra, rà soát, điều chỉnh hệ thống kế hoạch bảo đảm cho các nhiệm vụ thường xuyên và đột xuất. Bộ CHQS tỉnh tiếp tục quán triệt và thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 158/ CT-BTL ngày 5-2-2010 của Tư lệnh Quân khu 7 về công tác bảo đảm hậu cần trong LLVT tỉnh; tổ chức quản lý chăm sóc và khai thác các nguồn thu TGSX - dịch vụ, bảo đảm nguồn thu ổn định, góp phần nâng cao đời sống cho LLVT tỉnh; đặc biệt là thực hiện tốt công tác quản lý, chăm sóc, bảo vệ sức khỏe cho lực lượng thường trực, dự bị động viên, bảo đảm quân số khỏe 99% trở lên...
THU THẢO - TIẾN DƯƠNG