Bảo tàng tỉnh: Nỗ lực bảo tồn giá trị các di sản văn hóa

Cập nhật: 06-11-2021 | 10:27:19

Những tháng qua, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 và do đang trong quá trình đầu tư cải tạo, nâng cấp, sửa chữa nên một số hoạt động trong năm 2021 của Bảo tàng tỉnh cũng bị ảnh hưởng ít nhiều. Dù còn nhiều khó khăn, song công tác bảo tồn di tích và văn hóa phi vật thể trong năm nay vẫn được Bảo tàng tỉnh thực hiện với nhiều hoạt động ý nghĩa, góp phần bảo tồn, giữ gìn những giá trị di sản văn hóa của dân tộc nói chung và tỉnh Bình Dương nói riêng.


Khách tham quan, tìm hiểu thông tin tại một triển lãm chuyên đề do Bảo tàng tỉnh thực hiện

Nhiều hoạt động bảo tồn văn hóa

Dịch bệnh Covid-19 bùng phát đã làm ảnh hưởng đến mọi mặt kinh tế - xã hội của tỉnh. Các hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch (VHTT&DL) cũng chịu nhiều tác động do tạm hoãn, dừng tổ chức. Với sự quan tâm, tạo điều kiện về mọi mặt của Sở VHTT&DL và sự nỗ lực của cả tập thể, trong năm 2021, Bảo tàng tỉnh đã triển khai tổ chức thực hiện nhiều hoạt động nhằm bảo tồn, gìn giữ và phát huy giá trị di sản văn hóa trên địa bàn tỉnh.

Với chức năng và nhiệm vụ của mình, Bảo tàng tỉnh đã tham mưu Sở VHTT&DL báo cáo tổng kết 20 năm thực hiện Luật Di sản văn hóa. Bảo tàng tỉnh cũng đã phối hợp với Phòng Quản lý Văn hóa và Gia đình tham mưu Sở VHTT&DL trình UBND tỉnh phê duyệt Đề án “Bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật đờn ca tài tử tỉnh Bình Dương đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”. Bên cạnh đó, Bảo tàng tỉnh cũng đã đề xuất nhiệm vụ và kinh phí triển khai thực hiện Dự án “Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch” thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025.

Đơn vị cũng tham mưu Sở VHTT&DL thực hiện điều tra lễ hội truyền thống và văn hóa cấp tỉnh theo chỉ đạo của Cục Văn hóa cơ sở; xây dựng dự thảo kế hoạch tổ chức thực hiện lập hồ sơ khoa học “Cây di sản Việt Nam, cây cổ thụ có giá trị lịch sử - văn hóa” trên địa bàn tỉnh theo chỉ đạo của UBND tỉnh về việc triển khai thực hiện kết quả Đề án “Xây dựng bản đồ thảm thực vật tỉnh Bình Dương”; phối hợp với Phòng Quản lý Văn hóa và Gia đình, đơn vị tư vấn tham mưu xây dựng Đề án “Bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di tích lịch sử - văn hóa và danh lam thắng cảnh trên địa bàn tỉnh Bình Dương đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030”.

Cùng với các hoạt động tham mưu trên, trong quá trình hoạt động, Bảo tàng tỉnh hết sức quan tâm đến công tác lập hồ sơ khoa học các di tích, giá trị văn hóa để đề nghị các cấp, ngành xem xét công nhận. Tiếp nối những di sản đã được công nhận, trong năm nay, Bảo tàng tỉnh đã lập hồ sơ khoa học đề nghị đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia đối với “Lễ hội Kỳ yên đình Tân An”, “Lễ hội Kỳ yên đình Dĩ An”; đề nghị xếp hạng di tích cấp tỉnh đối với Di tích nhà thời Pháp (phường Hiệp Thành, TP.Thủ Dầu Một) và đình Bình Nhâm (phường Lái Thiêu, TP.Thuận An).

Chuẩn bị công bố các di sản văn hóa

Những tháng cuối năm 2020, đầu năm 2021, Bảo tàng tỉnh liên tiếp đón nhận những tin vui trên lĩnh vực bảo tồn di sản văn hóa. Theo đó, ngày 31-12- 2020, Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định về việc công nhận bảo vật quốc gia (đợt 9), trong đó có “Bộ dụng cụ dệt gỗ Phú Chánh” của tỉnh Bình Dương. Tiếp theo đó, ngày 3-2-2021, Bộ VHTT&DL đã có quyết định công nhận “Nghề thủ công truyền thống nghề gốm Bình Dương” ở TP.Thủ Dầu Một, TP.Thuận An, TX.Tân Uyên và “Tri thức dân gian, nghệ thuật trình diễn dân gian võ lâm Tân Khánh Bà Trà” phường Tân Phước Khánh (TX.Tân Uyên); phường Bình Chuẩn, phường Bình Nhâm, phường Bình Hòa, phường Hưng Định (TP.Thuận An); phường Hiệp Thành (TP. Thủ Dầu Một) là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia.

Sau một thời gian tạm hoãn việc tổ chức lễ công bố do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, được sự đồng ý của UBND tỉnh, mới đây, Sở VHTT&DL đã có kế hoạch tổ chức lễ công bố Bảo vật quốc gia “Bộ dụng cụ dệt gỗ Phú Chánh” và 2 di sản văn hóa phi vật thể trên vào dịp kỷ niệm Ngày Di sản Việt Nam 23-11 tới đây. Ông Lê Văn Phước, Giám đốc Bảo tàng tỉnh cho biết, đến nay công tác chuẩn bị cho lễ công bố cơ bản đã hoàn thành. Theo dự kiến, ngoài hoạt động tri ân, ghi nhận công lao đóng góp của các thế hệ đã có nhiều đóng góp to lớn trong việc lưu truyền các giá trị văn hóa phi vật thể và những cá nhân, tập thể đã góp phần phát hiện, khai quật, bảo quản, lập hồ sơ khoa học công nhận bảo vật quốc gia, tại lễ công bố, một số cá nhân, đơn vị sẽ trao tặng hiện vật, tư liệu liên quan đến nghề gốm ở Bình Dương và võ lâm Tân Khánh Bà Trà cho Bảo tàng tỉnh nhằm góp phần bảo tồn, gìn giữ những giá trị văn hóa cũng như phục vụ công tác trưng bày tại Bảo tàng tỉnh trong thời gian tới.

HỒNG THUẬN

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên