Bác sĩ Hồ Hoàng Vân, Giám đốc Trung tâm Sức khỏe lao động - Môi trường (TT SKLĐ- MT) tỉnh nói rằng, ở nhiều doanh nghiệp (DN) điều kiện làm việc của người lao động (NLĐ) vẫn còn phát sinh những yếu tố độc hại ảnh hưởng đến sức khỏe và mắc bệnh nghề nghiệp (BNN). Để hạn chế BNN cho NLĐ, cần có sự hợp tác, quan tâm của người sử dụng lao động…
BNN là một bệnh đặc trưng của một nghề do yếu tố độc hại trong nghề đó tác động thường xuyên, từ từ vào cơ thể NLĐ mà gây nên bệnh. Một khi đã mắc BNN, sức khỏe NLĐ không chỉ bị ảnh hưởng, mà việc điều trị cũng rất khó khăn. BS Hồ Hoàng Vân cho rằng, nguyên nhân xảy ra BNN là do sự tiếp xúc của các yếu tố: vật lý, hóa học, sinh học hoặc tâm lý xã hội trong quá trình làm việc. Các yếu tố này phát sinh trong môi trường lao động và là nguyên nhân chính dẫn đến BNN.
NLĐ trong các môi trường độc hại cần chủ động đi khám BNN nhằm phát hiện kịp thời. Trong ảnh: NLĐ đến khám bệnh tại Bệnh viện Quân đoàn 4. Ảnh: H.THUẬN
Kết quả kiểm định, đánh giá môi trường lao động của các DN trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua cho thấy, tỷ lệ mẫu vượt tiêu chuẩn vệ sinh lao động cho phép còn ở mức tương đối cao. Phần nhiều là các chỉ tiêu về nhiệt độ, tiếng ồn, hơi khí độc… và tập trung chủ yếu ở các ngành gỗ, giày da, cơ khí... Theo BS Vân, qua giám sát tại các DN, BNN thường gặp nhất là điếc nghề nghiệp và bệnh phổi nghề nghiệp. Tuy nhiên, công tác khám sức khỏe định kỳ, khám phát hiện BNN, lập hồ sơ đề nghị giám định BNN cho NLĐ vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Thường những DN quan tâm đến công tác trên là do yêu cầu của phía đối tác nên bắt buộc họ phải thực hiện. Đa phần các DN chưa thật sự quan tâm đến việc khám, phát hiện BNN cho NLĐ. Số DN tham gia khám BNN cho NLĐ còn rất ít so với tổng số DN hiện nay trên địa bàn tỉnh. Theo số liệu của TT SKLĐ-MT tỉnh, năm 2013, TT tiến hành khám và phát hiện BNN cho 112 DN, với 13.002 NLĐ. Riêng quý I-2014, TT đã khám BNN cho 38 công ty, với 4.285 NLĐ.
Nhằm bảo vệ sức khỏe NLĐ, người sử dụng lao động ở các DN có yếu tố gây BNN phải phối hợp với các cơ sở khám BNN tại địa phương để tổ chức khám BNN cho NLĐ. Việc thực hiện khám BNN phải thực hiện đúng quy định, quy trình kỹ thuật từng loại BNN do Bộ Y tế quy định. Theo quy định, hiện nay có 28 BNN được hưởng chế độ BHXH. Do đó, NLĐ trong các môi trường độc hại cần chủ động đi khám BNN nhằm phát hiện kịp thời. Để hạn chế BNN có thể xảy ra, gây ảnh hưởng đến sức khỏe NLĐ cần có những biện pháp cụ thể, tích cực. BS Vân cho rằng, biện pháp quan trọng, có ý nghĩa quyết định đến môi trường lao động của NLĐ, bao gồm: làm giảm các yếu tố độc hại (như: lắp đặt hệ thống thông gió, làm ướt, hút bụi), sử dụng thiết bị máy móc phát sinh ít yếu tố độc hại (như: ồn, rung); thay thế chất độc hại bằng chất ít độc hại hơn. Bên cạnh đó, các DN cần tổ chức khám sức khỏe tuyển dụng để loại những người dễ mẫn cảm với một số yếu tố độc hại; khám sức khỏe định kỳ để sớm phát hiện BNN, giải quyết điều trị; điều dưỡng, giám định khả năng lao động và tách người bệnh ra khỏi môi trường lao động. Các DN cũng cần tăng cường giáo dục cho NLĐ tác hại của các tác nhân trong môi trường lao động ảnh hưởng đến sức khỏe con người; trang bị các phương tiện phòng hộ cá nhân đầy đủ cho NLĐ…
HỒNG THUẬN