Cần phối hợp chặt chẽ trong phòng chống cúm A

Cập nhật: 25-02-2014 | 00:00:00

Tình hình dịch cúm gia cầm đã lên mức báo động nguy hiểm, đe dọa trực tiếp an toàn cộng đồng. Trước tình hình đó, ngày 23-2 vừa qua, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã chủ trì hội nghị trực tuyến với Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn (NN-PTNT) và các địa phương về tăng cường công tác phòng chống dịch cúm ở người và phòng chống dịch sởi.  

Tiêm phòng là cách tốt nhất để ngừa cúm cho đàn gia cầm

Nguy cơ cúm A/H7N9 vào Việt Nam rất lớn

Tổ chức Nông lương của Liên hiệp quốc (FAO) nhận định Việt Nam, Lào, Myanmar là những nước có nguy cơ cao lây nhiễm cúm A/H7N9 từ Trung Quốc. Theo nhận định của Bộ Y tế, mặc dù Việt Nam chưa có trường hợp mắc cúm A/H7N9 trên gia cầm cũng như trên người, nhưng nguy cơ virus cúm A/H7N9 vào Việt Nam là rất lớn trong điều kiện người dân giao lưu thương mại, du lịch; tình hình nhập lậu gia cầm diễn biến phức tạp, khó kiểm soát.

Ông Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng Bộ Y tế, cho biết kết quả xét nghiệm hơn 5.650 mẫu bệnh phẩm tại các điểm giám sát cúm trọng điểm trên cả nước cho thấy, chủ yếu là chủng virus cúm A/H3N2 (39%). Tiếp đến là chủng virus cúm A/H1N1 (28%) và chủng virus cúm B (33%). Kết quả xét nghiệm cũng cho thấy, chưa ghi nhận trường hợp nào nhiễm cúm A/H7N9 và chưa phát hiện thấy hiện tượng biến đổi gien của virus cúm. Ngoài ra, các chủng virus khác như cúm A/H10N8, cúm A/H6N1 và cúm A/H9N2 cũng chưa phát hiện tại Việt Nam.

Trong 2 tháng đầu năm nay, Bộ Y tế đã thành lập 9 đoàn công tác giám sát, chỉ đạo công tác sẵn sàng ứng phó dịch cúm A/ H7N9, cúm A/H5N1 tập trung tại các tỉnh khu vực biên giới phía Bắc, các tỉnh, thành đang có dịch cúm trên gia cầm. Đồng thời, đôn đốc các địa phương thực hiện triển khai phòng ngừa, ngăn chặn, vận chuyển và kinh doanh gia cầm, sản phẩm gia cầm nhập khẩu trái phép.

Ngành y tế cũng tăng cường giám sát tại cửa khẩu 24/24 giờ thông qua kiểm tra khách nhập cảnh bằng máy đo nhiệt độ từ xa nhằm phát hiện những trường hợp mắc cúm A/H7N9. Hiện, trung bình mỗi tháng có khoảng 130.000 lượt hành khách nhập cảnh từ Trung Quốc và cho đến thời điểm hiện nay vẫn chưa ghi nhận trường hợp nào mắc cúm A/H7N9 ở người. Bên cạnh đó, ngành cũng kiện toàn các đội chống dịch cơ động, đội cấp cứu lưu động; phối hợp với Bộ NN-PTNT giám sát chặt tình hình dịch cúm trên gia cầm; đẩy mạnh công tác truyền thông phòng chống dịch…

Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, việc khống chế dịch cúm trên gia cầm có ý nghĩa quyết định đối với phòng chống dịch cúm trên người. Vì vậy, các địa phương cần phải chủ động, tích cực chỉ đạo Sở Y tế, Sở NN-PTNT, các sở ngành liên quan tổ chức tốt việc giám sát, phát hiện sớm, tổ chức thu dung, quản lý, điều trị, xử lý kịp thời, triệt để các ổ dịch cúm trên người và trên gia cầm; tăng cường giám sát dịch bệnh cúm A/H7N9 tại các cửa khẩu và tại cộng đồng, tập trung giám sát các trường hợp viêm phổi nặng nghi do virus; rà soát năng lực đáp ứng cũng như khả năng dự phòng về thuốc, trang thiết bị phục vụ điều trị; tuyên truyền để người dân chủ động phòng chống dịch, không hoang mang làm ảnh hưởng để việc cung ứng và tiêu thụ gia cầm, các sản phẩm gia cầm…

Tuyên truyền phòng chống dịch cần dễ nhớ, dễ hiểu

Tại hội nghị trực tuyến, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng công tác phòng chống dịch cúm A/H7N9 cần được cả hệ thống chính trị vào cuộc, tiến hành kịp thời, đồng bộ làm sao để chủng virus mới khi xâm nhập vào sẽ không gây nhiều tác hại như trước đây cúm A/H5N1 mới xuất hiện.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cũng nhấn mạnh đến vai trò, ý thức trách nhiệm của các địa phương nếu làm tốt thì không riêng gì dịch cúm ở người, mà còn nhiều dịch khác sẽ được xử lý tốt hơn. Phó Thủ tướng cho rằng yếu tố quan trọng nhất trong phòng chống dịch cúm là sự phối hợp chặt chẽ giữa ngành y tế, NN-PTNT, Công Thương, chính quyền địa phương và các đoàn thể xã hội. Các địa phương khẩn trương ban hành đầy đủ các kế hoạch hành động, triển khai nhiệm vụ tới từng đơn vị, cá nhân một cách chi tiết, trong đó thực hiện ngay kiểm soát chặt việc vận chuyển, buôn bán gia cầm qua biên giới. Các lực lượng công an, bộ đội biên phòng, các lực lượng kiểm soát thị trường bố trí lực lượng phù hợp ở các chốt chặn để bảo đảm kiểm soát được các cửa giao thương, kiểm tra thường xuyên các chợ, tiêu độc khử trùng ngay sau các phiên chợ, phân tách để quản lý được các địa điểm bán gia cầm sống. Cả nước phát động và tổ chức triển khai tháng vệ sinh, tiêu độc khử trùng khẩn cấp để phòng, chống dịch cúm gia cầm trong toàn quốc từ 22-2 đến 21-3 tới.

Ngoài ra, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cũng đề nghị các cơ quan chức năng phải chủ động cung cấp thông tin, hướng dẫn cụ thể, đầy đủ, kịp thời, dễ hiểu để các cơ quan báo chí tuyên truyền đúng, chính xác ngay từ đầu về tình hình dịch bệnh, giúp cho tâm lý người dân tốt hơn, giúp công tác phòng chống dịch bệnh chủ động, hiệu quả hơn.

Thời gian qua, ở Trung Quốc, Philippines, Nhật Bản, Lào... có nhiều trường hợp mắc bệnh sởi. Đặc biệt tại Trung Quốc dịch sởi đã xuất hiện và lây lan trên diện rộng tại một số tỉnh giáp với Việt Nam, ảnh hưởng đến tình hình dịch bệnh trong nước. Chỉ tính riêng từ đầu năm đến nay, cả nước đã có 18 tỉnh, thành có ca mắc; trong đó cao nhất là Yên Bái, Lào Cai, Sơn La, TP.Hồ Chí Minh, Hà Nội... Bộ Y tế đã triển khai tiêm chủng vắc-xin sởi cho trẻ em từ 9 tháng tuổi đến 2 tuổi đạt trên 95%; và theo kế hoạch từ nay đến tháng 4-2014 sẽ triển khai tiêm vắc-xin sởi cho tất cả các trẻ em còn lại trên phạm vi cả nước.

NGỌC THANH

 T.S (tổng hợp)

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=368
Quay lên trên