Cách ly tập trung: Cảm xúc người trong cuộc…

Cập nhật: 18-07-2021 | 13:39:29

(BDO) Những ngày giữa tháng 7, tôi và gần 200 người khác là F1 phải cách ly tập trung tại trường Tiểu học Phú Lợi 2 (phường Phú Lợi, TP.Thủ Dầu Một). Có ở đây mới thấy hết được sự phức tạp, nguy hiểm của dịch bệnh Covid-19. Dịch bệnh hoành hành đã lấy đi của mọi người nhiều thứ, nhưng đổi lại trong những lúc khó khăn nhất, tinh thần đoàn kết dân tộc, tình cảm giữa người với người được gắn kết hơn bao giờ hết.

Một ngày trong khu cách ly…

Trong khu cách ly tại trường tiểu học Phú Lợi 2 có khoảng 11 cán bộ, chiến sĩ, tình nguyện viên phụ trách quản lý, lo ăn uống hàng ngày cho khoảng 200 người cách ly. 

Bé trai gần 2 tuổi cùng chị đi dạo trong khu cách ly.

Hàng ngày, cứ đến gần 8 giờ, một tổ hai thành viên đi đến tất cả các phòng đo nhiệt độ cho từng người. Một tổ hai người khác đẩy xe phát cơm và nước uống đến cho từng khu cách ly. Để thực hiện đúng quy định giãn cách, mỗi phòng chỉ cử một người đại diện xuống lấy đưa lên phòng. Mỗi người được phát 4 chai nước (mỗi chai 500ml) để uống cho cả ngày. 

Các tình nguyện viên phát cơm trưa cho mọi người trong khu cách ly

Nhoáng một cái, giờ cơm trưa lại đến, hai tình nguyện viên tiếp tục đẩy xe mang cơm đến phát cho từng khu. Riêng buổi chiều, ngoài việc phát cơm, các bạn tình nguyện viên còn đưa thêm đồ của người thân tiếp tế vào cho những người cách ly.

Để người cách ly ăn không bị ngán, món ăn mỗi bữa, mỗi ngày đều được thay đổi liên tục. Ngoài ra, ban quản lý khu cách ly còn cung cấp thêm trái cây, sữa để đảm bảo chế độ dinh dưỡng hằng ngày. Riêng những phụ nữ mang thai và các em nhỏ sẽ có chế độ ăn riêng để đáp ứng chế độ dinh dưỡng và phù  hợp khẩu vị của các em nhỏ.

Nhân viên y tế lấy mẫu xét ngiệm Covid-19 cho mọi người trong khu cách ly.

Đều đặn mỗi ngày, các bạn tình nguyên viên còn đi phun khử khuẩn các dãy nhà của khu cách ly, nơi chứa rác thải và một số nơi khác tiềm ẩn nguy cơ lây bệnh. Đến một thời gian nhất định, khi các nhân viên y tế của Trung tâm y tế TP.Thủ Dầu Một đến lấy mẫu xét nghiệm, các bạn tình nguyện viên đã hỗ trợ đi gọi tên mọi người xuống lấy mẫu, sắp xếp bố trí mọi người giữ khoảng cách an toàn.

Chị Nguyễn Thị Hồng Loan lấy mẫu xét nghiệm lần 3, chị mong sẽ âm tính để được trở về nhà.

Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm cho bé trai gần 2 tuổi 

 

Lâu lâu, tiếng còi xe cứu thương lại hú lên. Đó là lúc báo hiệu đợt tiếp nhận những người mới đến cách ly. Khi xe đưa những người mới đến khu cách ly tập trung, các tình nguyện viên sẽ phun khử khuẩn toàn bộ người mới đến. Sau đó, hướng dẫn từng người đến vị trí các bàn cách xa nhau để ghi nhận thông tin. Tiếp đó, sẽ phân loại mức độ, nguy cơ lây bệnh của những người mới, rồi phát đồ dùng cá nhân đưa lên phòng bố trí chỗ ăn ngủ. 

Anh Nguyễn Tiến Khoa, sinh viên tình nguyện trường Cao đẳng Y tế Bình Dương cho biết: “Mỗi ngày sẽ đi đo nhiệt độ hai lần sáng và chiều. Từ đó, theo dõi sát diễn biến, các triệu chứng của những người cách ly tại đây. Người nào có triệu chứng, có nguy cơ rõ thì theo dõi diễn biến của họ để có biện pháp xử lý ngay”.

Lời cám ơn tận đáy lòng

Ở đây mọi người đều ý thức được sợi dây giữa F0 và F1 là rất mong manh, nên ai cũng chủ động giữ khoảng cách với nhau. Nhưng, cũng chính trong lúc khó khăn này, tình nghĩa giữa người với người dường như xích lại gần nhau hơn…

Phải đi cách ly tập trung là điều không ai mong muốn, hầu hết mọi người đều có cảm giác lo lắng, hoang mang. Mỗi người đều có một tâm trạng riêng, lo vì đang là F1 không biết có bị lây bệnh hay không, lo vì phải xa gia đình, xa người thân. Tất cả những suy nghĩ đó, khiến nhiều người bất an. Thế nhưng, khi đến đây trước sự cởi mở, ân cần hỏi thăm của những tình nguyện viên đã phần nào xóa đi cảm giác hoang mang, lo lắng ấy.

Anh Bùi Văn Thảo (phường Hiệp An, TP.Thủ Dầu Một) đã có cảm giác thoải mái hơn ngay khi vừa đến nơi cách ly. Được sự hướng dẫn ân cần từ những tình nguyện viên, anh lại cảm thấy yên tâm hơn phần nào. Anh mong rằng thời gian cách ly sẽ nhanh chóng qua đi, mọi người ai cũng có kết quả âm tính để cùng nhau trở về nhà. 

Anh Thảo kể: “Lúc nhân viên y tế thông báo phải đi cách ly, tôi não hết cả ruột gan. Thế nhưng, từ lúc vào đây đến giờ mọi thứ đều tốt cả. Các bạn dân quân, nhân viên y tế đều rất cởi mở hỗ trợ tốt nhất cho những người cách ly như chúng tôi.”

“Khu phố nhà tôi ở bị phong tỏa hơn 20 ngày, mới đi làm được một ngày thì “va” phải F0, nên tôi lại phải đi cách ly. Giờ vợ con ở nhà đều là F2 nên cũng không thể đi làm nên cuộc sống cũng khó khăn hơn. Tôi chỉ mong mình và mọi người đều âm tính, nhanh hết thời gian cách ly để được về nhà. Cùng với sự chung tay của tất cả mọi người, tôi cũng hi vọng dịch bệnh nhanh chóng được đẩy lùi để cuộc sống trở lại bình thường, để còn làm ăn nuôi gia đình, con cái”, anh Thảo tâm sự thêm.

Còn chị Nguyễn Thị Hồng Loan là công nhân công ty Wanek 2 (phường Hòa Phú, TP.Thủ Dầu Một) có chút đặc biệt hơn mọi người vì chị là một trong hai thai phụ có mặt trong khu cách ly này. Chị Loan hiện đang mang thai được hơn 8 tháng. Nghe tin mình phải đi cách ly, lòng chị rối bời hoang mang, lo lắng. “Đây là đứa con đầu tiên của tôi, lỡ mà sinh trong này, một thân một mình không ai hỗ trợ, lỡ có bề gì…”, đôi mắt chị ngấn lệ.

Thế nhưng trải qua 19 ngày cách ly, được sự chăm sóc chu đáo của những tình nguyện viện, dường như mọi lo lắng ban đầu của chị Loan đã tan biến. Giờ đây, chị đang mong chờ kết quả xét nghiệm lần cuối để được về với gia đình.

Khoảng cách xa, cái tình xích lại 

Ở trong khu cách ly này, sợi dây giữa F0 và F1 là rất mong manh, nên mọi người ý thức rất cao việc giữ khoảng cách với nhau. Mỗi phòng được bố trí 6 giường ngủ cách xa nhau để tránh lây nhiễm chéo. Mỗi người đều sử dụng riêng đồ dùng cá nhân, không ai chung đụng bất kỳ đồ dùng gì của nhau. 

Ở đây, mọi người đều đeo khẩu trang 24/24 giờ, ngay cả trong lúc ngủ. Trừ lúc ăn cơm, mọi người mở khẩu trang ra nhưng đều ngồi ăn ở xa nhau, ăn xong lại đeo vào ngay. “Đeo khẩu trang suốt cả ngày khiến hai vành tai của tôi đau nhức, nhiều lúc chỉ muốn bỏ khẩu trang để dễ thở hơn. Nhưng để đảm bảo an toàn cho chính mình và những người xung quanh, chúng tôi không thể làm vậy”, anh Nguyễn Xuân Thanh (phường Phú Tân, TP.Thủ Dầu Một) nói.

Vì nguồn lây và thời gian tiếp xúc với F0 của mỗi người là khác nhau, nên nguy cơ nhiễm bệnh của mỗi người cũng khác. Không ai biết ai sẽ trở thành F0 bất cứ lúc nào. Chính vì thế, mọi người hạn chế giao tiếp với nhau hơn. Chúng tôi có thể hỏi han nhau vài câu với khoảng cách  an toàn, rồi ai về phòng đấy.

Mặc dù, mọi người lo ngại lây nhiễm nên ít tiếp xúc với nhau, nhưng mọi người đều chia sẻ với nhau, động viên nhau vượt qua khó khăn, vượt qua dịch bệnh. Chính trong giai đoạn khó khăn này, tình cảm giữa người với người dường như xích lại gần nhau thêm. 

Anh Ngô Văn Vinh (Phường Phú Hòa, TP.Thủ Dầu Một) được người thân gửi vào bánh và trái cây, anh phun khử khuẩn phía bên ngoài rồi chia lại cho mọi người trong phòng, mỗi người một ít để cùng nhau ăn cho vui, cho đủ chất dinh dưỡng. 

“Một số bạn ở đây là công nhân, không có người thân nên không có ai gửi thêm đồ ăn và một số vật dụng cần thiết. Tôi bảo người nhà gửi thêm để chia cho mọi người cùng dùng. Mấy bạn không có người thân hỗ trợ trong lúc khó khăn này, chắc họ cũng tủi thân lắm. Chia sẻ, động viên nhau cùng vượt qua lúc khó khăn này để cùng trở về với gia đình”, anh Vinh chia sẻ. Không chỉ có anh Vinh, mà tất cả mọi người dù có hơi lo lắng nhưng mỗi người đều tự động viên chính mình, động viên những người xung quanh lạc quan rồi sẽ chiến thắng Covid-19.

Trong một buổi chiều muộn, cơn mưa nặng hạt khiến bầu không khí trong khu cách trở nên nặng nề hơn bao giờ hết. Ngoài cổng khu cách ly, tiếng còi xe cấp cứu cứ réo rắt liên tục đưa người mới đến cách ly. Tôi và mọi người biết rằng dịch bệnh vẫn còn đang diễn biến phúc tạp. Cuộc chiến chống Covid-19 vẫn còn gian nan và vất vả. Để chiến thắng đại dịch Covid-19, thì chính trong lúc này, mọi người phải cùng giữ vững niềm tin. Cả hệ thống chính trị đang ngày đêm dốc toàn lực để bảo vệ sức khỏe và ổn định đời sống cho nhân dân. Mỗi người hãy ý thức hơn, chủ động hơn trong việc phòng, chống dịch bệnh, tin rằng chỉ trong thời gian ngắn nữa thôi, dịch bệnh sẽ được đẩy lùi.

“Thật sự thì lúc đầu khi nghe tin đi cách ly tôi rất là lo. Không biết vào trong đó cuộc sống sẽ ra sao, ăn uống có đảm bảo sức khỏe cho cả mẹ và con hay không. Nhưng đến giờ này mọi thứ diễn ra đều tốt đẹp. Các bạn tình nguyện viên ở đây rất nhiệt tình, chăm sóc chu đáo lắm. Mỗi ngày các bạn đều hỏi thăm xem tôi có cần gì không, sức khỏe có ổn không (?) Khi tôi cần gì thì các bạn ấy hỗ trợ ngay. Các bạn ấy rất cởi mở xua đi không khí nặng nề, tạo cho tôi và mọi người cảm giác được thoải mái hơn, yên tâm hơn. Nói chung là các bạn ấy siêu dễ thương”, chị Loan vui vẻ chia sẻ.

GIA PHÚC

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=1218
Quay lên trên