HƯỞNG ỨNG NGÀY ASEAN PHÒNG, CHỐNG SỐT XUẤT HUYẾT 15-6

Bệnh sốt xuất huyết: Phòng bệnh tốt hơn chữa bệnh

Cập nhật: 15-06-2019 | 01:26:24

 Trong khoảng 3 tuần trở lại đây, bệnh sốt xuất huyết (SXH) được ghi nhận trên địa bàn tỉnh có xu hướng giảm. Tuy nhiên, đây là thời điểm đầu mùa mưa nên việc phòng chống bệnh SXH vẫn được ngành y tế quan tâm giám sát thường xuyên, người dân cần chủ động, tích cực phòng chống bệnh SXH tại gia đình thì hiệu quả mới nâng cao hơn...

 Nhiều hoạt động hưởng ứng

Năm 2019 là năm thứ 9 liên tiếp cộng đồng ASEAN hưởng ứng “Ngày ASEAN phòng, chống SXH” nhằm nâng cao ý thức cộng đồng và tăng cường sự phối hợp của các cấp chính quyền, ban ngành, đoàn thể trong công tác phòng chống bệnh SXH. Hoạt động phòng chống bệnh SXH luôn được ngành y tế tỉnh nhà quan tâm, thực hiện thường xuyên trong năm. Đặc biệt, từ nhiều năm qua, ngành y tế còn phối hợp với các cấp chính quyền, ban ngành, đoàn thể triển khai chiến dịch “Tổng vệ sinh môi trường và truyền thông phòng chống bệnh SXH, Zika và tay chân miệng”.

 Cộng tác viên y tế hướng dẫn người dân thay nước bình bông thường xuyên không cho muỗi sinh sản để phòng bệnh SXH tại TX.Tân Uyên

Theo bác sĩ Huỳnh Thanh Hà, Phó Giám đốc Sở Y tế, hiệu quả mang lại của chiến dịch là rất lớn, người dân đã có kiến thức phòng chống dịch bệnh nói chung, trong đó có bệnh SXH. “Đây là tiền đề để thay đổi hành vi phòng chống dịch của người dân trong những năm tiếp theo. Bởi vì, thay đổi hành vi là một quá trình lâu dài. “Mưa dầm thấm lâu”, nếu chúng ta kiên trì tuyên truyền, vận động, hướng dẫn người dân thì đến một lúc nào đó sẽ đạt được kết quả...”, bác sĩ Hà nói.

Để hưởng ứng Ngày ASEAN phòng, chống SXH năm nay, Sở Y tế đã chỉ đạo các đơn vị y tế trên địa bàn tỉnh phát động, tích cực triển khai, duy trì các hoạt động diệt muỗi, lăng quăng phòng, chống SXH sau chiến dịch tổng vệ sinh môi trường vừa qua, đặc biệt là tại các điểm nóng, các xã, phường trọng điểm vào tháng cao điểm trước mùa dịch (tháng 5 và 6). Bác sĩ Hà cho biết: “Chúng tôi đã chỉ đạo các đơn vị tăng cường truyền thông, quảng bá các hoạt động phòng chống SXH tới đông đảo người dân dưới nhiều hình thức nhằm thu hút sự quan tâm, ủng hộ của chính quyền, ban ngành, đoàn thể và cộng đồng vào các hoạt động phòng chống SXH tại địa phương. Song song đó, các cơ sở khám chữa bệnh phải luôn chuẩn bị đầy đủ về cơ sở vật chất, trang thiết bị, thuốc, hóa chất, phương tiện, nhân lực... sẵn sàng tiếp nhận, điều trị hiệu quả các trường hợp bệnh SXH đến khám và nhập viện tại đơn vị...”.

Cần chủ động phòng chống

SXH là bệnh truyền nhiễm do muỗi vằn gây ra, dễ lây lan trong cộng đồng nếu không chủ động phòng chống. Bệnh SXH xuất hiện hầu như quanh năm, cao điểm là vào tháng 5, 6. Những tháng đầu năm 2019,bệnh SXH tăng so với năm 2018. Tuy nhiên, theo bác sĩ Quách Hoàng Mỹ, Trưởng khoa Kiểm soát dịch bệnh Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh, trong khoảng 3 tuần trở lại đây, bệnh SXH được ghi nhận trên địa bàn tỉnh đang có xu hướng giảm khoảng 10%.

Theo bác sĩ Mỹ, sở dĩ bệnh SXH giảm là do thời tiết nắng kéo dài và ngành y tế mới triển khai xong chiến dịch tổng vệ sinh môi trường trên địa bàn toàn tỉnh nên mật độ muỗi, véc tơ gây bệnh trong cộng đồng giảm đáng kể. Dù số ca bệnh ghi nhận giảm, nhưng bác sĩ Mỹ cho rằng không nên chủ quan bởi đây là thời điểm mùa mưa, nước tù đọng sẽ xuất hiện nhiều hơn trong các vật dụng phế thải có thể chứa nước ngoài trời. Nếu không quan tâm lật úp các vật dụng chứa nước này, không thực hiện diệt lăng quăng, diệt muỗi và vệ sinh môi trường sống thường xuyên thì SXH sẽ tăng trở lại là điều khó tránh khỏi.

Ngoài sự vào cuộc của ngành y tế, sự phối hợp của các ban ngành, đoàn thể, quan trọng nhất đối với công tác phòng chống bệnh SXH vẫn là ý thức tự giác, chủ động của mỗi người dân. Trên thực tế, khi đi kiểm tra, giám sát, bên cạnh những người dân có ý thức cao trong phòng bệnh, các cán bộ y tế làm công tác phòng chống dịch cho rằng vẫn còn nhiều người dân chưa có ý thức. Cán bộ y tế đến tuyên truyền họ nghe xong rồi để đó chứ không thực hành, có người còn không hợp tác, đóng cửa nhà khi cán bộ y tế đi phun hóa chất diệt muỗi...

“Việc truyền thông vận động để người dân tự bảo vệ mình và gia đình họ luôn được chúng tôi thực hiện thường xuyên. Người dân phải tự vệ sinh nhà cửa, thường xuyên diệt lăng quăng, diệt muỗi chứ ngành y tế không thể làm thay được việc này. Hiện đang là mùa mưa, bà con phải thường xuyên kiểm tra các bình bông trong nhà, vật dụng chứa nước sau tủ lạnh, lật úp các vật dụng chứa nước quanh nhà... Có như thế, muỗi sẽ không có nơi sinh sản, không có lăng quăng xuất hiện sẽ không có SXH”, bác sĩ Mỹ nói.

 HỒNG THUẬN

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=762
Quay lên trên