Từ những ngày đầu đi khai hoang lập làng, người dân Việt đã lập nên những ngôi đình để thờ Thần Thành hoàng bổn cảnh với mong muốn được thần che chở, phù hộ cho dân làng trước mọi khó khăn, thử thách. Người dân của những ngôi làng nhỏ trên vùng đất cù lao Bạch Đằng cũng sớm lập nên những ngôi đình riêng cho làng mình, trong đó có đình Tân Trạch đã được UBND tỉnh xếp hạng là di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh...
Một góc đình Tân Trạch hôm nay
Mái đình làng Việt
Từ phường Uyên Hưng, qua cầu Bạch Đằng rẽ phải rồi chạy thêm khoảng 1km sẽ đến cổng di tích đình Tân Trạch. Đình tọa lạc trên địa bàn ấp 3, xã Bạch Đằng, TX.Tân Uyên trên khu đất tương đối bằng phẳng, có tổng diện tích hơn 2.380m2. Vừa đặt chân đến đây, chúng ta có thể cảm nhận được sự yên bình, êm ả bởi xung quanh đình cây trái luôn xanh tươi, mát mẻ. Ông Nguyễn Tấn Phát, Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin TX.Tân Uyên, cho biết đình Tân Trạch đã được UBND tỉnh xếp hạng di tích lịch sử - văn hóa vào ngày 30-10-2007. Ngôi đình không chỉ là di tích cấp tỉnh, mà còn có ý nghĩa quan trọng trong việc hình thành hệ thống làng xã ở vùng đất cù lao Bạch Đằng. Đình Tân Trạch là ngôi đình được nhân dân cù lao Bạch Đằng lập nên để thờ Thành hoàng bổn cảnh, những vị “tiền hiền khai quốc, hậu hiền khai cơ” của địa phương. Bên cạnh đó, đình còn là nơi để tỏ lòng tri ân đối với những anh hùng liệt sĩ đã hy sinh vì quê hương đất nước.
Theo tài liệu ghi lại, đình Tân Trạch được xây dựng vào năm Giáp Dần (1854). Đình xây dựng theo kiến trúc kiểu chữ Đinh, gồm hai nóc, mái lợp ngói âm dương với toàn bộ khung sườn từ kèo, cột, xuyên trính đều được làm bằng gỗ quý. Lúc đầu, đình có đến 54 cột gỗ, mỗi cột có đường kính từ 40 - 50cm. Tuy nhiên, do chiến tranh và sự bào mòn của thời gian, nên 22 cây cột ở phía ngoài đã bị hư hỏng nặng. Đến năm 1966, đình được trùng tu sửa chữa lại và 22 cây cột bên ngoài được thay thế bằng cột bê tông, toàn bộ rui mè đều làm lại bằng sắt, mái lợp ngói Tây (thay vì lợp ngói âm dương), nền lót gạch tàu.
Về bố cục, đình có 2 phần: Chánh điện và trung đình. Gian chánh điện là nơi thờ chánh thần (Thành hoàng bổn cảnh), trên trang thờ có khắc chữ “Thần” và được sơn son thếp vàng trên nền màu đỏ. Hai bên là áng thờ Tiền hiền, Hậu hiền - Tả ban, Hữu ban. Kế đến là bàn thờ Hội đồng nội được xây bằng gạch, mặt bàn lót gạch men xanh trắng, trang trí đề tài hoa lá… Ở phần trung đình là nơi đặt bàn thờ của các ban hội, ban cúng tế cũng được xây bằng gạch, phía trước được trang trí hình Sơn Lâm Mãnh Hổ, trên bàn là một bộ lư hương bằng gốm men xanh trắng. Ở hai góc của phần tiền sảnh là hai bàn thờ để thờ những vong linh liệt sĩ, phía trên tường có ghi danh sách các liệt sĩ của xã Bạch Đằng.
Từ cổng chính đi vào, trong khuôn viên đình ở phía bên trái là miếu thờ Sơn Quân (Thần Cọp), kế đến là miếu thờ Cửu Thiên Huyền Nữ. Đối diện với bàn thờ Sơn Quân và bàn thờ Cửu Thiên là bàn thờ Thần Nông và bàn thờ Ngũ Hành Nương Nương. Đối diện với mặt trước của đình là bức bình phong xây bằng bê tông. Trên bình phong được trang trí phong cảnh sơn thủy khá đẹp mắt, càng làm tăng thêm vẻ đẹp và tôn thêm vẻ uy nghiêm cho ngôi đình.
Giá trị nhiều mặt
Trong thời Pháp thuộc đến năm 1945, đình Tân Trạch bị Pháp chiếm cứ làm nơi đóng đồn để thực hiện đàn áp khủng bố nhân dân. Vì thế, dân làng Tân Trạch không còn nơi để phụng thờ vị Thành hoàng bổn cảnh của làng. Không chỉ chiếm đình, bọn lính Pháp còn chặt đẽo một số cột gỗ quý trong đình và một phần bị mối mọt xâm hại nên đình bị xuống cấp trầm trọng. Hầu hết các cột gỗ trong đình và 22 cột gỗ bên ngoài hành lang đều bị ảnh hưởng, không còn giữ nguyên giá trị ban đầu.
Đến năm 1966, tình hình chiến cuộc có sự thay đổi, nhân dân Tân Trạch chiếm giữ lại ngôi đình. Từ đó, người dân đóng góp công sức để tu sửa lại nơi tôn nghiêm của làng, 22 cột gỗ bên ngoài bị hư hỏng cũng được xây lại bằng bê tông. Đến năm 2003, nhân dân địa phương lại đóng góp sửa chữa, tu bổ toàn bộ ngôi đình lại một lần nữa. Đình luôn được ban nghi lễ và nhân dân trong làng ra sức bảo quản và giữ gìn từ đó đến nay.
Ông Nguyễn Tấn Phát cho biết thêm, hiện nay tại di tích đình Tân Trạch vẫn duy trì các hình thức lễ hội truyền thống từ xưa đến nay. Trong đó, lễ hội Kỳ yên là một trong những lễ hội lớn nhất của đình, được ban quý tế tổ chức rất trang nghiêm vào ngày rằm tháng giêng hàng năm. Lễ hội là dịp để bà con nhân dân tôn vinh công trạng, tri ân công đức của các bậc tiền nhân được thờ cúng trong đình; đồng thời, ban quý tế đình cũng tuyên truyền để nhân dân hiểu rõ giá trị của di tích, quy định của pháp luật có liên quan; đẩy mạnh tuyên truyền và thực hiện nếp sống văn hóa trong lễ hội, làm cho lễ hội ngày càng văn minh, thật sự trở thành ngày hội văn hóa của nhân dân, góp phần tích cực vào sự phát triển kinh tế - văn hóa của địa phương.
Từ nhiều năm qua, vào dịp 27-7, xã Bạch Đằng còn phối hợp với ban quý tế đình tổ chức cúng tế, tưởng nhớ các liệt sĩ đã hy sinh vì quê hương, đất nước. Mỗi lần tổ chức, thân nhân gia đình liệt sĩ và người dân trong xã đến dự rất đông. Cùng với các di tích khác trên địa bàn thị xã, đình Tân Trạch cũng được quan tâm phát huy giá trị di tích.
CẨM LÝ