Bình Dương liên tục nâng tiêu chí hộ nghèo

Cập nhật: 22-12-2016 | 07:33:47

Chăm lo cho người nghèo để họ có cuộc sống ổn định là nhiệm vụ trọng tâm được tỉnh xác định và đưa vào Nghị quyết Đại hội Đảng từng nhiệm kỳ. Từ đó, tỷ lệ hộ nghèo (HN) của tỉnh giảm nhanh, từ năm 1997 đến nay có 45.500 hộ thoát nghèo và tỉnh đã 9 lần nâng mức chuẩn nghèo của tỉnh cao hơn so với chuẩn nghèo quốc gia.

Ngân hàng chính sách xã hội giải quyết vốn vay cho HN

Nâng tiêu chí HN

Theo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH), khi tách tỉnh năm 1997, Bình Dương còn 904 hộ đói, 14.662 HN, chiếm 12% trên tổng số dân toàn tỉnh. Số hộ đói, nghèo còn khá nhiều, tỉnh đã đưa ra nhiều chương trình, mục tiêu xóa đói giảm nghèo. Từ đó HN giảm nhanh, năm 2006, tỉnh đã không còn HN theo tiêu chí của Trung ương. Do đó, giai đoạn 2006-2008, Bình Dương tiếp tục nâng tiêu chí HN với thu nhập bình quân dưới 400.000 đồng/người/tháng ở khu vực nông thôn, thu nhập bình quân dưới 500.000 đồng/người/ tháng ở khu vực thành thị. Tiêu chí này, đầu năm 2006 tỷ lệ HN toàn tỉnh là 8,9%, đến cuối năm 2008 HN còn dưới 0,99%.

Giai đoạn 2009-2010, Bình Dương tiếp tục nâng tiêu chí HN lên cho phù hợp tình hình mới với thu nhập bình quân dưới 600.000 đồng/người/tháng ở khu vực nông thôn, thu nhập bình quân dưới 780.000 đồng/ người/tháng ở khu vực thành thị. Tổng điều tra đầu năm 2009, toàn tỉnh có 7,8% HN theo tiêu chí mới, phấn đấu cuối tháng 12- 2010 còn 1,39 % HN…

Sang giai đoạn 2011- 2013, thực hiện Quyết định số 49/2010/QĐ-UBND của UBND tỉnh về ban hành tiêu chí xác định HN nên tiêu chí HN lại được tăng lên. Cụ thể, HN là hộ có thu nhập bình quân dưới 800.000 đồng/người/tháng khu vực nông thôn và 1 triệu đồng/ người/tháng trở xuống ở khu vực thành thị. Theo đó, đầu năm 2011, toàn tỉnh có 10.882 HN, cuối năm 2013 còn 1.853 HN. Như vậy, giai đoạn 2011-2013, Bình Dương đã giảm được 9.030 HN, tỷ lệ HN giảm trong giai đoạn này là 3,65%.

Thực hiện Quyết định 51/2013/QĐ-UBND của UBND tỉnh, tỉnh tiếp tục nâng tiêu chí HN giai đoạn 2014-2015 với thu nhập trung bình 1 triệu đồng/ người/tháng khu vực nông thôn, 1,1 triệu đồng/người/tháng khu vực thành thị trở xuống. Chuẩn nghèo của tỉnh cao hơn gấp 2,5 lần so với chuẩn nghèo quốc gia. Giai đoạn 2011-2015, tỉnh có 11.383 hộ thoát nghèo, bình quân mỗi năm giảm khoảng 1% HN. Đến cuối năm 2015, Bình Dương cơ bản không còn HN theo tiêu chí của tỉnh.

Ban vận động vì người nghèo TX.Thuận An trao nhà Đại đoàn kết cho HN

Giai đoạn 2016-2020, chuẩn nghèo được tỉnh xây dựng theo phương pháp tiếp cận đa chiều. Về tiêu chí thu nhập để xác định HN là 1,2 triệu đồng/người/ tháng ở khu vực nông thôn và từ 1,4 triệu đồng/người/tháng ở khu vực thành thị. Hộ cận nghèo sẽ là 1,6 triệu đồng/người/tháng ở khu vực nông thôn và1,8 triệu đồng/người/tháng ở khu vực thành thị. Ngoài việc căn cứ vào mức thu nhập, chuẩn nghèo mới còn đo lường mức độ thiếu hụt trong việc tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản như: Y tế, giáo dục, nhà ở, nước sạch và vệ sinh, tiếp cận thông tin…

Chăm lo HN

Thực hiện chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo, Bình Dương đã được Bộ LĐ-TB&XH đánh giá là địa phương đầu tiên của cả nước không còn HN theo tiêu chí của Trung ương. Chỉ tính riêng trong giai đoạn 2011- 2015, Bình Dương đã có trên 11.000 hộ thoát nghèo; có 31 xã, phường, thị trấn và 4 huyện, thị xã trong toàn tỉnh có tỷ lệ HN giảm từ 1% trở lên.

Đạt được kết quả đó là sự chung tay của toàn xã hội. Theo ông Huỳnh Văn Nhị, nguyên Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, nguyên Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, với vai trò của mình, Ủy ban MTTQ Việt Nam và các tổ chức thành viên trong tỉnh đã tổ chức tốt công tác tuyên truyền, vận động hội viên, đoàn viên và toàn dân tham gia hưởng ứng các cuộc vận động hỗ trợ giảm nghèo qua các phong trào như: Ngày vì người nghèo, Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư; chỉ đạo xây dựng các mô hình giảm nghèo; vận động thực hiện xây dựng nông thôn mới... Chỉ tính giai đoạn 2011-2015, tổng nguồn lực đầu tư cho công tác giảm nghèo của tỉnh là trên 1.050 tỷ đồng; trong đó, nguồn đóng góp từ xã hội đạt trên 280 tỷ đồng.

Xác định tín dụng chính sách xã hội là đòn bẩy quan trọng quyết định đến hiệu quả chương trình giảm nghèo nên Bình Dương đã quan tâm đầu tư, tạo điều kiện tốt nhất về phương tiện, cơ sở vật chất cho Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) tỉnh hoạt động hiệu quả, bổ sung nguồn vốn ngân sách địa phương và huy động từ các tổ chức kinh tế trên địa bàn. Đến năm 2015, tỉnh đã chuyển 80 tỷ đồng ngân sách địa phương và huy động được gần 2 tỷ đồng từ các tổ chức kinh tế trên địa bàn ủy thác qua NHCSXH để cho vay.

Ông Võ Văn Đức, Giám đốc NHCSXH tỉnh cho biết, NHCSXH cũng đã tích cực phối hợp với các đơn vị có liên quan tham mưu cho UBND tỉnh ban hành các chính sách đặc thù của địa phương, nâng cao hiệu quả thực hiện mục tiêu giảm nghèo - tạo việc làm. Với những giải pháp quyết liệt và đồng bộ, từ năm 2010-2015, NHCSXH tỉnh đã cho trên 98.000 lượt HN và các đối tượng chính sách được vay vốn, với gần 1.300 tỷ đồng; qua đó đã giúp cho gần 29.000 hộ thoát nghèo; thu hút và tạo việc làm mới cho hơn 5.000 lao động; hơn 1.000 học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn trang trải học tập; cải tạo, xây dựng mới gần 89.000 công trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn đạt chuẩn quốc gia, 330 HN được hỗ trợ xây nhà ở, cải thiện điều kiện sống tối thiểu…

Từ sự chăm lo của toàn xã hội cộng với nỗ lực của chính các HN, giờ đây những hộ thuộc diện khó khăn đã có chỗ ở, công việc ổn định. Từ đó họ tiếp tục phấn đấu nhanh chóng thoát nghèo, vươn lên làm giàu chính đáng.

 

 THIÊN LÝ

 

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên