Hiện nay số ca mắc Covid-19 là trẻ em trên địa bàn tỉnh đang có xu hướng tăng nhanh so với giai đoạn đầu. Đa số trẻ mắc bệnh Covid-19 có biểu hiện nhẹ, nhanh khỏi nhưng vẫn có thể mắc hội chứng hậu Covid-19 với những triệu chứng kéo dài, để lại di chứng nếu không được điều trị kịp thời.
Biểu hiện hậu Covid-19 ở trẻ
Gần đây chị Nguyễn Thị Giang, ở khu phố Nhị Đồng, phường Dĩ An, TP.Dĩ An thấy con gái Lương Thị Giang Hương, 10 tuổi có biểu hiện lạ, thường xuyên bị tiêu chảy, sốt cao liên tục trên 38,50, đau bụng, da nổi ban, mắt, họng đỏ, môi đỏ khô nứt. Chị Giang cho biết 3 tuần trước đó, chị xét nghiệm cho con thì phát hiện dương tính SARS-CoV-2. Sau đó bé được gia đình đưa đến khám tại một bệnh viện. 10 ngày sau bé có kết quả âm tính SARS-CoV-2. Thời gian gần đây bé Hương ho rất nhiều, thở hụt hơi, phổi thông khí kém. Bác sĩ tư vấn gia đình nên đưa Hương nhập viện điều trị thở hụt hơi, thông khí phổi.
Bác sĩ Huỳnh Minh Chín, Phó Giám đốc Sở Y tế cho biết: Trẻ mắc Covid-19 thường nhẹ, nhanh khỏi nhưng dù ở lứa tuổi nào thì bệnh cũng có các biểu hiện từ không có triệu chứng, có triệu chứng cho đến nhập viện nặng, tử vong. Với trẻ em, qua theo dõi thì thấy trẻ cũng có các biểu hiện lâm sàng kéo dài, có cả tình trạng hậu Covid-19, kể cả di chứng được gọi là các di chứng cấp tính của Covid-19. Hội chứng hậu Covid ở trẻ thường xảy ra sau mắc Covid-19 khoảng 2 - 6 tuần với các biểu hiện thường gặp như: Sốt cao liên tục, rối loạn tiêu hóa, phát ban ngoài da, môi lưỡi đỏ.
Trẻ mắc Covid-19 có biểu hiện nhẹ, nhanh khỏi nhưng vẫn có thể mắc hội chứng hậu Covid. Vì vậy cha mẹ nên đưa trẻ đi khám nếu xuất hiện các triệu chứng bất thường
Biểu hiện hội chứng viêm đa hệ thống ở trẻ em (MIS-C) khá giống với một số tình trạng bệnh lý khác như sốc nhiễm độc hay bệnh Kawasaki. Đa phần bệnh nhân hồi phục hoàn toàn sau điều trị, tỷ lệ tử vong rất thấp. Với hội chứng này, trẻ có cảm giác mệt mỏi, choáng váng, mất mùi, phát ban, đỏ mắt, sốt kéo dài, thậm chí mất hoặc thay đổi vị giác… Số khác trẻ lại có tâm lý mặc cảm, tự ti sau mắc bệnh, khó tập trung, không ghi nhớ và hiểu được kiến thức giáo viên giảng dạy, chữ viết xấu… Toàn bộ các biểu hiện này rất cần được theo dõi, đánh giá sớm và can thiệp kịp thời, tránh ảnh hưởng đến sự phát triển lâu dài của trẻ.
Bác sĩ Huỳnh Minh Chín khuyến cáo, nếu trong gia đình có trẻ mắc Covid-19, ngay cả khi chỉ có triệu chứng nhẹ hoặc không có triệu chứng thì phụ huynh không nên chủ quan. Tuyệt đối không cho trẻ sử dụng thuốc không theo chỉ định của bác sĩ. Sau khi trẻ khỏi bệnh, âm tính ít nhất 2 - 3 tuần, người nhà cần theo dõi sát, đi khám khi có các biểu hiện bất thường về thể chất hay tinh thần, thậm chí tiếp tục theo dõi đến 2 hoặc 3 tháng sau đó. Trẻ nhiễm Covid-19 cần được hỗ trợ về mặt tâm lý để giúp trẻ vượt qua được khó khăn trong học tập, tránh tâm trạng lo lắng, bi quan.
Chủ yếu ảnh hưởng chức năng hô hấp
Theo nghiên cứu, tình trạng hậu Covid-19 ở trẻ em và thanh thiếu niên được ghi nhận bao gồm các vấn đề về: Hô hấp, tim mạch, thay đổi khứu giác, vị giác, ảnh hưởng tới hệ thần kinh, mệt mỏi, nhức đầu, hội chứng viêm đa hệ ở trẻ em (MIS-C). Tuy nhiên, hội chứng hậu Covid-19 phổ biến nhất ở trẻ em đa phần liên quan đến đường hô hấp như ho nhiều, ho kéo dài, cảm giác nặng ngực, hụt hơi, khó thở. Theo bác sĩ Huỳnh Minh Chín, sở dĩ có các di chứng trên là vì Covid-19 thường ảnh hưởng đến phổi, nên các triệu chứng hô hấp kéo dài. Một số triệu chứng có thể kéo dài trong 3 tháng hoặc lâu hơn. Trẻ em từ 6 tuổi trở lên với các triệu chứng kéo dài có thể cần làm xét nghiệm chức năng phổi. Trẻ bị khó thở do gắng sức mà không hết cần xét nghiệm tim để loại trừ các biến chứng như cục máu đông. Ngoài ra trẻ cũng bị giảm sức chịu đựng về thể chất như dễ mệt hơn bình thường ngay cả khi không có bệnh lý ở tim, hô hấp và giảm sự tập trung, trẻ dễ quên hơn bình thường, đau đầu và viết chữ xấu hơn.
“Sau khi khỏi Covid-19 từ 3 - 6 tháng trẻ sẽ trở lại bình thường và sẽ không có quá nhiều nguy hiểm. Cha mẹ không nên quá lo lắng, cần tăng sức đề kháng cho trẻ để chiến thắng Covid-19 và hậu Covid-19. Cha mẹ hãy bổ sung cho trẻ một chế độ ăn khoa học, đầy đủ dinh dưỡng và cho bé tập luyện nhẹ nhàng. Cụ thể, cha mẹ hãy bảo đảm cho con một chế độ ăn uống, ngủ nghỉ và thể dục hợp lý để duy trì thể lực; cho con ngủ đúng giờ. Nếu bé mất ngủ, cha mẹ có thể cho bé nghe nhạc không lời để dễ ngủ hơn. Đặc biệt, cha mẹ nên cho trẻ tiêm đầy đủ các mũi vắc xin ngừa Covid-19 khi đủ điều kiện về độ để ngừa những nguy cơ do Covid-19 và hậu Covid-19 gây ra”, bác sĩ Huỳnh Minh Chín nói.
HOÀNG LINH