Hội thi nghệ thuật “ĐCTT - Di sản đất phương Nam”:

Chắp cánh cho nghệ thuật thăng hoa

Cập nhật: 11-04-2017 | 06:57:12

Hòa trong không khí tưng bừng của Festival Đờn ca tài tử (ĐCTT) Quốc gia lần thứ II - Bình Dương 2017, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch phối hợp với UBND tỉnh tổ chức Hội thi nghệ thuật ĐCTT Nam bộ với chủ đề “ĐCTT - Di sản đất phương Nam”. Đây là hoạt động nhằm tuyên truyền, quảng bá về hình ảnh đất nước, con người Nam bộ đến với du khách trong nước và quốc tế, góp phần tôn vinh, bảo tồn và phát triển nghệ thuật ĐCTT - di sản phi vật thể đại diện của nhân loại.

Tài sản quý giá của người Nam bộ

Nghệ  thuật  ĐCTT  được sản sinh trên nền phù sa văn hóa của vùng đất Nam bộ, là một tài sản quý giá song hành cùng với cuộc sống của bao thế hệ cư dân nơi đây. Đến với Hội thi nghệ thuật ĐCTT Nam bộ quốc gia lần thứ II - Bình Dương 2017, các đoàn nghệ thuật ĐCTT đến từ 21 tỉnh, thành phố thuộc khu vực miền Đông và Tây Nam bộ đã cống hiến nhiều tiết mục đặc sắc và độc đáo mang giá trị nghệ thuật cao, thể hiện được sức sống mãnh liệt của nghệ thuật ĐCTT trong đời sống hiện đại. Mỗi  đoàn  nghệ  thuật ĐCTT  mang  một  màu  sắc riêng. An Giang thì “Vang mãi khúc tự tình quê hương”, Bạc Liêu “Giữ mãi hồn quê”, Bà Rịa - Vũng Tàu đậm chất biển đảo với “Bà Rịa - Vũng Tàu miền đất yêu thương”, Bình Dương “Tự hào cung điệu quê hương”… Nhưng đó là những tiếng đờn, lời ca, mang đến tiếng  lòng  quê  hương,  nỗi niềm xao xuyến của đất và người Nam bộ nói chung và đặc trưng của mỗi tỉnh, thành phố ở miền Đông và Tây Nam bộ nói riêng. Chị Dương Thị Diệu, thành viên của Đoàn nghệ thuật ĐCTT Bạc Liêu cho biết: “Các tỉnh, thành phố đã có sự đầu tư công phu và chu đáo từ phục trang, nhạc cụ  cho  đến  nội  dung  từng tiết  mục  nên  chương  trình nào cũng hay. Đặc biệt, khán giả Bình Dương và các tỉnh, thành phố bạn cũng đến xem rất đông. Điều này cho thấy, ĐCTT vẫn rất hấp dẫn, được nhiều người yêu thích”.

Thế hệ măng non xuất hiện

Bên cạnh những ngón đờn lão  luyện,  những  giọng  ca “chín muồi”, hội thi còn xuất hiện nhiều giọng ca nhí rất tài năng. Tuy còn nhỏ tuổi nhưng các em đã thể hiện phong thái của một tài tử ca rất thực thụ. Nhiều khán giả đã rưng rưng lệ khi xem các “tài tử nhí” này biểu diễn. Đó là chất giọng Nam  ai  của  Tú  Sương  của Bạc Liêu trong “Cung đàn đất khách”; Thu Hà của An Giang trong  tiết  mục  “Non  sông thanh bình”; hay lối diễn tự nhiên cuốn hút của Kim Trâm (Bà Rịa - Vũng Tàu) trong tiết mục  ca  ra  bộ  “Câu  chuyện làng chài”…

Chương trình “Tự hào cung điệu quê hương” của đoàn nghệ thuật ĐCTT Bình Dương 

Ông Vưu Long Vĩ, Giám đốc Trung tâm Văn hóa tỉnh Bạc Liêu cho hay, nhằm lan tỏa sức hấp dẫn của bộ môn âm  nhạc  ngũ  cung  đến  các em thiếu nhi, tỉnh đã tổ chức nhiều lớp truyền dạy ĐCTT trong các trường học ở TP.Bạc Liêu. Qua đó, đã phát hiện và ươm mầm nhiều “tài tử nhí” hứa hẹn tạo thêm nhiều sức hút cho hội thi tại Bình Dương lần này.

Qua những ngày thi diễn sôi nổi, hội thi đã thật sự là một lễ hội tài tử hoành tráng để giới nghệ nhân, tài tử khắp nơi giao lưu, trao gửi tình yêu và tôn vinh ĐCTT - một loại hình nghệ thuật phi vật thể của nhân loại nói chung, dân tộc Việt Nam nói riêng. Sự chuẩn bị chu đáo, nhiệt huyết, tài năng và sáng tạo của các nghệ nhân sẽ mang đến cho công chúng nhiều tiết mục đờn, ca tài tử đặc sắc. Qua đó, minh chứng về sự cuốn hút, sức sống mãnh liệt của tiếng đờn, lời ca đã được UNESCO công nhận là di sản phi vật thể đại diện của nhân loại.

MINH HIẾU

 

 

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=830
Quay lên trên