Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình: Đẩy mạnh cung cấp dịch vụ dân số đến với người dân

Cập nhật: 11-09-2015 | 08:53:24

“Bình Dương đã đạt mức sinh thay thế từ năm 2003 và duy trì ổn định đến nay. Để đạt được kết quả ấy, bên cạnh công tác chăm sóc sức khỏe sinh sản (SKSS), kế hoạch hóa gia đình (KHHGĐ) cho người dân, trong thời gian qua, tỉnh đã triển khai thực hiện các chương trình nhằm từng bước nâng cao chất lượng dân số (DS) trên địa bàn...”, bà Nguyễn Thị Thanh Hội, Chi cục trưởng Chi cục DS - KHHGĐ tỉnh cho biết.

Để đáp ứng nhu cầu chăm sóc SKSS, KHHGĐ cho người dân, hệ thống cung cấp dịch vụ chăm sóc SKSS, KHHGĐ trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua đã không ngừng được củng cố, phát triển từ tỉnh đến cơ sở. Theo bà Nguyễn Thị Thanh Hội, toàn tỉnh hiện có một bệnh viện đa khoa, một trung tâm chăm sóc SKSS, một trung tâm tư vấn DS -KHHGĐ, một bệnh viện phụ sản nhi, một hội KHHGĐ và hệ thống bệnh viện, phòng khám tư nhân chuyên cung cấp dịch vụ KHHGĐ cho người dân trên địa bàn. 9/9 trung tâm y tế huyện, thị, thành phố được đầu tư trang thiết bị bảo đảm đủ điều kiện thực hiện KHHGĐ và đội ngũ cán bộy tế đáp ứng nhu cầu khám và điều trị viêm nhiễm đường sinh sản cho phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ, thực hiện tư vấn dinh dưỡng cho bà mẹ mang thai, chăm sóc SKSS vị thành niên, thanh niên. Ngoài ra, 91/91 trạm y tế trong toàn tỉnh có bác sĩ và cán bộ chuyên môn y tế được đào tạo những kỹ năng cơ bản về chăm sóc SKSS, KHHGĐ theo hướng dẫn quốc gia. Cán bộ chuyên trách và cộng tác viên DS cơ sở đều được tập huấn về kiến thức, kỹ năng và thực hiện cung cấp các dịch vụ tư vấn sử dụng biện pháp tránh thai phi lâm sàng tại cộng đồng. Ngành DS cung cấp đầy đủ các loại phương tiện tránh thai (PTTT) bảo đảm chất lượng, đáp ứng kịp thời cho những đối tượng có nhu cầu sử dụng.

Khoa DS, Trung tâm Y tế Thuận An tuyên truyền về SKSS
cho học sinh trên địa bàn TX.Thuận An

Bảo đảm đáp ứng nhu cầu thực hiện KHHGĐ cho người dân trên địa bàn làmột trong những nhiệm vụ của ngành DS-KHHGĐ. Trong điều kiện ngân sách cấp từ Trung ương ngày càng cắt giảm, nên ngoài nguồn PTTT miễn phí cho đối tượng ưu tiên thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia DS-KHHGĐ, Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh đã xây dựng và duy trì mạng lưới tiếp thị xã hội phương tiện tránh thai cho đối tượng có nhu cầu sử dụng. Nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc cung cấp dịch vụ KHHGĐ, chi cục đã tham mưu UBND tỉnh ban hành Quyết định 1972/QĐ-UBND ngày 15-8-2014 về mức giá thu tạm thời thực hiện dịch vụ KHHGĐ trong các cơ sở khám chữa bệnh công lập. Chi cục cũng xin chủ trương của Tổng cục DS-KHHGĐ thực hiện xã hội hóa PTTT lâm sàng (vòng và thuốc tiêm tránh thai) từ nguồn PTTT miễn phí. Theo đó, chỉ thu phí thủ thuật, thuốc, hóa chất, vật tư y tế tiêu hao, không tính phí PTTT vào cấu thành giá dịch vụ…

Là tỉnh phát triển mạnh về công nghiệp, trong thời gian qua, Bình Dương đã thu hút một lượng lớn người lao động từ các tỉnh, thành trong cả nước đến sinh sống, làm cho DS cơ học của tỉnh tăng nhanh. Bình Dương hiện đang trong giai đoạn cơ cấu DS trẻ, trong đó DS trong độ tuổi lao động chiếm 75,6% tổng DS. Tuy nhiên, do điều kiện làm việc, sinh sống, nhiều người lao động ít có điều kiện tiếp cận các dịch vụ chăm sóc SKSS, KHHGĐ. Điều này đã gây khó khăn không ít cho công tác DS-KHHGĐ của tỉnh. Bà Nguyễn Thị Thanh Hội cho biết, trước thực trạng đó, nhằm từng bước nâng cao nhận thức về SKSS cho thanh niên và vị thành niên, Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh đã đẩy mạnh công tác phối hợp với Liên đoàn Lao động tỉnh, Tỉnh đoàn, hàng năm tổ chức các phiên chợ công nhân và các lớp tập huấn, nói chuyện chuyên đề tuyên truyền chăm sóc SKSS, làm mẹ an toàn, tư vấn khám sức khỏe tiền hôn nhân, các bệnh lây truyền qua đường tình dục cho thanh niên công nhân lao động. Ngoài ra, còn phối hợp với các trường phổ thông trên địa bàn tỉnh tuyên truyền về SKSS vi ̣thành niên, thanh niên cho học sinh, sinh viên.

Tuy nhiên, theo Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh, những năm gần đây, số lượng PTTT cấp cho đối tượng miễn phí càng thu hẹp về đối tượng thụ hưởng và số lượng; PTTT tiếp thị xã hội không đa dạng, hiện chỉ có thuốc tránh thai và bao cao su; nguồn PTTT lâm sàng chưa đáp ứng đủ nhu cầu của đối tượng sử dụng. Đó là những khó khăn, gây ảnh hưởng không nhỏ đến chương trình DS-KHHGĐ của tỉnh nhà.

Tại buổi làm việc mới đây của Ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh về công tác DS-KHHGĐ trên địa bàn tỉnh, ngoài đề xuất với Trung ương cấp kinh phí cho chương trình DS-KHHGĐ sớm và đủ theo chỉ tiêu, bà Nguyễn Thị Thanh Hội còn đề nghị Trung ương tăng kinh phí truyền thông cho tuyến huyện, xã và bảo đảm đa dạng nguồn PTTT theo nhu cầu của địa phương. Riêng đối với tỉnh, bà cũng kiến nghị tiếp tục ban hành các văn bản chỉ đạo, duy trì hỗ trợ nguồn kinh phí để thực hiện tốt chương trình DS-KHHGĐ của tỉnh. Bên cạnh đó, tỉnh cần chấp thuận mở rộng thêm đối tượng được thụ hưởng các dịch vụ KHHGĐ và đối tượng của dự án khám, tư vấn sức khỏe tiền hôn nhân – đó là công nhân làm việc ở các khu công nghiệp có thời gian tạm trú tại Bình Dương từ 6 tháng trở lên, có đời sống khó khăn.

 HỒNG THUẬN

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=1158
Quay lên trên