Nhà dân bị sập do triều cường. Gần đây, tình trạng biến đổi khí hậu đã gây ra nhiều hậu quả toàn cầu như Trái Đất nóng dần lên, hiệu ứng nhà kính, nhiệt độ tăng hàng năm, băng tan, nước biển dâng.
Những biến đổi này cũng đã ảnh hưởng đến cuộc sống và sản xuất của người dân khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long, đặc biệt là những tỉnh nằm trong khu vực ven biển như: Bạc Liêu, Sóc Trăng, Kiên Giang, Cà Mau, Bến Tre.
Sạt lở nghiêm trọng trong mùa khô
Trong những đợt đỉnh triều vừa qua, sóng lớn đánh bạt vào ấp Huỳnh Kỳ (xã Vĩnh Phú, huyện Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng) làm sạt lở nhiều đoạn bờ sông, mặn xâm nhập gây thiệt hại nhiều diện tích hoa màu của nông dân. Bờ biển Vĩnh Châu có chiều dài 50km, trong đó 2km có 7 điểm sạt lở nặng nhất. Vì vậy, để cứu hoa màu của người dân ở đây, Chi cục Thủy Lợi tỉnh đã phối hợp với lực lượng dân phòng địa phương kè đê với cao trình 4 mét so với mặt nước biển lúc triều lên để chắn sóng.
Ông Dương Quốc Việt, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh Sóc Trăng cho biết, so với những ngày triều xuống, mực nước biển cách bờ kè 2 km, thế nhưng khi triều đạt đỉnh vào những ngày 29, 30 Âm lịch hàng tháng, nước biển như muốn lấp chân kè. Ấp Huỳnh Kỳ là 1 trong những điểm sạt lở nghiêm trọng nhất thời gian qua. Tuy nhiên, tỉnh cũng chỉ mới đầu tư để nâng cao 2 km đê biển Huỳnh Kỳ, cứu hoa màu, cứu lúa cho người dân. Những đoạn còn lại, phải chờ kinh phí để xây dựng tiếp, tạo thành đường đê biển khép kín. Khi tìm hiểu nguyên nhân, thì bờ biển này nằm trong dòng chảy đối lưu, năm nay gây sạt lở ở Huỳnh Kỳ, nhưng những năm khác có thể bị sạt lở bên bờ Tây Vĩnh Châu, gây ra hiện tượng bên bồi bên lở, khó mà ứng phó.
Bên cạnh đó, hiện nay Sóc Trăng có 6 cồn bị lở nặng như Cù Lao Dung, Cồn Bàng, Cồn An Tấn, Cồn An Công, Cồn Lý Quyên, Cồn Phong Nẫm; trong đó 2 cồn An Tấn và An Công bị sạt lở cả phần đầu cồn và cuối cồn. Dự kiến đến năm 2040, 2 cồn này sẽ không còn trên bản đồ. Còn những cồn khác sẽ chuyển đổi cây trồng, sản xuất cây ăn trái (vì không có nước tưới) thay vì sản xuất hoa màu như hiện nay.
Trong khu vực cũng có những dải bờ biển chưa bị sạt lở như Huỳnh Kỳ (Sóc Trăng), nhưng khi triều lên, mực nước biển đe dọa rừng phòng hộ, uy hiếp bờ kè ven biển và ảnh hưởng đến cuộc sống người dân.
Theo Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bạc Liêu: Dải bờ biển của tỉnh dài 56 km, nhiều nơi bị ảnh hưởng bởi sóng biển. Để cản sóng biển đánh vào rừng phòng hộ, tỉnh đã cho lắp đặt cống mềm đoạn dọc bờ biển phường Nhà Mát với chiều dài 500 mét. Tuy nhiên, đây là giải pháp tạm thời để ứng phó với biến đổi khí hậu.
Gây thiệt hại cho sản xuất
Biến đổi khí hậu không chỉ tác động đến tự nhiên, mà còn ảnh hưởng đến xã hội, đời sống của người dân, trong đó tác động mạnh đến sản xuất.
Theo Chi cục Thủy lợi Sóc Trăng, hiện nay độ mặn trong nước dẫn vào các đồng ruộng đã lên đến 10 phần ngàn, trong khi đó sức chịu mặn cao nhất của giống lúa ST hiện nay chỉ đạt 4 phần ngàn, vì vậy không một cây lúa nào chịu được độ mặn này và bị chết. Chi cục đã khuyến cáo nông dân không nên xuống giống vụ xuân hè, nhưng vì cuộc sống bà con không để ý những khuyến cáo này. Còn những nơi xuống giống đông xuân muộn thì đành chịu, vì cho đến thời điểm này vẫn không có mưa để cứu lúa.
Điển hình như: Nông dân Võ Minh Đức tại thị trấn Lịch Hội Thượng (huyện Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng), dù được khuyến cáo không nên gieo sạ lúa vụ xuân hè nhưng anh vẫn trồng 6 ha, đến nay được gần một tháng rưỡi, nhưng hai tuần nay lúa không trổ, trong khi đây là thời điểm lúa đơm bông. Không những vậy, nước tưới cũng không đủ, anh phải kéo nước mặn vào tưới cho cây lúa. Hai năm trước, thấy người xung quanh trồng lúa thu hoạch cao nên năm nay anh bắt chước trồng lúa, kết quả không có lúa mà xem như mất vốn.
Còn chị Hồng Thị Mầu, ngụ tại xã Đại Ân 2 (huyện Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng) chỉ cách Kênh Xẩm Bà Gòi 1 km, nhưng nước mặn để tưới cho diện tích 1 ha đông xuân xuống giống muộn cũng không có, đành coi như mất trắng. Cùng cảnh ngộ với đám ruộng của chị Mầu, nhiều thửa ruộng xung quanh cũng rơi vào nứt nẻ, cây lúa lụi tàn trong giai đoạn chưa trổ bông.
Không riêng Bạc Liêu, Sóc Trăng, những nông dân ở tỉnh Bến Tre cũng thiếu nước tưới cho cây lúa và mối lo cơm gạo lại đè nặng lên vai họ. Chị Lê Thị Thu Nguyệt, ngụ tại ấp Phú Long (xã Phú Thuận, huyện Bình Đại, Bến Tre) cho biết: Chị không có ruộng, mỗi khi muốn gieo trồng cây gì đều phải thuê đất. Trong 2 vụ lúa trước, chị thu hoạch không nhiều. Vì vậy, vụ đông xuân này chị thuê 3.000 m2 ruộng và hi vọng cao nhất ở vụ lúa này. Thế nhưng, khi cây lúa được 75 ngày, chị tưởng rằng sẽ có lúa thu hoạch, nhưng nửa tháng nay, ruộng không có nước tưới. Nhìn từ xa, tưởng lúa đã chín, nhưng sự thực là cây lúa đang chết dần.
Đại diện Phòng Nông nghiệp huyện Bình Đại cho biết: Trong vụ lúa đông xuân 2012-2013, toàn huyện có 500/1158 ha lúa bị khô hạn, thiếu nước, nhiễm mặn, có khả năng giảm năng suất 70% và hàng chục ha hoa màu bị nhiễm mặn cho thu hoạch kém, thiệt hại từ 80-90%.
Theo TTXVN