Bộ trưởng Trần Hồng Hà chia sẻ cam kết của Việt Nam tại COP26

Cập nhật: 03-11-2021 | 14:43:06

Bộ trưởng Trần Hồng Hà trả lời phỏng vấn

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cho biết cam kết của Việt Nam tại Hội nghị Thượng đỉnh khí hậu trong khuôn khổ Hội nghị lần thứ 26 các Bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về Biến đổi khí hậu (COP26) được chủ tịch COP26 và các nước trên thế giới đánh giá rất cao về sự quyết tâm mạnh mẽ nhưng hết sức thực tiễn.

Để rõ hơn về cam kết trên, Bộ trưởng Trần Hồng Hà đã dành thời gian chia sẻ với báo chí về những nội dung quan trọng được nêu bật lần này tại COP26.

Việt Nam tuyên bố đạt mức phát thải ròng bằng “0”

- Là cơ quan tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ lần này, xin Bộ trưởng cho biết sự tham gia và cam kết của Việt Nam tại COP26?

Bộ trưởng Trần Hồng Hà: Việt Nam là một trong những quốc gia chịu nhiều tác động của biến đổi khí hậu đồng thời có tổng lượng phát thải khí nhà kính hàng năm lớn (hiện đứng thứ 21 trên thế giới và đứng thứ 2 trong ASEAN). Do đó, lãnh đạo Đảng và Nhà nước, đặc biệt là Thủ tướng Chính phủ hết sức quan tâm chỉ đạo việc tham gia của Việt Nam tại Hội nghị COP26 lần này.

Tại hội nghị, việc Thủ tướng Chính phủ đưa ra tuyên bố mạnh mẽ về đạt mức phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050 đã thể hiện quyết tâm và cam kết chính trị của Đảng, Nhà nước trong việc đẩy mạnh chuyển đổi kinh tế nhằm góp phần giải quyết khủng hoảng khí hậu.

Cam kết của Việt Nam được chủ tịch COP26 và các nước trên thế giới đánh giá rất cao về sự quyết tâm mạnh mẽ nhưng hết sức thực tiễn. Chúng ta đã nhấn mạnh đến trách nhiệm, đến đạo đức, đến nhận nhức của các tổ chức, tập thể, cá nhân về biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường.

Cụ thể, Thủ tướng đã đề nghị đưa ứng phó với biến đổi khí hậu ứng phó với biến đổi khí hậu, phục hồi tự nhiên phải trở thành ưu tiên cao nhất trong mọi quyết sách phát triển, là tiêu chuẩn đạo đức cao nhất của mọi cấp, mọi ngành, mọi doanh nghiệp và người dân.

Điều đó thể hiện tầm nhìn của người đứng đầu Chính phủ về phát triển kinh tế xã hội đất nước ta trong giai đoạn tới đây, định hướng các hoạt động đầu tư phát triển trong giai đoạn tới nhằm hiện thực hóa mục tiêu đưa Việt Nam trở thành nước phát triển có thu nhập cao vào năm 2045 như Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII đã đề ra.

Thủ tướng cũng đã sử dụng lời kêu gọi đoàn kết của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại đó là “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết; thành công, thành công, đại thành công” để khẳng định với thế giới rằng việc giải quyết vấn đề ứng phó với biến đổi khí hậu mà không một quốc gia, dân tộc nào có thể làm riêng lẻ được, tất cả phải đoàn kết lại và cùng thực hiện mục tiêu chung.

Bên cạnh đó, tại cuộc gặp với kiều bào ta tại Vương quốc Anh, ngay sau khi vừa đặt chân đến đây để tham dự COP26, Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh là mặc dù nền kinh tế của Việt Nam còn nhiều khó khăn, nhưng không vì thế mà chúng ta thiếu quyết tâm thực hiện cam kết quốc tế, bởi Việt Nam là một đất nước có trách nhiệm và chủ động tham gia các cam kết tiến bộ cùng cộng đồng quốc tế.

Tại các cuộc gặp của Thủ tướng Chính phủ, các tổ chức, tập đoàn, doanh nghiệp lớn trên thế giới tin tưởng vào sự phát triển của Việt Nam và đã có những ký kết quan trọng mở ra cơ hội cho chúng ta tiếp cận được với tri thức, công nghệ, tài chính xanh để thực hiện được chủ trương của chúng ta là tái cơ cấu lại nền kinh tế, phát triển theo hướng kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn.

Việt Nam cũng đã thể hiện sự ủng hộ và tham gia nhiều sáng kiến rất quan trọng. Điều đó cùng với những tuyên bố chính trị của Thủ tướng cho thấy vị thế, trách nhiệm của Việt Nam trong việc giải quyết những thách thức nghiêm trọng của toàn cầu đồng thời cũng chính là giúp Việt Nam vượt qua thách thức nghiêm trọng do biến đổi khí hậu.

Thủ tướng Phạm Minh Chính và các thành viên Đoàn đại biểu Việt Nam tại Hội nghị của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26). (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)

Sau hội nghị, Bộ Tài nguyên và Môi trường cùng với các bộ, ngành sẽ tiếp tục đề xuất các kế hoạch triển khai thực hiện và cụ thể hoá những tuyên bố của Thủ tướng Chính phủ cũng như các sáng kiến và Việt Nam tham gia, trên cơ sở triển khai thực hiện các chủ trương, chính sách quan của Đảng, Nhà nước về ứng phó với biến đổi khí hậu.

Thống nhất trách nhiệm ứng phó với biến đổi khí hậu

- Bộ trưởng có thể chia sẻ thêm trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 trên thế giới hiện đang căng thẳng và biến đổi khí hậu đang ngày càng diễn ra nghiêm trọng hiện nay, việc tổ chức COP26 năm 2021 có tầm quan trọng như thế nào?

Bộ trưởng Trần Hồng Hà: COP26 diễn ra trong bối cảnh hết sức đặc biệt. Thứ nhất, năm 2021 là thời điểm đánh dấu Thỏa thuận Paris chuyển sang giai đoạn triển khai thực hiện trên phạm vi toàn cầu. Để đến được Paris, 5 năm trước, các nước đã phải nỗ lực đàm phán, đạt được sự thống nhất trong trách nhiệm ứng phó với biến đổi khí hậu.

Trong 5 năm qua, nhiều nội dung Hướng dẫn thực hiện Thỏa thuận đã được thông qua, tuy nhiên, vẫn còn một số nội dung cần tiếp tục đàm phán kể từ sau (COP24) tại Katowice năm 2018 và COP25 tại Tây Ban Nha năm 2019.

Thứ hai, thực tế biến đổi khí hậu đã và đang diễn ra ngày càng nghiêm trọng như công bố tại Báo cáo lần thứ 6 của Ban Liên chính phủ về biến đổi khí hậu công bố tháng Tám vừa qua. Nếu không khẩn cấp xử lý thì nhân loại sẽ đẩy biến đổi khí hậu đạt đến điểm không thể đảo ngược được. Hậu quả khi đó sẽ là khôn lường.

Thứ ba, thế giới đang trải qua những ngày khó khăn nhất do đại dịch COVID-19.

Việc phục hồi kinh tế sau đại dịch là điều các quốc gia hết sức quan tâm. Hội nghị COP26 là dịp để các quốc gia thể hiện sự mạnh mẽ trước vấn đề đại dịch COVID-19 và là cơ hội để giúp thế giới phục hồi sau đại dịch theo hướng thân thiện tự nhiên, ứng phó với biến đổi khí hậu. Đây cũng là quan điểm của Việt Nam khi Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu tham luận và nhận được sự đánh giá cao của cộng đồng quốc tế.

- Vậy tại COP26 có điều gì khó khăn trong đàm phán kỹ thuật không thưa Bộ trưởng?

Bộ trưởng Trần Hồng Hà: Cũng có một số khó khăn trong đàm phán kỹ thuật như cam kết về đóng góp tài chính; trách nhiệm giảm phát thải trước năm 2020, cân bằng giữa thích ứng và giảm nhẹ trong phân bổ nguồn tài chính vẫn còn nhiều khác biệt về quan điểm; sự khác biệt về phương pháp tính toán giảm nhẹ phát thải dẫn đến khó khăn thực hiện trao đổi hạn ngạch…

Tuy vậy, tại hội nghị lần này, Chủ tịch COP26, Vương quốc Anh đã nỗ lực vận động các nước tăng cường mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính, đặc biệt là mục tiêu đạt phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050. Đến thời điểm hiện tại, có 142 quốc gia đã cam kết phát thải bằng “0”; trong đó có EU, Nhật Bản, Vương quốc Anh và nhiều quốc gia khác đã đưa các cam kết này trở thành Luật.

Nhiều sáng kiến về thích ứng, giảm nhẹ phát thải khí nhà kính cũng sẽ được chính thức công bố tại COP26 thu hút nhiều quốc gia tham gia, trong đó có nhiều sáng kiến quan trọng như Liên minh hành động về thích ứng với biến đổi khí hậu, Tuyên bố các nhà lãnh đạo về rừng và sử dụng đất.

Đến thời điểm này, với những tín hiệu tích cực từ Hội nghị thượng đỉnh các nhà lãnh đạo thế giới COP26, chúng ta có thể hy vọng và tin vào thành công của hội nghị, với đột phá trong vấn đề ứng phó với biến đổi khí hậu toàn cầu.

Xin cảm ơn Bộ trưởng!

Theo TTXVN

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên