Trong những năm qua, nhằm bảo tồn các di tích lịch sử, truyền thống cách mạng, tái hiện hình ảnh đấu tranh của quân dân trong những năm kháng chiến, Bình Dương đã phê duyệt nhiều dự án đầu tư xây dựng, trùng tu, tôn tạo các di tích lịch sử. Đến nay, tiến độ thực hiện các công trình đã cơ bản hoàn thành, nhiều công trình đã hoàn thành và đưa vào sử dụng góp phần tạo sức bật mới cho ngành du lịch Bình Dương.
Nhà tù Phú Lợi, công trình vừa trùng tu, tôn tạo thu hút đông du khách đến tham quan. Ảnh: P.LÊ
Hoàn thành nhiều công trình
Những năm qua, Bình Dương đã tập trung đầu tư xây dựng, trùng tu, tôn tạo các công trình di tích lịch sử. Nhiều công trình đã được hoàn thành và đưa vào sử dụng như công trình Nhà tù Phú Lợi (phường Phú Lợi, TP.Thủ Dầu Một); Khu du tích lịch sử rừng Kiến An (xã An Lập, huyện Dầu Tiếng) với tổng mức đầu tư hơn 52 tỷ đồng. Công trình này được thực hiện từ năm 2012, đến tháng 4-2015 đã hoàn thành và đưa vào sử dụng. Đối với Dự án trùng tu, tôn tạo di tích Bộ Chỉ huy tiền phương chiến dịch Hồ Chí Minh tại xã Minh Tân, huyện Dầu Tiếng, giai đoạn 1 có tổng vốn đầu tư gần 15 tỷ đồng gồm 18 hạng mục như: nhà sở chỉ huy, hầm nhà nghỉ anh nuôi, bếp Hoàng Cầm, chòi cảnh vệ… đã hoàn thành và đưa vào sử dụng.
Riêng với Dự án Khu trung tâm và hạ tầng kỹ thuật tổng thể Khu tưởng niệm Chiến khu Đ tại xã Đất Cuốc, huyện Bắc Tân Uyên có tổng mức đầu tư hơn 123 tỷ đồng được thực hiện từ năm 2011. Dự án gồm 9 khối công trình như nhà truyền thống diện tích 360m2; tượng đài trung tâm có chiều cao 30m, diện tích khu đế chân tượng 1.678m2 bằng đá granite… Đại diện Ban Quản lý đầu tư và xây dựng tỉnh cho biết, hiện nay dự án đã hoàn thiện công trình cổng chào chính, nhà đón tiếp khách - điều hành khu, nhà bia tưởng niệm, nhà truyền thống, vườn thơ Huỳnh Văn Nghệ, đường khu vực, bãi đỗ xe… Theo Quyết định số 1478/QĐ- UBND của UBND tỉnh, dự án sẽ hoàn thành trong năm 2015.
Bên cạnh đó, dự án Địa đạo Tam giác sắt (xã An Tây, TX.Bến Cát) các hạng mục cơ bản đã hoàn thiện, dự kiến vào cuối tháng 6-2015 sẽ hoàn thành. Ông Lê Phan Thuần, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết, hiện nay Bình Dương tập trung đẩy nhanh tiến độ thực hiện đầu tư xây dựng, trùng tu, tôn tạo các công trình di tích lịch sử để sớm hoàn thành theo kế hoạch đã đề ra.
Tạo điều kiện phát triển du lịch
Bình Dương hiện có 50 di tích được công nhận, trong đó có 12 di tích lịch sử cấp quốc gia và 38 di tích cấp tỉnh. Những địa điểm này không chỉ lưu giữ giá trị văn hóa, lịch sử của Bình Dương mà còn góp phần thu hút khách đến với di tích, tạo sức bật mới cho ngành du lịch Bình Dương trong thời kỳ mới.
Ông Lê Phan Thuần cho biết, xây dựng, trùng tu, tôn tạo Khu di tích lịch sử rừng Kiến An nhằm giới thiệu các chứng tích hoạt động cách mạng của ông cha ta và những người yêu nước, tái hiện lại hình ảnh đấu tranh của quân và dân trong tỉnh trong những năm kháng chiến; đồng thời bảo tồn hệ sinh thái hiện hữu làm nơi tham quan nhằm mục tiêu tôn vinh các di tích lịch sử và giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ con cháu. Bên cạnh đó, dự án còn nhằm tạo sức bật mới cho ngành du lịch tỉnh Bình Dương. Với việc đầu tư xây dựng, trùng tu, tôn tạo các di tích lịch sử của Bình Dương trong thời gian qua, hy vọng trong dịp lễ 30-4 sắp tới, Bình Dương sẽ thu hút được nhiều khách đến tham quan, tìm hiểu và nghiên cứu truyền thống cách mạng của ông cha ta.
Đối với Khu di tích Nhà tù Phú Lợi được xây dựng thành điểm tham quan giáo dục về truyền thống yêu nước, lịch sử đấu tranh giữ nước của quân và dân Việt Nam trong kháng chiến. Riêng trong năm 2014, khu di tích này đã đón hơn 50.000 lượt khách đến tham quan và tìm hiểu. Tại Khu di tích Địa đạo Tam giác sắt, trong thời gian qua, mặc dù đang được xây dựng nhưng cũng có nhiều đoàn viên, thanh niên, nhân dân đến tham quan mỗi ngày.
Bên cạnh việc giáo dục truyền thống cha anh, đầu tư xây dựng, trùng tu, tôn tạo các di tích lịch sử còn góp phần thu hút du khách, qua đó tạo điều kiện phát triển ngành du lịch và đóng góp vào sự phát triển kinh tế của địa phương.
PHƯƠNG LÊ