Bệnh cúm mùa gia tăng ca mắc

Cập nhật: 15-12-2023 | 08:47:50

Hiện nay thời tiết đang chuyển mùa, thay đổi thất thường, tạo thuận lợi cho vi rút phát triển, đặc biệt là vi rút cúm. Theo đó, số bệnh nhân nhiễm siêu vi đường hô hấp trên, viêm tiểu phế quản, hen phế quản và một số bệnh lý như viêm phổi, viêm thanh khí phế quản, viêm mũi họng... cũng đang gia tăng.

 Khám, điều trị bệnh cho trẻ tại Trung tâm Y tế TP.Thuận An

 Gia tăng bệnh nhi điều trị bệnh viêm đường hô hấp

Những ngày gần đây, bé N.N.H. (10 tháng tuổi), con của chị Tô Ngọc Trà (TP.Tân Uyên) bị ho có đờm, khó thở, co rút lõm lồng ngực trong khi thở, thở rít, tím tái nên chị bắt xe đưa con đến bệnh viện. Tại khoa nhi Bệnh viện Đa khoa tỉnh, bác sĩ chẩn đoán bé bị viêm phổi nặng, phải nhập viện gấp. Chị Tô Ngọc Trà cho biết: “Mấy ngày qua bé bị chảy mũi, nghẹt mũi, ho, đau họng, khàn tiếng, sốt nhẹ, chán ăn, mệt mỏi. Tôi cho bé uống thuốc hạ sốt nhưng không đáp ứng. Uống thuốc phòng khám tư không hết tôi đưa bé nhập viện Bệnh viện Đa khoa tỉnh. Nhờ bác sĩ điều trị kịp thời nên sức khỏe của bé đã ổn định, ăn uống được”.

Còn trường hợp con của chị Nguyễn Thị Bích (TP.Thủ Dầu Một) lại bị biến chứng với viêm đường hô hấp cấp, sốt cao, sốt liên tục, không đáp ứng với thuốc hạ sốt, viêm họng, thở nặng nhọc, thở nhanh bất thường, chóng mặt, co kéo các cơ hô hấp. Mấy ngày trước con bị sốt, chị Bích tự mua thuốc về nhà cho con uống nhưng không khỏi, tình trạng bệnh tăng nặng. Sau đó bé được nhập viện trong tình trạng quấy khóc, thở nhanh, tiếng thở rít, cánh mũi phập phồng, co rút lồng ngực, tím tái quanh môi, sốt cao gây co giật. Sau 4 ngày điều trị tích cực tại khoa nhi Bệnh viện Đa khoa tỉnh theo phác đồ điều trị nghiêm ngặt, sức khỏe của bé tốt dần lên.

Đây là 2 trong số nhiều bệnh nhi đang điều trị bệnh viêm đường hô hấp cấp tại khoa nhi Bệnh viện Đa khoa tỉnh. Hiện bệnh nhi mắc bệnh hô hấp có xu hướng gia tăng. Trẻ được đưa đến khám chủ yếu mắc các nhóm bệnh: Viêm đường hô hấp trên, viêm tiểu phế quản, hen phế quản và một số bệnh lý như viêm phổi, viêm thanh khí phế quản, viêm mũi họng... Bác sĩ CKI Lê Thị Trang, khoa nhi Bệnh viện Đa khoa tỉnh, cho biết hiện số trẻ mắc các bệnh đường hô hấp tại bệnh viện đang gia tăng. Dự báo bệnh sẽ còn tăng và kéo dài đến cuối năm. Nguyên nhân là do thời tiết giao mùa thay đổi thất thường khiến trẻ dễ mắc các bệnh lý về hô hấp. Hơn nữa vào dịp cuối năm, thời điểm nhu cầu giao thương, đi lại tăng cao, tạo điều kiện thuận lợi cho các tác nhân gây bệnh lây lan.

Theo ghi nhận của P.V, tại các trung tâm y tế tuyến huyện, bệnh viện tư, số bệnh nhân nhi nhập viện bị bệnh cúm, hô hấp cũng gia tăng. Tại Trung tâm Y tế huyện Bàu Bàng, số trẻ đến khám bệnh hô hấp tăng so với ngày thường, nhiều bé chảy mũi, kéo dài dai dẳng.

Khuyến cáo phòng bệnh cúm

Bác sĩ Lưu Thị Khanh, Trưởng khoa nhi Bệnh viện Hoàn Mỹ Vạn Phúc 2 (phường Bình Chuẩn, TP.Thuận An), cho biết: “Bệnh viêm đường hô hấp cấp tính là một căn bệnh nhiễm trùng gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến khả năng hô hấp của người bệnh. Bệnh thường ảnh hưởng đến đường hô hấp trên (mũi, xoang, hầu - họng, thanh quản) hoặc đường hô hấp dưới (khí quản, phế quản, tiểu phế quản, các phế nang). Ai cũng có khả năng mắc phải bệnh viêm đường hô hấp cấp tính. Tuy nhiên, trẻ nhỏ và người cao tuổi là những đối tượng có nguy cơ mắc bệnh cao nhất bởi hệ miễn dịch của họ thường dễ bị vi rút tấn công”.

Viêm đường hô hấp cấp tính thường khá nguy hiểm, đặc biệt là ở trẻ em, người lớn tuổi và những người mắc phải các chứng rối loạn hệ miễn dịch. Bệnh chủ yếu do vi rút gây bệnh nên phương pháp điều trị triệu chứng là chủ yếu. Các thuốc được sử dụng là thuốc giảm đau, hạ sốt, chống viêm tại chỗ, nâng cao sức đề kháng. Khi người bệnh có diễn tiến nặng hay bội nhiễm, tùy từng trường hợp bệnh nhân, bác sĩ sẽ đưa ra phác đồ điều trị phù hợp.

Biện pháp dự phòng được ưu tiên thực hiện cho trẻ nhỏ và đối tượng có nguy cơ mắc bệnh, trước tiên phụ huynh cần tạo cho bé miễn dịch chủ động, thực hiện đầy đủ chương trình tiêm chủng quốc gia. Trẻ mới sinh ra cần tận dụng nguồn dinh dưỡng quý giá từ sữa mẹ. Tất cả những cách dự phòng trên tuy đơn giản nhưng giúp phòng tránh bệnh về hệ hô hấp tốt nhất cho trẻ. Phụ huynh, người chăm sóc trẻ hãy đưa trẻ đến cơ sở y tế ngay khi có các dấu hiệu tăng nặng, như: Sốt cao, ho nhiều, nôn ói kéo dài, tiêu chảy nặng, có các dấu hiệu biến chứng về tai, phổi, tiêu hóa, mắt.

 “Để chủ động phòng bệnh cúm mùa, phụ huynh cần hạn chế đưa trẻ đến nơi đông người trong mùa dịch bệnh, hạn chế cho trẻ ra ngoài khi thời tiết chuyển mùa đông xuân; giữ tay luôn sạch sẽ (rửa tay bằng xà phòng) khi ăn uống sẽ loại trừ vi rút khỏi bàn tay, vi rút không có cơ hội xâm nhập vào đường hô hấp; đeo khẩu trang cách ly với mầm bệnh, tránh cho bé chơi, học tập trong môi trường nhiệt độ quá cao, quá lạnh, không cho quạt xoáy thẳng vào trẻ khi chơi hoặc ngủ.

Phụ huynh nên tạo thói quen cho trẻ uống nước ấm vào buổi sáng sớm sau khi ngủ dậy để cổ họng bé không bị khô, giữ ấm cổ cho bé khi ngủ tránh nhiễm lạnh, giữ nhà cửa luôn thông thoáng, sạch sẽ; bổ sung đầy đủ dinh dưỡng để chủ động tăng sức đề kháng”.

(Bác sĩ Trần Văn Chung, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh)

 KIM HÀ

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=677
Quay lên trên