Trước thông tin dịch đau mắt đỏ đang tăng nhanh tại nhiều tỉnh, thành phía Bắc, nhiều người tỏ ra rất lo lắng. Tại Bình Dương, theo ghi nhận của chúng tôi là chưa có dấu hiệu của dịch đau mắt đỏ. Tuy nhiên, theo khuyến cáo của bác sĩ, mọi người nên đề phòng, giữ vệ sinh để không mắc bệnh.
Bác sĩ Lê Thành Lâm đang khám bệnh cho bệnh nhân đau mắt đỏ Ảnh: Q.NHƯ
Tại khoa Mắt Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) tỉnh, số lượng người tới khám bệnh vẫn không tăng nhiều so với thường ngày. Bác sĩ Lê Thành Lâm, Phó khoa Mắt BVĐK tỉnh, cho biết: “Hàng ngày, khoa tiếp nhận hàng trăm bệnh nhân đến khám mắt nhưng là nhiều bệnh khác nhau. Riêng đau mắt đỏ chỉ có từ 10 - 15 ca/ngày. Đây là con số bình thường. Năm ngoái có đợt bệnh đau mắt đỏ bùng phát, tuy chưa thành dịch nhưng khoảng vài chục ca mỗi ngày”. Giải thích thêm về bệnh đau mắt đỏ bùng phát thành dịch, bác sĩ Lê Thành Lâm cho rằng đây là bệnh rất dễ lây lan. Trong khi đó, người miền Bắc hay có thói quen rửa mặt trong chậu nước. Và chậu nước lại được dùng chung cho nhiều người. Nhiều người ở phía Nam lại hay dùng chung khăn tắm, khăn lau mặt nên nếu trong nhà có một người bị đau mắt đỏ sẽ nhanh chóng lây lan cho những người còn lại nếu vệ sinh cá nhân không đúng cách. Bệnh đau mắt đỏ sẽ lây lan ra cộng đồng nếu ý thức giữ gìn, phòng bệnh kém.
Bệnh đau mắt đỏ còn được gọi là viêm kết mạc cấp. Triệu chứng ban đầu là bệnh nhân thường có cảm giác cộm, nóng rát trong mắt. Có cảm giác như có hạt cát trong mắt kèm theo khó mở mắt, sợ ánh sáng, chảy nước mắt ở nhiều mức độ khác nhau. Bệnh thường bị ở một mắt sau đó lây sang con mắt còn lại trong 1 - 2 ngày. Khi bị đau mắt đỏ, mi mắt bị sưng nề, kết mạc cương tụ đỏ, có thể thấy xuất huyết dưới kết mạc. Mắt thường có ghèn màu vàng hoặc xanh gây kết dính 2 mi mắt khi ngủ dậy. Bệnh có thể gây thành dịch trong khu dân cư hay cộng đồng, công sở nếu không được đề phòng, chữa trị đúng cách. |
Nguyên nhân gây nên bệnh đau mắt đỏ là do vi rút và vi trùng. Đây cũng là hai dạng dễ lây. Môi trường không khí bụi bặm, nóng, kém vệ sinh cũng dễ gây nên bệnh này. Bác sĩ Lê Thành Lâm cho biết thêm, một điều rất phổ biến là người đau mắt đỏ thường tự đến hiệu thuốc tây mua thuốc để nhỏ mắt làm cho bệnh trở nên khó điều trị hơn. Không nên tự ý mua thuốc mà phải đến bác sĩ chuyên khoa để khám, chẩn đoán đúng bệnh bởi đau mắt có nhiều nguyên nhân. Bác sĩ chuyên khoa mắt cũng khuyến cáo bệnh nhân không nên dùng thuốc Corticoid bởi rất dễ bị viêm, loét giác mạc khiến bệnh nặng thêm.
Để phòng bệnh, cần giữ vệ sinh cho mắt như không để bụi vào mắt khi đi đường. Tuyệt đối không dùng tay dơ, khăn dơ để dụi, lau mắt. Người đang bị đau mắt đỏ nhớ chú ý không lây lan bệnh cho người thân hay cộng đồng. Trẻ em đang tuổi đi học (nhất là các nhóm lớp nhà trẻ, mẫu giáo) không nên đến lớp khi đau mắt đỏ mà cần ở nhà cho đến khi hết bệnh. Tránh đến hồ bơi công cộng nếu có dịch đỏ mắt bởi rất dễ lây khi tắm chung với người đang bị bệnh này.
Cách phòng ngừa bệnh đau mắt đỏ có thể rửa mắt bằng Natri clorid 0,9%, nhỏ thuốc Cloramphenicol 0,4% 4 lần/ ngày. Trường hợp khó chịu nhiều, cộm mắt có thể tra dung dịch kháng sinh như: Tobradex 1%, Maxitrol 1% từ 4 - 6 lần/ngày. Cần rửa mắt ngay sau khi đi bơi ở hồ bơi công cộng, đi đường có gió bụi hay đi đến nơi đông người như ở trường học, công sở. Dinh dưỡng cũng là yếu tố cần thiết trong việc phòng ngừa bệnh đau mắt đỏ. Cần ăn uống đầy đủ dưỡng chất, làm việc, nghỉ ngơi hợp lý. Ăn thêm nhiều trái cây (cam, chanh…) giàu vitamin C để tăng sức đề kháng cho cơ thể.
QUỲNH NHƯ