Tình hình bệnh sởi được ghi nhận trên địa bàn tỉnh tăng rất cao. Tuy nhiên, trong những tháng gần đây, bệnh sởi đang có xu hướng giảm dần số ca mắc. Phòng bệnh bằng tiêm ngừa vắc-xin là cách tốt nhất để bảo vệ sức khỏe trước căn bệnh dễ lây lan này. Bác sĩ vẫn luôn khuyến cáo các bậc cha mẹ phải luôn chủ động tiêm vắc-xin để phòng bệnh sởi cho con trẻ...
Tiêm vắc-xin đầy đủ, đúng lịch là cách phòng bệnh sởi hiệu quả nhất
Bệnh sởi đang giảm dần
Thống kê của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, cho thấy từ đầu năm đến nay, tình hình bệnh sởi được ghi nhận trên địa bàn tỉnh tăng rất cao, gấp nhiều lần so với cùng kỳ năm trước. Tính đến giữa tháng 8, toàn tỉnh ghi nhận 1.468 ca bệnh sởi (cùng kỳ năm trước, cả tỉnh ghi nhận có 28 ca), không có ca tử vong. Tuy nhiên, từ số liệu ghi nhận qua mỗi tháng cho thấy, bệnh sởi có xu hướng giảm dần: tháng 1, toàn tỉnh có 393 ca bệnh, tháng 2 có 205 ca, tháng 3 có 251 ca, tháng 4 có 223 ca, tháng 5 có 143 ca, tháng 6 có 117 ca, tháng 7 có 102 ca và tháng 8 (tính đến 20-8) có 34 ca.
Theo bác sĩ Quách Hoàng Mỹ, phụ trách Khoa Phòng chống bệnh truyền nhiễm, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, bệnh sởi đang giảm dần do các bậc cha mẹ đã chủ động hơn trong việc tiêm ngừa vắc-xin phòng bệnh cho con trẻ. Một khi miễn dịch chủ động trong cộng đồng tăng lên thì số ca bệnh sẽ giảm xuống. Dự báo, từ nay đến cuối năm, bệnh sởi sẽ tiếp tục giảm. “Sởi là một trong những bệnh dễ lây truyền trong cộng đồng. Cách phòng bệnh tốt nhất, hiệu quả nhất là tiêm ngừa vắc-xin phòng bệnh sởi cho trẻ nhỏ đúng độ tuổi theo quy định. Trước tình hình bệnh tăng cao, liên tục từ cuối năm 2018 đến nay, ngành y tế đã triển khai chiến dịch tiêm vắc-xin sởi - rubella cho trẻ từ 1 - 5 tuổi trên địa bàn toàn tỉnh. Đến nay, số trẻ trong độ tuổi đi tiêm đạt trên 90% (chưa thống kê hết số trẻ tiêm dịch vụ bên ngoài). Mặc dù số trẻ trên địa bàn tỉnh được cha mẹ đưa đi tiêm ngừa đã tăng lên đáng kể, số ca bệnh đang giảm dần, nhưng việc tuyên truyền, vận động người dân đưa con em mình đi tiêm ngừa vắc-xin phòng bệnh sởi đúng tuổi, đúng lịch luôn được ngành y tế quan tâm triển khai thực hiện thường xuyên, liên tục để bảo vệ trẻ nhỏ trước căn bệnh dễ lây lan này...”, bác sĩ Mỹ nói.
Phòng bệnh tốt hơn chữa bệnh
Bà Nguyễn Thị Giang Nhung, phụ trách khoa Truyền thông giáo dục sức khỏe, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, cho biết bất kỳ ai chưa từng bị bệnh sởi hoặc chưa bao giờ tiêm vắc-xin phòng bệnh sởi đều có thể mắc bệnh nếu tiếp xúc với người bệnh, người mang mầm bệnh. Tuy nhiên, do sức đề kháng yếu nên trẻ nhỏ dễ mắc bệnh hơn người lớn, đặc biệt là những trẻ đủ tuổi tiêm vắc-xin nhưng chưa tiêm đủ 2 mũi và những trẻ chưa đến tuổi tiêm vắc-xin sởi (dưới 9 tháng tuổi). Người mắc bệnh sởi thường có các triệu chứng ban đầu như: Sốt cao, chảy nước mũi, ho, mắt đỏ và chảy nước mắt. Những hạt nhỏ màu trắng bên trong vùng má có thể xuất hiện trong giai đoạn đầu. Sau vài ngày mắc bệnh, những hạt ban bắt đầu nổi lên và thường gặp ở vùng mặt, phía trên cổ. Nếu không được điều trị kịp thời, người bệnh có thể gặp phải các biến chứng, như: Mù mắt, viêm não, tiêu chảy mất nước nặng, viêm tai giữa…
Vì thế, cách phòng bệnh sởi tốt nhất, hiệu quả nhất là tiêm ngừa vắc-xin đầy đủ. Vắc-xin này thường được phối hợp với vắc-xin phòng bệnh quai bị và rubella. Để chủ động phòng bệnh sởi, ngành y tế khuyến cáo các bậc cha mẹ cần chủ động đưa con em từ 9 tháng tuổi chưa tiêm vắc-xin sởi hoặc từ 18 tháng tuổi chưa tiêm đủ 2 mũi vắc-xin sởi đến Trạm Y tế xã, phường để tiêm vắc-xin phòng sởi. Khi phát hiện có các dấu hiệu sốt, ho, chảy nước mũi, phát ban cần sớm đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất để kịp thời khám, điều trị phòng các biến chứng và diễn biến nặng của bệnh sởi. Trường hợp mắc sởi nhẹ được cho cách ly tại nhà, trẻ nhỏ cần phải nghỉ học. Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng khi chăm sóc trẻ và bảo đảm các biện pháp về tăng cường dinh dưỡng cho trẻ…
CẨM LÝ