Những ngày gần đây, việc dạy và học cho hơn 400 học viên tại trường Trung cấp Công nghiệp Bình Dương cơ sở 2 (tọa lạc tại phường Khánh Bình, TX.Tân Uyên) đã dần đi vào ổn định, tâm lý của sinh viên lẫn giáo viên tại trường không còn hoang mang như trước. Tuy nhiên, về lâu dài không biết “số phận” của những học viên này sẽ ra sao khi còn nhiều vấn đề cần làm rõ.
Trao đổi với P.V Báo Bình Dương, đại diện nhà trường rất mong các cấp lãnh đạo trong tỉnh xem xét, giải quyết những vướng mắc mà trường đang gặp phải.
Sinh viên đã trở lại trường
Trao đổi với P.V, thầy Trần Duy Hoàng, cán bộ Phòng đào tạo trường Trung cấp Công nghiệp Bình Dương cơ sở 2, cho biết hơn nửa tháng qua, tất cả giáo viên cùng Ban giám hiệu nhà trường không ngừng nỗ lực để đưa học viên trở lại trường, ổn định học tập. Trong đó, hơn 200 học viên đào tạo khóa ban đêm cũng đã được trường tổ chức giảng dạy ổn định.
“Cách đây khoảng 3 năm, trường chúng tôi chỉ có khoảng 40 học viên theo học. Hiện trường đã đào tạo được nhiều ngành như điện công nghiệp, điện dân dụng, tin học, kế toán, sư phạm mầm non… Để có được nhiều học viên theo học tại trường, các giáo viên không ngại cực khổ đi đến từng tỉnh để chiêu sinh. Hợp tác với nhiều công ty trên địa bàn để học viên thực tập, cũng như giúp các em có được việc làm ổn định sau ngày ra trường…
Sinh viên khóa học đầu tiên tại trường Trung cấp Công nghiệp Bình Dương cơ sở 2 trong ngày tốt nghiệp
Vào ngày 11-8-2016, trường bất ngờ biết được việc UBND tỉnh vừa có văn bản đề nghị Sở Giáo dục và Đào tạo chấp thuận giải thể và ngừng hoạt động cơ sở 2 trường Trung cấp Công nghiệp Bình Dương. Sau đó, văn bản này được những người lạ mặt phát tán cho nhiều sinh viên trong trường. Việc này đã khiến sinh viên hoang mang”, thầy Hoàng cho biết.
Những người đến trường Trung cấp Công nghiệp Bình Dương cơ sở 2 phát tán văn bản của cơ quan chức năng, kích động sinh viên nghỉ học, cũng như đòi tháo bảng hiệu của trường là ai? Thầy Trần Duy Hoàng cùng nhiều thầy cô giáo trong trường cho biết, đây là những người do cơ sở 1 trường Trung cấp Công nghiệp Bình Dương cử đến (!?).
Tìm hiểu nguyên nhân dẫn đến mâu thuẫn giữa 2 cơ sở của một ngôi trường, thầy Hoàng trình bày: “Việc này chúng tôi đã làm báo cáo gửi UBND tỉnh cùng các cấp lãnh đạo để giải trình. Cụ thể, khoảng giữa năm 2014, tiến sĩ Đào Trung Việt, Chủ tịch Hội đồng quản trị cơ sở 1 trường Trung cấp Công nghiệp Bình Dương đã đại diện nhóm cổ đông mới mua lại cơ sở 2 của trường với giá 4 tỷ đồng. Trong đó, ông Việt nắm giữ 50% vốn, cũng là người đại diện đứng pháp nhân. Từ khi mua cho đến nay, cơ sở 2 của trường hoạt động ổn định và ngày càng phát triển, đã thành lập được chi đoàn và chuẩn bị thành lập chi bộ Đảng. Thời gian đầu, 2 cơ sở phối hợp giảng dạy rất tốt từ chuyên môn đến phong trào. Khi cơ sở 2 ngày càng lớn mạnh, Ban giám hiệu cơ sở 1 đòi chia 30% doanh thu, việc này không được các cổ đông cơ sở 2 đồng ý, vậy là mâu thuẫn ngày càng lớn. Hai nhóm cổ đông của 2 cơ sở đã nhiều lần ngồi lại, tìm cách giải quyết như tái tổ chức thành một Hội đồng quản trị, Ban giám hiệu chung, nhưng sau đó không thống nhất được về định giá. Cơ sở 1 đã sử dụng lợi thế là đơn vị có giấy phép thành lập trường nên đòi hỏi quá nhiều. Khi không thể thống nhất, cở sở 1 đã làm đơn gửi UBND tỉnh cùng các cấp lãnh đạo xin giải tán cơ sở 2, việc này khiến chúng tôi quá bức xúc”.
Cần quan tâm đến quyền lợi học viên
P.V cũng đã làm việc với Ban giám hiệu trường Trung cấp Công nghiệp Bình Dương để lắng nghe sự việc. Tiến sĩ Vũ Minh Hùng, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Năm 2004 tôi bị bệnh khá nặng nên cổ phần hóa trường Trung cấp Công nghiệp Bình Dương. Lúc đó, tiến sĩ Đào Trung Việt mua lại 50% cổ phần ở cơ sở 1 và giữ chức Chủ tịch Hội đồng quản trị cho đến nay. Tuy nhiên, ông Việt không tham gia vào việc quản lý ở trường. Sau đó, tôi bán cơ sở 2 cho ông Việt với giá 4 tỷ đồng. Tuy nhiên, đây chỉ là việc mua bán bất động sản và cơ sở vật chất trên đất. Khi mua lại cơ sở 2, ông Việt tiếp tục bán lại cổ phần cho một nhóm cổ đông mới”.
Khi được hỏi về việc liên kết đào tạo giữa 2 cơ sở, cũng như phía trường có đưa người đến cơ sở 2 kích động, lôi kéo học viên? Tiến sĩ Vũ Minh Hùng cho biết: “Giáo viên của trường chúng tôi không tham gia vào việc phát tán văn bản, kích động hay lôi kéo sinh viên về trường để dạy. Lúc bán cơ sở 2, trường vẫn đưa giáo viên sang đó giảng dạy. Nhưng về sau này, cơ sở 2 tự xin con dấu riêng và có ý định tách ra hoạt động như một ngôi trường riêng biệt. Họ tự ý chiêu sinh, cấp bằng cho hàng chục học viên. Tiến sĩ Đào Trung Việt là người ký vào phôi bằng để cấp cho học viên. Chúng tôi nhận thấy cơ sở 2 làm nhiều việc sai trái, trong khi trường chúng tôi phải chịu trách nhiệm pháp lý, nên mới kiến nghị các cấp ra quyết định ngừng hoạt động tại cơ sở này”.
Trong khi đó, tiến sĩ Đào Trung Việt lý giải việc mình ký để cấp bằng cho học viên là vì sau nhiều lần thuyết phục, tiến sĩ Vũ Minh Hùng vẫn không chịu ký cấp bằng cho học viên ở cơ sở 2 sau ngày tốt nghiệp. “Tôi là Chủ tịch Hội đồng quản trị cả hai cơ sở, bên nào cũng chiếm 50% vốn nên lợi nhuận bên nào cũng như nhau. Từ vài chục học viên ban đầu, nhóm cổ đông ở cơ sở 2 đã có nhiều cách làm hay để đưa cơ sở ngày càng phát triển. Không ít thầy cô giáo chịu cực, lặn lội đến từng tỉnh vùng xa để chiêu sinh. Những ngày còn khó khăn, họ làm việc mà không nghĩ đến tiền lương. Vì tiến sĩ Vũ Minh Hùng không chịu ký cấp bằng, nên cơ sở 2 mới tổ chức đại hội cổ đông bầu tôi giữ chức hiệu phó của trường để ký cấp bằng cho các em. Sau khi ký cấp bằng cho các sinh viên, tôi đang viết giải trình để gửi các cấp lãnh đạo trong tỉnh về việc làm này thì xảy ra chuyện thưa kiện giữa 2 cơ sở”.
“Tôi không vì lợi nhuận của bên nào, nhưng không thể làm ngơ trước bao công sức, mồ hôi mà nhóm cổ đông ở cơ sở 2 của trường đã gầy dựng bao nhiêu năm. Bản thân tôi cũng rất mong các cấp tạo điều kiện để cơ sở 2 tách ra hoạt động độc lập để tiếp tục giảng dạy, đào tạo nghề cho các học viên đang theo tại trường. Hiện chúng tôi đã viết giải trình tất cả mọi việc gửi UBND tỉnh xem xét, giải quyết”, ông Đào Trung Việt cho biết.
Thiết nghĩ, cho dù bản chất của sự việc như thế nào đi chăng nữa thì quyền lợi của những học viên đang theo học tại trường Trung cấp Công nghiệp Bình Dương cơ sở 2 cần phải được đặt lên hàng đầu.
“Cách đây khoảng 3 năm trường chúng tôi chỉ có khoảng 40 học viên theo học. Hiện trường đã đào tạo được nhiều ngành như điện công nghiệp, điện dân dụng, tin học, kế toán, sư phạm mầm non… Để có được nhiều học viên theo học tại trường, các giáo viên không ngại cực khổ đi đến từng tỉnh để chiêu sinh. Hợp tác với nhiều công ty trên địa bàn để học viên thực tập, cũng như giúp các em có được việc làm ổn định sau ngày ra trường…”.
Ông Trần Duy Hoàng, cán bộ Phòng đào tạo trường Trung cấp Công nghiệp Bình Dương cơ sở 2
“Chúng tôi nhận thấy cơ sở 2 làm nhiều việc sai trái, trong khi trường chúng tôi phải chịu trách nhiệm pháp lý, nên mới kiến nghị các cấp ra quyết định ngừng hoạt động tại cơ sở này”.
Tiến sĩ Vũ Minh Hùng, Hiệu trưởng trường Trung cấp Công nghiệp Bình Dương
Q.TÁM