Bệnh sởi có xu hướng gia tăng

Cập nhật: 24-04-2014 | 00:00:00

Bệnh sởi vẫn đang là mối quan tâm của nhiều người, bởi số ca bệnh sởi dương tính vẫn chưa có dấu hiệu giảm. Trong khi đó, hiện các địa phương trên địa bàn tỉnh đều đã có ca sởi dương tính…

Tính từ ca mắc đầu tiên vào tháng 11-2013 đến ngày 23-4-2014, toàn tỉnh ghi nhận có 608 trường hợp sốt phát ban. Tất cả các trường hợp sốt phát ban đều được lấy mẫu huyết thanh gửi Viện Pasteur TP.Hồ Chí Minh để làm xét nghiệm. Đến nay, đã có kết quả xét nghiệm với 75 ca sởi dương tính. Thống kê từ đầu năm đến nay cho thấy số ca sởi dương tính có chiều hướng gia tăng qua các tháng, chưa có dấu hiệu giảm. Theo ngành y tế, số ca sởi dương tính tập trung cao nhất ở TX.Thuận An, TX.Dĩ An, TP.Thủ Dầu Một và TX.Bến Cát.  

Trẻ đang được tiêm ngừa bệnh sởi Ảnh: Q.NHƯ

Sởi là bệnh thường gặp ở trẻ em dưới 10 tuổi. Ghi nhận tình hình bệnh sởi trên địa bàn tỉnh cho thấy lứa tuổi mắc sởi nhiều nhất là trẻ từ 1- 5 tuổi. Điều đáng quan tâm là trẻ chưa đến độ tuổi tiêm ngừa cũng bị mắc và tỷ lệ mắc khá cao. Đánh giá về tình hình bệnh sởi hiện nay trên địa bàn tỉnh, bác sĩ (BS) Từ Tấn Thứ, Trưởng phòng Nghiệp vụ Y-Sở Y tế, cho biết tình hình dịch sởi vẫn đang diễn biến phức tạp và có xu hướng gia tăng. Mọi lứa tuổi đều có thể mắc bệnh, đặc biệt là trẻ chưa đến tuổi tiêm chủng cũng bị nhiễm bệnh. Đối tượng có nguy cơ cao là những người chưa tiêm ngừa vắc xin hoặc tiêm không đầy đủ. “Số ca sốt phát ban tập trung vào độ tuổi dưới 1 tuổi. Đây là đối tượng có sức đề kháng kém và thường tiêm chủng chưa đầy đủ hoặc chưa đúng lịch. Lây nhiễm chéo ở các cơ sở y tế không có phòng cách ly bệnh đúng tiêu chuẩn là một trong những yếu tố làm bùng phát bệnh. Thời tiết cũng đóng vai trò thúc đẩy việc lây lan dịch bệnh. Nắng nóng là yếu tố thuận lợi cho dịch bệnh sởi phát triển. Sự giao lưu tại các khu công nghiệp và sự di chuyển của người dân giữa các vùng làm bệnh dịch dễ lây lan hơn. Ngoài ra, chiến dịch tiêm vắc xin cho trẻ cũng gặp nhiều khó khăn do tâm lý phụ huynh chủ quan, không đưa trẻ đi tiêm ngừa đúng lịch hoặc không tin tưởng vào y tế do một số vấn đề liên quan đến vắc xin Quinvaxem trong thời gian gần đây… làm cho tình hình bệnh sởi diễn biến khó lường”, BS Thứ nói.

Trao đổi với chúng tôi về kế hoạch phòng chống bệnh sởi trong thời gian tới, BS Thứ cho biết ngành sẽ tiếp tục giám sát ca bệnh, lấy mẫu gửi Viện Pasteur TP.Hồ Chí Minh để xác định ca bệnh dương tính; đồng thời tổ chức tuyên truyền phòng chống bệnh sởi bằng nhiều hình thức. Đối tượng mắc bệnh sởi chủ yếu trong độ tuổi học sinh, do đó việc phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo tuyên truyền phòng chống bệnh sởi tại các trường học cũng được ngành y tế quan tâm. Công tác tuyên truyền được đặc biệt chú ý là các nhà trẻ, trường học mầm non, mẫu giáo và tiểu học. Để phòng bệnh, biện pháp tốt nhất mà các trường học và gia đình có con nhỏ cần thực hiện là giữ gìn vệ sinh thân thể, môi trường sống sạch sẽ; tăng cường bổ sung dinh dưỡng đầy đủ nhằm tăng cường sức đề kháng cho trẻ. Đối với trẻ nhỏ chưa đến tuổi tiêm chủng, cần tránh tiếp xúc với nguồn bệnh. Nếu phát hiện trẻ có những dấu hiệu khả nghi cần đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất để được khám, phát hiện, điều trị bệnh kịp thời.

Hướng dẫn chẩn đoán, điều trị bệnh sởi

Bộ Y tế vừa có quyết định về việc ban hành hướng dẫn chẩn đoán, điều trị bệnh sởi. Theo đó, bệnh sởi là bệnh truyền nhiễm gây dịch qua đường hô hấp do vi rút sởi gây nên. Bệnh có những biểu hiện đặc trưng là sốt, viêm long đường hô hấp, viêm kết mạc và phát ban, có thể dẫn đến nhiều biến chứng như viêm phổi, viêm não, viêm tai giữa, viêm loét giác mạc, tiêu chảy… có thể gây tử vong.

Hướng dẫn chẩn đoán lâm sàng ở thể điển hình chỉ ra rằng, gian đoạn ủ bệnh từ 7 - 20 ngày (trung bình 10 ngày). Giai đoạn khởi phát (giai đoạn viêm long) từ 2 - 4 ngày. Ở giai đoạn này, người bệnh sốt cao, viêm long đường hô hấp trên và viêm kết mạc, đôi khi có viêm thanh quản cấp, có thể thấy hạt Koplik là các hạt nhỏ có kích thước 0,5 - 1mm màu trắng/xám có quầng ban đỏ nổi gồ lên trên bề măt niêm mạc má (phía trong miệng). Giai đoạn khởi phát kéo dài từ 2 - 5 ngày. Thường sau khi sốt cao 3 - 4 ngày người bệnh bắt đầu phát ban, ban hồng dát sần, khi căng da thì ban biến mất, xuất hiện từ sau tai, sau gáy, trán, mặt, cổ dần lan đến thân mình và tứ chi, cả ở lòng bàn tay và gan bàn chân. Khi ban mọc hết toàn thân thì thân nhiệt giảm dần. Giai đoạn phục hồi, ban nhạt màu dần rồi sang màu xám, bong vảy phấn sẫm màu, để lại vết thâm vằn da hổ và biến mất theo thứ tự như khi xuất hiện. Nếu không xuất hiện biến chứng thì bệnh tự khỏi. Có thể có ho kéo dài 1 - 2 tuần sau khi hết ban.

Ở thể không điển hình, biểu hiện lâm sàng của bệnh là có thể sốt nhẹ thoáng qua, viêm long nhẹ và phát ban ít, toàn trạng tốt. Thể này dễ bị bỏ qua, dẫn đến lây lan bệnh mà không biết.

HỒNG THUẬN

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=513
Quay lên trên