Bộ Y tế đề xuất chưa coi COVID-19 là bệnh lưu hành tại Việt Nam

Cập nhật: 27-06-2022 | 14:56:37

Đẩy nhanh tiến độ tiêm vaccine phòng COVID-19 mũi 4 cho người dân.

Bộ Y tế vừa gửi dự thảo mới nhất về các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 trong tình hình mới, lấy ý kiến góp ý của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19; các bộ, ngành, tỉnh, thành và chuyên gia.

Tại dự thảo, Bộ Y tế đề xuất chưa coi bệnh COVID-19 là bệnh lưu hành tại Việt Nam và hiện nước ta vẫn đang trong giai đoạn chuyển tiếp giữa phòng chống đại dịch và quản lý bền vững.

WHO vẫn coi COVID-19 trong tình trạng đại dịch

Về nguyên nhân chưa thể coi bệnh COVID-19 là bệnh lưu hành tại Việt Nam, Bộ Y tế cho hay theo các tài liệu về dịch tễ học trong nước và trên thế giới, đặc biệt là của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và CDC Mỹ, bệnh "lưu hành" là sự xuất hiện một cách ổn định của bệnh dịch hoặc tác nhân gây bệnh trong một khu vực địa lý hoặc nhóm quần thể dân số nhất định; hoặc còn hướng đến một tỷ lệ mắc bệnh thường gặp của một bệnh dịch trong một khu vực hoặc quần thể dân số nhất định.

Tại dự thảo, theo Bộ Y tế, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) vẫn đang coi bệnh COVID-19 trong tình trạng đại dịch trên phạm vi toàn cầu và quan ngại tiếp tục có các biến thể không lường trước được của virus SARS- CoV-2. Nhiều nước trên thế giới vẫn có diễn biến dịch bệnh phức tạp, cần tiếp tục duy trì các hoạt động đáp ứng với đại dịch ở mức cao.

Hiện nay, virus SARS-CoV-2 liên tục biến đổi, khó xác định tính chất nguy hiểm của các biến thể và mức độ tăng nặng và tử vong. Hiện Omicron là biến thể phổ biến trên thế giới nhưng vẫn chưa phải là biến thể cuối cùng.

Có thể xuất hiện biến thể mới của virus SARS-CoV-2 có khả năng làm giảm hiệu quả vaccine hoặc miễn dịch, khiến ca nhiễm có triệu chứng nghiêm trọng hoặc tử vong tăng lên, đặc biệt ở các nhóm dễ bị tổn thương. Tình trạng sức khỏe suy giảm sau khi mắc COVID-19 (hậu COVID-19) đang làm người dân lo ngại nhưng chưa có nghiên cứu đầy đủ.

Tại Việt Nam, Bộ Y tế cho biết tuy tỷ lệ tử vong đã giảm nhiều so với giai đoạn trước (tỷ lệ chết/mắc giảm mạnh từ 1,03% trong tháng 1/2022 xuống còn 0,06% trong tháng 5/2022), nhưng vẫn ghi nhận trường hợp tử vong và vẫn có bệnh nặng đang được theo dõi, điều trị.

Vì vậy, Bộ Y tế vẫn đang áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 linh hoạt như phòng chống bệnh đặc biệt nguy hiểm, bệnh nguy hiểm và để kịp thời áp dụng khi phát sinh tình huống nguy hiểm hơn.

2 tình huống chống dịch COVID-19

Tại dự thảo, Bộ Y tế nêu rõ hiện nay trên cơ sở Kế hoạch đáp ứng và phòng chống nhằm kết thúc tình trạng khẩn cấp của đại dịch COVID-19 trong năm 2022 của WHO, Bộ Y tế đề xuất Phương án Bảo đảm công tác y tế ứng phó với các tình huống dịch COVID-19 năm 2022-2023, trong đó có 2 tình huống.

Tình huống 1: Chủng virus vẫn tiếp tục tiến hóa, tuy nhiên do cộng đồng đã có miễn dịch nên số trường hợp nặng và tử vong ở mức thấp, dịch không còn nghiêm trọng hoặc xuất hiện biến thể mới nhưng ít nghiêm trọng.

Đối với tình huống này, các biện pháp phòng chống dịch COVID-19 sẽ được giảm dần tương tự như đối với các bệnh truyền nhiễm nhóm B để tạo điều kiện cho người dân thích ứng an toàn, linh hoạt với trạng thái bình thường mới.

Tình huống 2: Xuất hiện biến thể mới nguy hiểm hơn có khả năng làm giảm hiệu quả vaccine hoặc miễn dịch, khiến ca nặng hoặc tử vong tăng lên, dịch có nguy cơ bùng phát mạnh, trên diện rộng, vượt quá năng lực của hệ thống y tế.

Đối với tình huống này, các biện pháp phòng chống dịch COVID-19 sẽ được củng cố và thực hiện nghiêm đối với bệnh truyền nhiễm nhóm A nhằm nhanh chóng kiểm soát dịch bệnh, hạn chế số mắc và tử vong, bao gồm các biện pháp đặc thù như: Giám sát phát hiện; kiểm soát ra vào vùng có dịch; cách ly/theo dõi sức khỏe; khám, điều trị người nhiễm SARS-CoV-2; phòng lây nhiễm tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; vệ sinh trong việc quàn, mai táng, di chuyển thi thể, hài cốt...

Do vậy, việc phòng chống dịch phải linh hoạt theo chuyển biến dịch bao gồm cả nhóm A và nhóm B nên các biện pháp đáp ứng chống dịch điều chỉnh chuyển dần từ bệnh truyền nhiễm nhóm A sang bệnh truyền nhiễm nhóm B để thích ứng linh hoạt việc kích hoạt trở lại các biện pháp phòng, chống dịch mạnh, quyết liệt khi virus SARS-CoV-2 biến đổi./.

Theo TTXVN

Chia sẻ bài viết
Tags
COVID-19

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên