Cuối tháng 4-2020, Trung tâm Nghiên cứu phát triển và Hỗ trợ cộng đồng (CECODES) thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA), Trung tâm Bồi dưỡng cán bộ và Nghiên cứu khoa học MTTQ Việt Nam và Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam đã tổ chức lễ công bố Chỉ số Hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) năm 2019. Theo công bố kết quả, Chỉ số PAPI năm 2019 tỉnh Bình Dương tăng 14 bậc. Ngay sau khi có kết quả, Sở Nội vụ đã có báo cáo phân tích để đánh giá kết quả này.
Năm 2019, chỉ số công khai minh bạch của Bình Dương tăng điểm. Trong ảnh: Người dân xem bảng niêm yết công khai thủ tục hành chính tại UBND xã An Điền, TX.Bến Cát. Ảnh: H.VĂN
Bình Dương xếp nhóm trung bình cao
Theo công bố kết quả Chỉ số PAPI năm 2019, tỉnh Bình Dương đạt tổng điểm 43,97/80 điểm (năm 2018 là 43,50 điểm), xếp trong nhóm trung bình cao (năm 2018 trong nhóm trung bình thấp). Nếu tính theo điểm số, Bình Dương đứng thứ 25/63 tỉnh thành (năm 2018 đứng thứ 39/63). So với năm 2018, Chỉ số PAPI năm 2019 của Bình Dương, tăng 14 bậc, có 4 chỉ số nội dung tăng điểm nhẹ là công khai minh bạch (tăng 0,42 điểm); kiểm soát tham nhũng (tăng 0,08 điểm); cung ứng dịch vụ công (tăng 0,61 điểm); quản trị điện tử (tăng 1,23 điểm). Ngược lại, có 4 chỉ số nội dung giảm điểm là tham gia của người dân cấp cơ sở (giảm 0,48 điểm); trách nhiệm giải trình (giảm 0,28 điểm); thủ tục hành chính công (giảm 0,18 điểm); quản trị môi trường (giảm 0,94 điểm).
Chỉ số PAPI hướng tới cải thiện hiệu quả phục vụ nhân dân của chính quyền địa phương nhằm đáp ứng tốt hơn yêu cầu ngày càng cao của nhân dân thông qua việc tạo cơ hội cho người dân tham gia đánh giá hiệu quả hoạt động của chính quyền, vận động chính quyền cải thiện cung cách phục vụ nhân dân và thúc đẩy việc tự đánh giá để đổi mới. |
Nội dung chỉ số thành phần tham gia của người dân ở cấp cơ sở, đạt 4,80/10 điểm, xếp trong nhóm trung bình thấp, gồm các nội dung sau: Tham gia tích cực và chủ động vào đời sống chính trị, kinh tế, xã hội của đất nước là quyền hiến định của mọi người dân Việt Nam, đặc biệt là những người từ 18 tuổi trở lên. Việc tham gia đó có ý nghĩa quan trọng để người dân phát huy quyền làm chủ, góp phần cải thiện hiệu quả thực thi chính sách, pháp luật ở địa phương. Chỉ số tham gia của người dân cấp cơ sở nhằm đo lường tri thức công dân về quyền tham gia và mức độ hiệu quả của các cấp chính quyền trong việc tạo điều kiện để người dân thực hành tốt nhất quyền tham gia của mình qua các cuộc bầu cử. Tuy nhiên, năm 2019, nội dung này giảm điểm. Để thực hiện tốt nội dung này, chính quyền các cấp cần phải có sự đổi mới về chính sách và cách thức thực thi chính sách, cũng như cởi mở hơn, minh bạch hơn.
Nội dung chỉ số thành phần công khai minh bạch đạt 5,65/10 điểm, xếp trong nhóm cao nhất. Nội dung chỉ số thành phần này đo lường hiệu quả của chính quyền trong việc công khai hóa, minh bạch hóa thông tin nhằm đáp ứng “quyền được biết” của người dân về những chính sách có ảnh hưởng trực tiếp đời sống. Năm 2019, nội dung này tăng 0,42 điểm. Để tiếp tục duy trì điểm số tốt và khắc phục những hạn chế, chính quyền các cấp cần đẩy mạnh công khai, minh bạch ở cả 4 nội dung thành phần, đặc biệt chú trọng vào nội dung bảo đảm việc tiếp cận dễ dàng hơn và cung cấp kịp thời đầy đủ thông tin hữu ích, đáng tin cậy cho người dân. Đồng thời, các địa phương cũng cần thực hiện nghiêm túc quy định công khai quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, bảo đảm cập nhật kịp thời khung giá bồi thường theo thị trường và ý kiến góp ý của người dân.
Nội dung chỉ số thành phần quản trị điện tử, đạt 4,31/10 điểm, xếp trong nhóm cao nhất, quản trị điện tử cũng là chỉ số nội dung mới từ năm 2018 và tiếp tục được bổ sung. Chỉ số này cho biết đánh giá của người dân về hai khía cạnh mang tính tương tác của Chính phủ điện tử là: Mức độ sẵn có và tình hình sử dụng dịch vụ công trực tuyến do chính quyền cung cấp. Các tiêu chí cấu thành chỉ số nội dung này giúp cung cấp thông tin về độ sẵn có của cổng thông tin điện tử của chính quyền địa phương, mức độ tiếp cận thông tin về quy trình, thủ tục, chính sách người dân cần tuân thủ và điều kiện sử dụng internet của người dân. Đây là dữ liệu cơ sở ban đầu giúp các cấp chính quyền xem xét điều kiện khả thi cho việc phát triển Chính phủ điện tử tại địa phương, hướng tới xây dựng chính quyền chủ động tương tác với người dân qua nền tảng internet trong cả ba khâu: Xây dựng, thực thi và giám sát thực thi chính sách.
Những điểm cần lưu ý
Chỉ số PAPI 2019 của tỉnh Bình Dương có sự cải thiện đáng kể, nhiều chỉ tiêu và nội dung thành phần đều tăng so với 2018. Để đạt được kết quả đó là sự chỉ đạo quyết liệt của UBND tỉnh, sự vào cuộc của các cấp, các ngành. Những nỗ lực của chính quyền các cấp được người dân đồng thuận và đánh giá tốt. Tuy nhiên, bên cạnh đó, cũng còn một số nội dung chưa được người dân đánh giá cao, nguyên nhân đó là: Thực trạng, một số nơi chính quyền cơ sở còn hạn chế trong quản lý điều hành công việc của địa phương; tinh thần, thái độ phục vụ trong một bộ phận cán bộ, công chức cấp cơ sở chưa cao. Cùng với đó là việc công khai, minh bạch trong một số chính sách tại địa phương chưa được quan tâm nhiều, nhất là công khai, chia sẻ thông tin với người dân về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, công khai các dự án, công khai các khoản đóng góp tự nguyện của người dân…
Kết quả phân tích số liệu thống kê PAPI năm 2019 cho thấy, chính quyền các cấp trong tỉnh cần thực hiện hiệu quả hơn nữa các chính sách hiện hành của mình, nhằm đáp ứng yêu cầu và kỳ vọng của người dân vào chính quyền. Để tạo chuyển biến đồng bộ trong việc nâng cao Chỉ số PAPI, đáp ứng yêu cầu phát triển của tỉnh trong thời gian tới, Sở Nội vụ đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, địa phương quyết liệt trong chỉ đạo, điều hành và quản trị địa phương, thông qua thực hiện tốt những nội dung như sau: Triển khai đồng bộ các nội dung trọng tâm trong công tác cải cách hành chính, gắn với nâng cao nhận thức và quyết tâm trong hành động về các giải pháp nâng cao Chỉ số PAPI trên địa bàn tỉnh theo chỉ đạo của UBND tỉnh tại Công văn số 1824/UBND-NC ngày 3-5-2018.
Cùng với đó là tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cán bộ, công chức, viên chức, người đứng đầu về các nội dung của Chỉ số PAPI, gắn với trách nhiệm của các ngành, địa phương, trách nhiệm của người đứng đầu; nhất là trách nhiệm của Chủ tịch UBND cấp huyện, cấp xã trong quản lý, điều hành công việc chung của địa phương; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện các nội dung, nhiệm vụ liên quan trực tiếp đến PAPI, đặc biệt là việc công khai, minh bạch của cấp chính quyền cơ sở; giải quyết kịp thời các kiến nghị của người dân; nâng cao tinh thần, trách nhiệm, đạo đức công vụ của đội ngũ cán bộ, công chức trong cung ứng các dịch vụ công.
Sở Nội vụ cũng đề nghị đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật tại cơ sở, cộng đồng dân cư, trong đó tập trung triển khai Luật Phòng, chống tham nhũng, Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo, Luật Tiếp cận thông tin... nhằm nâng cao nhận thức, bảo đảm để người dân hiểu biết và thực hiện được các quy định pháp luật liên quan đến đời sống thường ngày; ý thức được quyền lợi và trách nhiệm đầy đủ của mình trong việc tham gia vào đời sống chính trị tại cơ sở; thường xuyên kiểm tra và quyết liệt trong việc xử lý các “điểm nóng” về an ninh, trật tự, ô nhiễm môi trường đặc biệt là địa bàn tập trung nhiều nhà máy, xí nghiệp, khu nhà trọ, địa bàn đông dân cư; tiếp tục triển khai, nâng cao hiệu quả về ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của chính quyền các cấp; đẩy mạnh cung ứng các dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4; công khai, minh bạch trong giải quyết thủ tục hành chính; thực hiện có hiệu quả, đồng bộ trong xây dựng chính quyền thân thiện, công sở thân thiện theo chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh.
TRẦN KHẮC TUẤN (Sở Nội vụ)