Thời gian gần đây, trên địa bàn TX.Tân Uyên liên tiếp xảy ra các vụ đuối nước thương tâm liên quan đến trẻ nhỏ. Thực trạng trên gióng lên hồi chuông cảnh báo về việc tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức phòng ngừa cho người dân. Mặc khác, cơ quan chức năng và chính quyền địa phương cần tăng cường việc rà soát, cảnh báo những nơi nguy hiểm, các địa bàn thường xuyên xảy ra ngập úng có nguy cơ mất an toàn trong mùa mưa bão.
Lực lượng công an đang khám nghiệm hiện trường vụ đuối nước xảy ra vào ngày 1-9 tại đường Khánh Bình 13, thuộc khu phố Long Bình, phường Khánh Bình, TX.Tân Uyên
Theo tìm hiểu, từ đầu năm đến nay, trên địa bàn TX.Tân Uyên xảy ra 8 vụ đuối nước, làm 8 người chết; tăng 3 vụ so với cùng kỳ năm 2019, phần lớn nạn nhân là trẻ nhỏ. Địa bàn thường xuyên xảy ra tình trạng trên, gồm các phường: Thái Hòa, Tân Hiệp, Khánh Bình… Nguyên nhân chủ yếu trong thời gian giãn cách xã hội các em nhỏ đi tắm sông, tắm hồ nước nhưng thiếu sự quản lý của gia đình dẫn đến đuối nước; có trường hợp đi tắm mưa bị nước cuốn trôi…
Mới đây, khoảng 13 giờ ngày 3-9, em H.H.P. (10 tuổi, quê Thừa Thiên - Huế), ngụ khu phố Tân Ba, phường Thái Hòa, TX.Tân Uyên cùng 2 bé trai ra sông Đồng Nai, đoạn chảy ra khu phố Ba Đình, phường Thái Hòa để tắm. Trong lúc tắm, em P. bị nước cuốn ra xa, sau đó bị chìm dần mất tích. Đến chiều 4-9, thi thể của em P. đã được tìm thấy gần vị trí xảy ra đuối nước.
Trước đó, lúc 13 giờ ngày 1-9, nhóm trẻ gồm 6 người (trong đó có bé N.P.T., 11 tuổi, quê Cà Mau) rủ nhau tắm mưa tại đường Khánh Bình 13, khu phố Long Bình, phường Khánh Bình, TX.Tân Uyên. Lúc này, nhóm trẻ đi qua cầu sắt bắc qua mương thoát nước để vào đường D1, Khu công nghiệp Nam Tân Uyên để tiếp tục tắm mưa. Một lát sau, có 5 bé đi ra hướng đường ĐT746, rời khỏi khu công nghiệp để về nhà, tuy nhiên bé T. không đi theo mà ở lại tắm mưa. Đến khoảng 15 giờ 30 phút cùng ngày, người dân phát hiện bé T. nằm dưới mương thoát nước, khi đưa nạn nhân lên bờ thì phát hiện đã tử vong trước đó.
Sau khi điều tra, cơ quan chức năng đã xác định nguyên nhân ban đầu của 2 vụ đuối trên là do ngạt nước.
Để phòng ngừa xảy ra các vụ việc tương tự, ông Đoàn Hồng Tươi, Chủ tịch UBND TX.Tân Uyên, cho biết: “Các vụ đuối nước thường xảy ra ở sông, hồ, hầm khai thác khoáng sản trên địa bàn thị xã. Nguyên nhân thường do ý thức chủ quan của người dân, chưa nhận thức được nguy hiểm của tai nạn đuối nước (TNĐN) đã dẫn đến những cái chết thương tâm, đặc biệt là trẻ nhỏ. Sau những sự việc đáng tiếc, UBND thị xã và chính quyền địa phương đã gửi lời thăm hỏi, hỗ trợ tiền đến các gia đình có người thân đuối nước tại địa phương.
Song song đó, UBND TX.Tân Uyên đã chỉ đạo ngành chức năng, chính quyền 12 xã, phường rà soát hệ thống cống thoát nước, khu vực tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn xảy ra mưa lũ để khắc phục, sửa chữa và đặt cảnh báo rào chắn; đối với những nhánh rạch, sông lớn có vị trí nước sâu yêu cầu thực hiện nghiêm rào chắn, tăng cường lực lượng ở cơ sở trong công tác tuần tra, nhắc nhở người dân không tắm, bơi lội. Riêng đối với các khu vực khai thác khoáng sản (hầm đất), yêu cầu đơn vị cử người trông coi, giăng dây, đặt cảnh báo rào chắn ở các khu vực đang khai thác; đồng thời đề nghị đơn vị khai thác nhanh chóng san lấp các hầm, hố sâu đã khai thác xong để trả lại hiện trạng bằng phẳng cho khu đất. Việc thực hiện phải diễn ra nghiêm túc, nếu không làm mà để xảy ra sự việc gây hậu quả nghiêm trọng, UBND TX.Tân Uyên sẽ xác minh, xử lý nghiêm trách nhiệm của những người liên quan”.
HƯNG PHƯỚC