Từ ngày 25-5, Chỉ thị 21/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường phòng ngừa, xử lý hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản có hiệu lực. Đây là động thái thể hiện sự quyết liệt của người đứng đầu Chính phủ trong việc chỉ đạo, huy động tất cả các ban ngành cùng vào cuộc xử lý mạnh mẽ hơn nữa tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Theo chỉ thị, thời gian qua, tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản xảy ra tại nhiều địa phương, gây bức xúc trong dư luận xã hội, ảnh hưởng đến an ninh trật tự, hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và đời sống nhân dân. Các hình thức lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội như tài chính, ngân hàng, bất động sản, dự án đầu tư, môi giới việc làm, đưa người đi lao động, học tập tại nước ngoài, kinh doanh đa cấp, thương mại điện tử... đặc biệt là lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng diễn biến phức tạp và có chiều hướng gia tăng.
Các đối tượng sử dụng nhiều thủ đoạn tinh vi như giả danh cơ quan thực thi pháp luật, cán bộ cơ quan Nhà nước, quen biết qua mạng xã hội, lợi dụng quan hệ tình cảm, trao đổi, mua bán hàng hóa qua mạng, tin nhắn “rác”, tin nhắn trúng thưởng, xin việc làm... Quá trình hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản, các đối tượng thường xuyên thay đổi thông tin cá nhân, số điện thoại, tài khoản ngân hàng, tài khoản mạng xã hội, sử dụng tài khoản ảo, thay đổi địa bàn hoạt động, cư trú nhằm đối phó với công tác phòng ngừa, xử lý của cơ quan chức năng.
Nguyên nhân của tình trạng trên chủ yếu do công tác tuyên truyền, phổ biến về chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước trong phát triển kinh tế - xã hội và phòng ngừa các hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản chưa sâu rộng; người dân chưa được tiếp cận kịp thời đầy đủ, chính xác thông tin, nhất là các thông tin về quy hoạch, chế độ, chính sách an sinh xã hội, đầu tư, sản xuất, kinh doanh... Một bộ phận quần chúng nhân dân nhận thức còn hạn chế, mất cảnh giác để tội phạm lợi dụng thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Các quy định pháp luật về một số lĩnh vực chưa đầy đủ, thiếu đồng bộ, chưa phù hợp với thực tiễn, chưa được hướng dẫn, sửa đổi, bổ sung kịp thời. Công tác quản lý nhà nước ở nhiều lĩnh vực như tài chính, ngân hàng không gian mạng, đất đai, công chứng... còn tồn tại sơ hở, thiếu sót; phối hợp giữa các cơ quan, các ngành, các cấp chưa đồng bộ, chặt chẽ, hiệu quả chưa cao; cấp ủy, người đứng đầu một số địa phương thiếu quyết liệt trong chỉ đạo phòng ngừa, xử lý các hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Để phòng ngừa, ngăn chặn hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản, bảo đảm an ninh trật tự, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện đồng bộ các giải pháp, thực hiện nghiêm chỉ đạo của các cấp về phòng chống tội phạm; tăng cường tuyên truyền phổ biến chủ trương, chính sách, pháp luật và chế tài xử lý đối với tội phạm và các vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản; thông tin rộng rãi, kịp thời, công khai, minh bạch trong nhân dân về chủ trương phát triển kinh tế, an sinh xã hội, dự án bất động sản, quy hoạch xây dựng...
Hy vọng rằng với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, sẽ không còn những gia đình tan cửa nát nhà vì “sập bẫy lừa”, tội phạm lừa đảo sẽ hết “đất sống”!
L.T.PHƯƠNG