Năm 1992, tại hội nghị Môi trường và Phát triển của Liên hiệp quốc diễn ra tại thành phố Rio de Janeiro (Brasil), Đại hội đồng Liên hiệp quốc đã chọn ngày 22-3 hàng năm làm Ngày Nước thế giới hay Ngày Nước sạch thế giới nhằm kêu gọi công chúng không sử dụng nước một cách lãng phí, cũng như tránh làm ô nhiễm nguồn nước ngọt. Hàng năm, tổ chức toàn cầu này sẽ đưa ra chủ đề chính với thông điệp chung gửi đến các quốc gia thành viên. Thông điệp của Ngày Nước thế giới năm 2016 là “Nước và việc làm”.
Nước sạch - nguồn tài nguyên hữu hạn gắn liền với cuộc sống và sự phát triển. Trong ảnh: Lãnh đạo Biwase (bên phải) kiểm tra hoạt động tại Xí nghiệp cấp nước Dĩ An. Ảnh: DUY CHÍ
Nước - nguồn tài nguyên hữu hạn
Mùa hạn năm 2016 được dự báo sẽ kéo dài và diễn ra gay gắt nhất kể từ 100 năm qua. Dù mới vào đầu mùa hạn (mùa khô) nhưng lãnh đạo của nhiều tỉnh ở đồng bằng sông Cửu Long đã ban bố tình trạng thiên tai do nắng hạn, xâm nhập mặn khiến đồng ruộng bị khô nước, lúa chết đứng trên nhiều cánh đồng.
Nhũng năm qua, bên cạnh sự nỗ lực phát triển hệ thống cung cấp nước sạch cho sinh hoạt và sản xuất trên địa bàn tỉnh, Công ty TNHH MTV Cấp thoát nước Môi trường Bình Dương (Biwase) còn đẩy mạnh công tác truyền thông, giáo dục về ý nghĩa và giá trị của nguồn tài nguyên nước trong cộng đồng, đặc biệt là với thế hệ trẻ. Thông qua việc phối hợp với hệ thống trường học, các tổ chức đoàn thể, xã hội, các địa phương vùng khó khăn về nước sạch… để giới thiệu, tuyên truyền về giá trị của nước sạch đối với cuộc sống và sự phát triển; đồng thời tổ chức cho học sinh tham quan những nhà máy nước sạch để các em thấy được ý nghĩa to lớn của việc bảo vệ tài nguyên nước, hình thành thói quen sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả.
Ông Trần Chiến Công, Phó Tổng Giám đốc Biwase cho biết, các nền văn minh của nhân loại đều bắt nguồn từ sông nước. Lịch sử cho thấy, ông cha ta đã biết phát huy sức mạnh của thiên nhiên, trong đó có sức mạnh của nước để đánh đuổi giặc, bảo vệ Tổ quốc; sử dụng nguồn nước để phát triển sản xuất. Chủ đề của Ngày Nước thế giới năm 2016 là “Nước và việc làm” cho thấy nước không chỉ gắn liền với sự sống mà còn liên quan đến việc làm và sự phát triển của xã hội. Bởi vì tài nguyên nước là hữu hạn nên cần được bảo vệ và sử dụng có hiệu quả.
Tiết kiệm nước để có nhiều việc làm
Được sự quan tâm của lãnh đạo tỉnh, cùng với nỗ lực không ngừng của tập thể cán bộ, công nhân viên, Biwase đã sử dụng có hiệu quả nguồn vốn tài trợ của các tổ chức quốc tế. Trong đó có vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) của các nước Đan Mạch, Phần Lan, Nhật Bản… để phát triển hệ thống cung cấp nước sạch, cũng như thu gom xử lý nước thải sinh hoạt nhằm bảo vệ nguồn tài nguyên nước đang ngày một suy giảm.
Ông Phạm Văn Chà, nguyên quyền Giám đốc Xí nghiệp Cấp thủy, tiền thân của Biwase nói, những năm gần đây, ngành cấp thoát nước của Bình Dương phát triển và lớn mạnh rất nhanh. Nước sạch đã phủ kín hết địa bàn từ thành thị đến nông thôn. Nước sạch từ Bình Dương còn góp phần giải khát cho một số vùng khó khăn của các tỉnh, thành bạn như phường Linh Xuân, quận Thủ Đức, TP.Hồ Chí Minh; các phường Tân Vạn, Tân Hạnh của TP.Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai... Mới đây, nước sạch tại Bình Dương còn “băng” qua sông Sài Gòn để giải nhiệt cho bà con các xã ven sông Sài Gòn thuộc huyện Củ Chi của TP.Hồ Chí Minh. Ông Chà nhận xét, làm được như vậy là nhờ ý thức tiết kiệm. Trước đây, máy móc cũ kỹ, công suất đã thấp mà thất thoát nước lên đến 30% - 35%. Còn hiện nay, thiết bị rất tốt, máy móc hiện đại, tỷ lệ thất thoát nước của Bình Dương thấp nhất cả nước, dưới 7%. Nhờ bảo đảm cung cấp đủ nguồn nước sạch cho sinh hoạt và sản xuất mà việc thu hút đầu tư, phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh ngày một tốt hơn, người lao động có việc làm ổn định, đời sống được nâng cao.
Bảo vệ và sử dụng hiệu quả nguồn nước
Ông Nguyễn Văn Thiền, Tổng Giám đốc Biwase nói, từ chỗ thiếu nguồn nước sạch của những năm trước đây, hiện tại Bình Dương đã phủ kín hệ thống cung cấp nước sạch phục vụ sinh hoạt, sản xuất và đã có dự phòng từ 10% - 15% công suất hiện có. Kết quả này sẽ tiếp tục được phát huy, vì tại nhiều địa phương trong tỉnh người dân còn có thói quen sử dụng giếng khoan, trong khi nguồn nước dưới đất đang ngày một suy giảm. Nếu không được quản lý, kiểm soát tốt nguồn tài nguyên nước dưới đất sẽ dẫn đến sụt lún tầng, kéo theo nhiều hệ lụy về môi trường. UBND tỉnh đã có chủ trương hạn chế và cấm khai thác, sử dụng nguồn nước dưới đất nhằm bảo vệ nguồn tài nguyên nước, bảo vệ môi trường và sức khỏe cộng đồng mà các nước tiên tiến trên thế giới đã áp dụng từ rất lâu.
Dù đã có nguồn nước sạch dự phòng nhưng Biwase vẫn đẩy mạnh công tác xã hội hóa nhằm nâng cao năng lực cung cấp nước sạch, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội ngày càng cao của tỉnh nhà. Năm 2014, Biwase đã khánh thành và đưa vào hoạt động Nhà máy cấp nước Dĩ An II (giai đoạn 1) do Công ty Cổ phần Nước Thủ Dầu Một làm chủ đầu tư, theo phương thức xã hội hóa và sử dụng hoàn toàn nguồn nước mặt từ hai con sông lớn của tỉnh là Sài Gòn và Đồng Nai. Đến tháng 2-2015, Biwase tiếp tục khánh thành giai đoạn II của nhà máy này, nâng công suất lên 100.000m3/ngày đêm, đủ khả năng cung cấp nước sạch cho địa bàn các địa phương phía nam của tỉnh. Đầu năm 2016, Biwase tiếp tục khởi công nhà máy cấp nước Bàu Bàng cũng bằng hình thức xã hội hóa, sử dụng nguồn nước mặt để phục vụ nhu cầu phát triển của các huyện, thị phía bắc của tỉnh. Bên cạnh đó, Biwase còn đẩy mạnh thực hiện công trình thu gom xử lý nước thải sinh hoạt tại các đô thị lớn là Thủ Dầu Một, Thuận An và Dĩ An thuộc dự án Cải thiện môi trường nước Nam Bình Dương do Nhật Bản tài trợ.
Thi công mạng lưới thu gom nước thải sinh hoạt và các trạm bơm tại TX.Thuận An có thể ảnh hưởng giao thông một số tuyến đường
Căn cứ văn bản số 3197/UBND-KTN ngày 16-9-2015 của UBND tỉnh Bình Dương về việc phê duyệt danh mục các tuyến đường thi công xây dựng mạng lưới thu gom nước thải sinh hoạt và các trạm bơm ở TX.Thuận An và TP.Thủ Dầu Một thuộc dự án Cải thiện môi trường nước Nam Bình Dương, Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Cấp thoát nước Môi trường Bình Dương Nguyễn Văn Thiền đã phát hành thông báo về việc triển khai thi công xây dựng 18 trạm bơm nâng và giếng nâng, cùng với mạng lưới thu gom có chiều dài 269,4km đi qua các phường: Thuận Giao, Bình Hòa, An Thạnh, An Phú, Lái Thiêu, Vĩnh Phú thuộc TX.Thuận An; đường ĐT743 từ ngã 3 Đông Tân đến ngã tư 550 thuộc 2 phường Dĩ An và Tân Đông Hiệp của TX.Dĩ An gửi đến UBND tỉnh, UBND TX.Thuận An, UBND TX.Dĩ An, Ban chỉ đạo dự án Cải thiện môi trường nước Nam Bình Dương, Sở Giao thông - Vận tải, Sở Xây dựng, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Tài nguyên và Môi trường để thông báo về việc vận hành thi công các hạng mục trên. Do tập trung đông nhân lực, phương tiện, thiết bị cơ giới có thể gây ra tiếng ồn; một số tuyến phải thi công dưới lòng đường, vỉa hè nên có thể gây cản trở giao thông nhất định. Thời gian thi công công trình kéo dài từ tháng 3-2016 đến tháng 5-2018.
Dù đã áp dụng nhiều biện pháp, giải pháp tối ưu nhưng sẽ không tránh khỏi ảnh hưởng đến hoạt động giao thông, sinh hoạt, công việc buôn bán của người dân…, Công ty TNHH MTV Cấp thoát nước Môi trường Bình Dương rất mong nhận được sự hỗ trợ của các cơ quan, ban ngành, chính quyền địa phương và sự đồng thuận, chia sẻ của người dân để công trình hoàn thành trong thời gian sớm nhất.
DUY CHÍ