Hiện nay, bệnh tay chân miệng (TCM) đang có chiều hướng gia tăng. Theo ghi nhận của chúng tôi tại các cơ sở y tế, lượng bệnh nhi đến khám, điều trị bệnh TCM trong những ngày qua khá đông. Các bác sĩ vẫn luôn khuyến cáo, giữ gìn vệ sinh là cách phòng bệnh TCM tốt nhất và cần chú ý duy trì thường xuyên để bệnh không tái phát trở lại...
Thường xuyên cho trẻ rửa tay bằng xà phòng diệt khuẩn để phòng bệnh tay chân miệng
Bệnh TCM đang tăng
Tại khoa nhi Bệnh viện Đa khoa tỉnh những ngày qua lượng bệnh nhi tăng lên đáng kể, trong đó có nhiều trẻ mắc TCM. Bác sĩ chuyên khoa II Trần Thị Minh Nguyệt, Trưởng khoa nhi cho biết đây là thời điểm bệnh TCM gia tăng. Trung bình mỗi ngày khoa điều trị nội trú cho khoảng 20 bệnh nhi bị TCM. Bên cạnh đó, số trẻ bị TCM đến khám ngoại trú tại khoa cũng nhiều hơn. Những trẻ bị bệnh nhẹ, bác sĩ thường khám, tư vấn hướng dẫn và kê thuốc cho người nhà tự chăm sóc trẻ tại nhà mà không cần phải nhập viện điều trị nội trú. Theo đại diện một số phòng khám nhi tư nhân, lượng bệnh TCM đến khám tại đây cũng có xu hướng đang tăng lên đáng kể.
Theo chu kỳ, từ khoảng tháng 3 - 5 và từ tháng 9 - 12 hàng năm là thời điểm bệnh TCM có xu hướng tăng cao. Bệnh rất dễ lây từ người sang người do tiếp xúc trực tiếp hay gián tiếp với người bệnh, mang mầm bệnh. Trẻ nhỏ thường dễ mắc hơn người lớn, đặc biệt là trẻ dưới 3 tuổi do sức đề kháng trẻ yếu hơn. Theo bác sĩ Nguyệt, khi phát hiện trẻ có những biểu hiện, như: Quấy khóc, bỏ ăn, miệng chảy nước miếng, có tiếp xúc với trẻ bị TCM, các bậc cha mẹ nên đưa trẻ đi khám để được phát hiện bệnh TCM kịp thời. Ngoài ra, những dấu hiệu để nhận biết trẻ bị bệnh TCM, đó là có bọng nước nổi trong miệng, lòng bàn tay, chân, gối, mông, khủy tay.
Bệnh dễ tái phát
Thông thường trẻ bị bệnh TCM sẽ tự khỏi sau 7 - 10 ngày. Tuy nhiên, nếu việc giữ gìn vệ sinh không được chú ý thì trẻ rất dễ mắc bệnh trở lại. Nhiều bậc cha mẹ thường thắc mắc con họ mới vừa hết bệnh nhưng lại nổi mụn nước ở miệng, lòng bàn tay, lòng bàn chân, như vậy có phải bị bệnh TCM hay không? “Đó là thắc mắc mà các bác sĩ rất thường gặp khi khám cho trẻ nhỏ bị TCM. Họ cho rằng con họ mới mắc bệnh TCM xong, không hiểu sao nay lại mắc nữa. Thật ra, bệnh TCM có thể tái đi tái lại nhiều lần. Nên nhiều trẻ mới hết bệnh nhưng rất có thể vẫn tái phát trở lại...”, bác sĩ Nguyệt nói.
TCM là bệnh do vi rút gây ra. Bệnh không có miễn dịch vĩnh viễn và có nhiều chủng vi rút gây bệnh khác nhau. Do đó, trẻ từng mắc bệnh một lần rồi vẫn có thể mắc lại lần thứ 2, lần thứ 3, thậm chí lần thứ 4 hoặc nhiều hơn nữa. Do trẻ mới mắc bệnh xong, sức đề kháng còn yếu nên rất dễ nhiễm bệnh nếu tiếp xúc với nguồn bệnh. Điều bác sĩ Nguyệt lưu ý là cha mẹ nên chú ý theo dõi sát biểu hiện bệnh của trẻ, bởi biểu hiện mỗi lần mắc bệnh có thể giống hoặc khác nhau. Triệu chứng chung của bệnh TCM là sốt nhẹ, mệt mỏi, đau họng, biếng ăn, tiêu chảy vài lần trong ngày.
Sau khi mắc bệnh từ 1 - 2 ngày, trẻ thường có các triệu chứng, như: Loét miệng (ở niêm mạc miệng, lợi, lưỡi, gây đau miệng, bỏ ăn, bỏ bú, tăng tiết nước bọt); phát ban dạng bọng nước (ở lòng bàn tay, lòng bàn chân, gối, mông); sốt nhẹ; nôn, ói... Khi trẻ vừa khỏi bệnh TCM, nếu phát hiện tiếp tục nổi bọng nước thì cách tốt nhất là các bậc cha mẹ nên đưa trẻ đi khám sớm để xác định xem có phải trẻ bị tái nhiễm hay không. Điều này không chỉ giúp phát hiện, điều trị bệnh kịp thời, mà còn phòng ngừa được những biến chứng nặng của bệnh có thể ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của trẻ. Nếu bác sĩ kê đơn thuốc cho chăm sóc trẻ tại nhà, các bậc cha mẹ cũng phải thường xuyên theo dõi phát hiện các dấu hiệu nặng; đến ngay cơ sở y tế khi có các dấu hiệu cảnh báo có thể bệnh nặng và nhập viện ngay khi có dấu hiệu nặng hay rất nặng.
Với bệnh TCM, điều quan trọng nhất vẫn là giữ gìn vệ sinh. Bệnh TCM đang vào mùa và đang tăng. Vì thế, cần chủ động phòng bệnh cho trẻ nhỏ để tránh bị mắc và hạn chế bệnh tiếp tục gia tăng trong cộng đồng.
HỒNG THUẬN