Bỏ phố lên rừng…

Cập nhật: 15-12-2017 | 09:06:41

Trong những ngày cuối năm, chúng tôi có dịp về thăm xã Hiếu Liêm, vùng đất nổi tiếng trong những năm dài chống giặc ngoại xâm nay trở nên trù phú bạt ngàn cây trái. Những năm gần đây, du khách gần xa khi đến với Bình Dương đều không quên nhắc đến trái bưởi da xanh đậm đà vị ngọt được trồng trên những sườn đồi nhấp nhô bên dòng sông Bé chở nặng phù sa…


Bạt ngàn cây trái Hiếu Liêm

Khác với trước đây, đất Hiếu Liêm bây giờ không chỉ dành cho những lão nông cần cù làm nông nghiệp mùa vụ, mà đang hấp dẫn nhiều giới tìm về đầu tư làm ăn với quy mô bài bản. Nếu như ngày trước nhắc đến những mô hình trang trại trồng cây căn trái ở Bắc Tân Uyên người ta nhớ ngay đến cựu chiến binh Đoàn Minh Chiến, ông Sáu Xê… thì nay đã xuất hiện thêm nhiều cái tên mới, họ vốn xuất thân không phải bằng nghề nông, có công ăn việc làm ở thành phố nhưng qua thời gian bôn ba đã quyết tâm bỏ phố về rừng khởi sự làm nông dân.

Cái hay của những người mới “tập làm nông dân” là họ đã chuẩn bị hành trang bài bản. Ở họ không chỉ có niềm đam mê thuần túy làm trang trại mà còn là nhà kinh doanh có kiến thức khoa học nông nghiệp hẳn hoi. Anh Trần Văn Thành mà chúng tôi đã dịp trò chuyện là một trong những “nông dân” như thế. Quê anh ở tận miền Trung, anh vào TP.Hồ Chí Minh làm việc cho một công ty khá lớn hoạt động trong lĩnh vực bảo vệ thực vật. Là cán bộ kinh doanh có năng lực nên công ty đã trả lương cho anh khá cao. Dù cuộc sống khá đầy đủ nhưng trong anh vẫn ấp ủ ước mơ sẽ có một ngày chọn cho mình một hướng đi yêu thích. Sau nhiều năm học hỏi kinh nghiệm, tích lũy kiến thức, năm 2014 anh Thành đã về Hiếu Liêm đầu tư gần 10 ha trồng cây ăn trái như sầu riêng, tiêu nhưng xác định cây bưởi da xanh là chủ lực. Trải qua thời gian đầu khai hoang vỡ đất, đến nay màu xanh đã phủ kín các sườn đồi. Trái bưởi da xanh của trang trại anh Thành đã có mặt trên thị trường và được khách hàng ưu chuộng vì anh trồng theo công nghệ hữu cơ. Anh tâm sự với chúng tôi, “chưa bao giờ thực phẩm tiêu dùng trong sinh hoạt hàng ngày của mọi người trở nên quan trọng như hiện nay. Đó là xu thế tất yếu của xã hội phát triển văn minh. Do vậy, ngay buổi đầu quyết định làm trang trại tôi đã ý thức rất rõ điều đó. Hãy khoan nói đến hội nhập, đưa sản phẩm vượt đại dương mà trước hết làm nông nghiệp phải “đàng hoàng”, phải tạo ra sản phẩm sạch đã”. Người ta thường nói “hữu xạ tự nhiên hương”. Quyết tâm tạo ra sản phẩm sạch ngay từ đầu là một chiến lược làm ăn cho thấy sự bền vững và đầy trách nhiệm xã hội mà chúng tôi nhận thấy khi trò chuyện với anh Thành. Trời không phụ người có tâm, những sản phẩm hữu cơ của trang trại anh Thành luôn được người tiêu dùng tin tưởng đón nhận. Anh khoe với chúng tôi, mùa bưởi tết năm nay, bưởi da xanh của anh đã được khách hàng đặt mua hết…


Bên vườn cam của anh Thảo

Hiếu Liêm xanh thẳm một màu! Nơi đây có rừng, có đồi núi và những thung lũng nằm đan xen quanh dòng Đồng Nai và sông Bé mênh mông uốn lượn. Địa hình Hiếu Liêm khá cao so với mặt nước biển. Nhiều du khách khi đến đây bỗng trầm trồ ngạc nhiên bởi khí hậu phảng phất nét se se dịu mát của Đà Lạt hay Gia Nghĩa - Đắk Nông. Thiên nhiên ưu đãi. Là một thế mạnh để Hiếu Liêm phát triển vươn xa trong tương lai, không chỉ giới hạn ở tầm nhìn cây ăn trái mà còn hứa hẹn kết hợp cả dịch vụ du lịch sinh thái, du lịch về nguồn chiến khu Đ…

Xa xa phía cuối sườn đồi, hiện ra trước mắt chúng tôi là một vườn cam trĩu quả đang độ chín vàng. Thấp thoáng dưới những hàng cây, anh chị em công nhân đang tất bật chăm sóc cho mùa cam Tết Mậu Tuất đang đến gần. Đất trời sang xuân, mùa vàng đang đến khiến lòng người vui rộn rã. Vườn ai xanh mướt thế? Chúng tôi thoáng chút bất ngờ khi biết chủ nhân cả trại cam ngút ngàn kia là của một chàng thanh niên, mấy năm trước cũng đã bỏ phố lên rừng. Anh tên là Nguyễn Trung Thảo quê ở miền Tây, tỉnh Hậu Giang. Tuổi trẻ giàu ước mơ và hoài bão. Sau những năm khăn gói lên học đại học ở trường Đại học Nông lâm, TP. Hồ Chí Minh, tốt nghiệp với tấm bằng loại khá, ai cũng tưởng chàng cử nhân nông lâm sẽ theo nghiệp nghiên cứu khoa học hoặc trở thành cán bộ nông nghiệp… Ở đời có những suy nghĩ khác thường đôi khi sẽ mang lại những thành quả phi thường. Nguyễn Trung Thảo có lẽ là một con người như thế. Tốt nghiệp đại học, thay vì nhanh chóng đi xin việc làm ở thành phố như bao người khác, anh lại khăn gói tìm về nông thôn, chọn đất Hiếu Liêm để khởi sự cuộc đời. Ở thời điểm mấy năm trước, quyết định của anh Thảo khiến mọi người ngỡ ngàng. Chúng tôi hỏi, lý do nào khiến anh đưa ra quyết định tuy chính xác nhưng rất táo bạo khi tuổi đời lúc đó còn trẻ. Anh Thảo tâm sự rằng: Anh sinh ra trong một gia đình có truyền thống gắn liền với nghề nông. Quê hương miền Tây của anh cũng nổi tiếng với những vườn cây trái. Bởi thế làm nông nghiệp đã ăn sâu vào trong tiềm thức của anh và không biết từ bao giờ ruộng vườn cây trái đã trở thành niềm yêu thích lớn dần trong anh. Ngày trước nghề nông quanh năm lam lũ nhưng nay đã khác rồi. Những triệu phú chân đất, lão nông @ xuất hiện ngày càng nhiều đã tạo niềm tin và thôi thúc anh thực hiện ước mơ làm giàu từ nghề nông.

Dẫn chúng tôi thăm trang trại rộng hơn 30 ha trồng cam sành, quýt, bưởi da xanh, anh Thảo say sưa tự hào kể về những thành quả của mình. Sau những tháng ngày nhọc nhằn lao động, vượt qua khó khăn ban đầu, đến nay trang trại cây ăn trái của anh Thảo đã trở thành mô hình làm ăn có hiệu quả nhất nhì ở Hiếu Liêm. Với lợi thế là người được đào tạo bài bản kiến thức nông nghiệp trên giảng đường đại học đã giúp anh chủ động trong việc ứng dụng khoa học kỹ thuật vào canh tác. Anh còn tính toán cho cây ra trái nghịch vụ nên sản phẩm ra thị trường rất được giá. Doanh thu vì thế hàng năm đạt khá cao. Hiện thị trường tiêu thụ trái cây của trang trại anh đã ra tận Hà Nội và các tỉnh phía Bắc. Bên cạnh việc làm ăn thành đạt, anh Thảo còn là người biết quan tâm, chia sẻ với mọi người bằng các hoạt động từ thiện. Công nhân lao động của anh được anh xây nhà cho ở miễn phí và trả lương khá ổn định.

Giờ đây quê hương Hiếu Liêm đã trở nên gắn bó với anh Nguyễn Trung Thảo, đã cho anh những cơ hội để biến ước mơ thành hiện thực, trở thành một người biết làm giàu trong lĩnh vực nông nghiệp, là tấm gương tuổi trẻ khởi nghiệp đầy năng động và sáng tạo.

Nhằm xây dựng thương hiệu và tạo đầu ra ổn định cho sản phẩm trái cây có múi, năm 2015, UBND huyện Bắc Tân Uyên đã xây dựng Dự án Xây dựng, quản lý và phát triển nhãn hiệu tập thể cam, bưởi Bắc Tân Uyên cho các loại trái cam, bưởi trên địa bàn huyện. Mới đây, Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) đã cấp giấy chứng nhận đăng ký Nhãn hiệu tập thể Cam Bắc Tân Uyên và Bưởi Bắc Tân Uyên. Đây là lợi thế để vùng đất Bắc Tân Uyên hội đủ các điều kiện phát triển chuyên canh vùng cây có múi cung cấp cho thị trường trong nước và hướng đến xuất khẩu.

 

KIẾN GIANG - TRÍ DŨNG

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=1575
Quay lên trên