Sau tết, nhiều người rơi vào cảnh thiếu thốn nhưng chưa thể vay được tiền trả nợ. Biết được điều này, các tổ chức và cá nhân hoạt động “tín dụng đen” bắt đầu tung ra các chiêu trò cho vay với những lời mời hấp dẫn khiến nhiều người bị “sập bẫy”.
Khách hàng mà các đối tượng hoạt động “tín dụng đen” hướng đến là những người kinh doanh, buôn bán nhỏ, lao động phổ thông, học sinh, sinh viên, các đối tượng thanh thiếu niên không có nhiều tiền nhưng thích ăn chơi đua đòi, những người rơi vào hoàn cảnh khó khăn đột xuất... để cho vay nặng lãi.
Phần lớn khách hàng là những người đang cần tiền gấp nhưng không có gì trong tay để thế chấp ngoài giấy tờ cá nhân. Chính vì vậy, để dễ dàng tiếp cận “khách hàng”, đối tượng cho vay thường in các tờ rơi với những nội dung hấp dẫn, như: “Alo là có tiền”, “Chỉ cần CMND là có tiền ngay trong ngày” hoặc “Cho vay không cần thế chấp, thủ tục đơn giản, nhận tiền ngay”… kèm theo số điện thoại liên lạc để người tiêu dùng có thể gọi để được vay tiền. Đặc biệt, “lãi suất” và “thời gian thanh toán” mà bọn chúng đưa ra cực kỳ hấp dẫn khiến nhiều người dễ bị sập bẫy. Sau đó, chúng sẽ cho người đi dán, phát tờ rơi ở các khu dân cư đông đúc, tại các chợ, ngã tư, trụ điện…
Để đề phòng rủi ro “sập bẫy” hoạt động “tín dụng đen”, việc cho vay của các đối tượng này không chỉ là cho vay tiền mặt mà còn có thể được ngụy trang dưới nhiều hình thức, như: Thế chấp nhà, trả góp mua xe máy, mua hàng trả góp có giá trị lớn sau đó về bán lại cho chúng… Đặc biệt để đối phó với các cơ quan pháp luật, những thủ đoạn thường rất tinh vi, lách luật nên chúng sẽ yêu cầu người vay ghi giấy nợ, giấy thế chấp tài sản… với lãi suất thấp, đúng với quy định của Nhà nước. Nhưng trên thực tế, sau khi nhận tiền thì người vay phải trả lãi suất rất cao. Nếu con nợ không trả đúng kỳ hẹn, sẽ bị gây sức ép bằng mọi cách và rơi vào tình trạng hoang mang.
Mặc dù hàng năm cơ quan chức năng cũng như chính quyền địa phương đều thực hiện nhiều hoạt động tuyên truyền để người dân phòng tránh nhưng vẫn còn nhiều trường hợp sập bẫy “tín dụng đen” với những hậu quả khôn lường. Thiếu tá Hà Văn Long, Đội trưởng Đội Tham mưu - Tổng hợp Công an TP.Thủ Dầu Một, cho biết: “Trong thời gian trước, trong và sau Tết Nguyên đán, bằng các biện pháp nghiệp vụ, Công an TP.Thủ Dầu Một phối hợp với các đoàn thể tổ chức ra quân bóc gỡ, xóa bỏ tờ rơi, biển quảng cáo về cho vay tài chính trái phép”.
Tại các địa phương, lực lượng công an cũng đã phối hợp với các ban ngành, đoàn thể tổ chức các buổi tuyên truyền lưu động tại khu dân cư, nơi tập trung nhiều công nhân sinh sống và làm việc về hình thức vay núp bóng “tín dụng đen” để người dân biết và cảnh giác. Bên cạnh đó, cơ quan công an tiếp tục tăng cường công tác nắm tình hình, rà soát, quản lý chặt chẽ các cơ sở kinh doanh dịch vụ cầm đồ, hỗ trợ tài chính, kịp thời có biện pháp phòng ngừa, đấu tranh triệt phá các đối tượng, ổ nhóm có hoạt động “tín dụng đen”, góp phần giữ gìn an ninh trật tự trên địa bàn.
Để hạn chế hoạt động “tín dụng đen” không chỉ cơ quan pháp luật mà cần có sự hỗ trợ tích cực của người dân. Khi phát hiện trên địa bàn có những đối tượng hành nghề cho vay nặng lãi, người dân cần chủ động báo cho cơ quan công an địa phương để có biện pháp kịp thời xử lý, ngăn chặn.
HỒNG PHƯƠNG