Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam

Cập nhật: 30-08-2024 | 07:17:34

Ngày 29-8, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ký ban hành Chỉ thị số 30/CT-TTg về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam.


Được thành lập năm 1905, từ một nhà máy cũ nằm trong diện di dời ra khỏi nội đô - Nhà máy Xe lửa Gia Lâm và các ga tàu hỏa Hà Nội được cải tạo thành các tổ hợp sáng tạo, trở thành nơi “đánh thức” các di sản, tạo ra hệ giá trị mới phục vụ phát triển văn hóa Thủ đô.

Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ nêu rõ, trên thế giới, các ngành công nghiệp văn hóa đang có xu hướng phát triển mạnh mẽ và được xác định là yếu tố quan trọng, bền vững nhằm thu hút nguồn lực, tạo lợi thế cạnh tranh, đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội, định vị thương hiệu quốc gia. Việt Nam có tiềm năng, lợi thế lớn về nhiều mặt để phát triển các ngành công nghiệp văn hóa, góp phần tạo động lực mới cho sự phát triển của đất nước, phù hợp với xu thế của thời đại.

Tuy nhiên, việc phát triển các ngành công nghiệp văn hóa ở nước ta vẫn còn nhiều khó khăn, hạn chế như: Thiếu các văn bản quy phạm pháp luật quy định rõ vai trò quản lý nhà nước, trách nhiệm, quyền hạn của các chủ thể có liên quan trong một số lĩnh vực. Cơ chế, chính sách chưa theo kịp thực tiễn, quá trình tổ chức thực hiện ở một số ngành, lĩnh vực chưa đạt hiệu quả. Cơ chế phối hợp còn thiếu đồng bộ; chưa xác định được sản phẩm, dịch vụ trọng tâm, chủ lực. Hành vi sao chép bất hợp pháp sản phẩm sáng tạo, vi phạm pháp luật về bản quyền chưa được ngăn chặn kịp thời, triệt để...

Để thúc đẩy phát triển công nghiệp văn hóa, cần chú trọng, đẩy nhanh quá trình ứng dụng, khai thác những thành tựu khoa học công nghệ, kỹ thuật cùng kỹ năng kinh doanh, năng lực sáng tạo, phát huy nguồn vốn văn hóa và quyền sở hữu trí tuệ để tạo ra các sản phẩm, dịch vụ mang giá trị văn hóa và kinh tế, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng, hưởng thụ văn hóa của người dân, góp phần phát triển bền vững đất nước. 

Phát triển các ngành công nghiệp văn hóa phải bảo đảm khai thác tối đa, hiệu quả tiềm năng, lợi thế; đa dạng, liên kết đa ngành, lĩnh vực; có tư duy sắc bén, hành động quyết liệt, hiệu quả, biết lựa chọn tinh hoa và tạo đột phá phát triển. Đồng thời, đáp ứng được các yếu tố: Sáng tạo, bản sắc, độc đáo, chuyên nghiệp, lành mạnh, cạnh tranh, bền vững trên nền tảng dân tộc, khoa học, đại chúng; từng bước tạo dựng thương hiệu quốc gia, tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu; phù hợp với quy luật của kinh tế thị trường, luật pháp trong nước và quốc tế.

Trong giai đoạn mới, để các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam phát triển nhanh, bền vững, tương xứng với tiềm năng, lợi thế và mang lại giá trị gia tăng kinh tế lớn, góp phần quan trọng phát huy và quảng bá các giá trị tốt đẹp, đặc sắc của văn hóa, truyền thống dân tộc, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tập trung triển khai một số nhiệm vụ, giải pháp.

Cụ thể, các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ quán triệt, nâng cao hơn nữa nhận thức về vị trí, vai trò, tầm quan trọng, giá trị của các ngành công nghiệp văn hóa đối với sự phát triển của kinh tế - xã hội và quảng bá văn hóa Việt Nam; đề cao trách nhiệm người đứng đầu cấp ủy Đảng, chính quyền trong việc chỉ đạo phát triển các ngành công nghiệp văn hóa. Tiếp tục chủ động triển khai Chiến lược theo hướng có trọng tâm, trọng điểm. Cùng với đó, chủ động rà soát, tham mưu trình cấp có thẩm quyền sửa đổi, ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền các văn bản pháp luật, cơ chế, chính sách cần thiết để hỗ trợ, khuyến khích và thúc đẩy phát triển các ngành công nghiệp văn hóa trong giai đoạn tới.

Ưu tiên các chính sách về: Ưu đãi đầu tư, đối tác công - tư, quản lý tài sản công, thuế, tiếp cận tín dụng, tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ, hình thành hệ thống cơ sở dữ liệu, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính gắn với chuyển đổi số, rà soát, đơn giản hóa các điều kiện kinh doanh nhằm phát huy vai trò, nguồn lực từ cộng đồng doanh nghiệp, các chuyên gia, đội ngũ nhân lực sáng tạo.

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, cơ quan, địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền thường xuyên, nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò của các ngành công nghiệp văn hóa trong phát triển kinh tế - xã hội. Chủ động, phối hợp xây dựng phương án đầu tư, hỗ trợ theo từng giai đoạn đối với một số lĩnh vực công nghiệp văn hóa cần ưu tiên phát triển; trong đó xây dựng kế hoạch và triển khai thí điểm đến năm 2030 đối với một số lĩnh vực mà Việt Nam có thế mạnh, như: Điện ảnh, nghệ thuật biểu diễn, thiết kế, du lịch văn hóa... Chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các bộ, cơ quan liên quan xây dựng khung chỉ tiêu thống kê về các ngành công nghiệp văn hóa, báo cáo cấp có thẩm quyền trong quý II/2025.

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, cơ quan, địa phương xây dựng cơ sở dữ liệu và hình thành bản đồ số về các ngành công nghiệp văn hóa, báo cáo cấp có thẩm quyền trong quý III/2025; xây dựng sản phẩm, dịch vụ công nghiệp văn hóa đặc trưng gắn với vùng, miền, địa phương; nghiên cứu, đề xuất, kết nối hình thành quỹ khuyến khích sáng tạo và phát triển công nghiệp văn hóa trên nguyên tắc bảo đảm không trùng lặp, chồng chéo với các quỹ khác liên quan đến phát triển văn hóa nếu có.

Chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, cơ quan, địa phương tổ chức thường niên các sự kiện công bố sáng tạo quốc gia đối với các sản phẩm, dịch vụ công nghiệp văn hóa; tổ chức hoạt động tôn vinh, trao giải thưởng cho cá nhân, tổ chức và doanh nghiệp có nhiều đóng góp trong việc phát triển các ngành công nghiệp văn hóa.

Chủ trì, phối hợp thường xuyên với các bộ, ngành, cơ quan liên quan xây dựng cơ chế hợp tác, liên kết giữa các tổ chức đại diện quyền tác giả, quyền liên quan, tác giả, chủ sở hữu, người biểu diễn, nhà sản xuất bản ghi âm, ghi hình, tổ chức phát sóng... trên cơ sở minh bạch, bảo đảm hài hòa lợi ích giữa các bên; xây dựng hệ thống phần mềm tìm kiếm, đối chiếu, so sánh giúp phát hiện, chống vi phạm quyền tác giả, quyền liên quan trên không gian mạng và môi trường kỹ thuật số. 

Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, cơ quan, địa phương chủ động rà soát, bổ sung, đề xuất bổ sung cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển các sản phẩm phần mềm và trò chơi điện tử trên không gian mạng (thuộc lĩnh vực trò chơi giải trí) mang đậm bản sắc Việt Nam và phù hợp với xu thế phát triển của thế giới. Thúc đẩy sử dụng các nền tảng số của Việt Nam trong việc tạo ra các sản phẩm công nghiệp văn hóa. 

Đẩy mạnh chuyển đổi số, hình thành hệ thống dữ liệu trực tuyến cho các ngành công nghiệp văn hóa. Đẩy mạnh đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực xuất bản, phát thanh và truyền hình, phần mềm và trò chơi điện tử trên không gian mạng (thuộc lĩnh vực trò chơi giải trí).

Định hướng, chỉ đạo các cơ quan báo chí tiếp tục tăng cường thông tin, tuyên truyền và xuất bản sách giới thiệu về các ngành công nghiệp văn hóa (xuất bản phẩm in và xuất bản phẩm điện tử). 

Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, cơ quan, địa phương khẩn trương triển khai các sản phẩm, dịch vụ công nghiệp văn hóa gắn với việc thực hiện Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" đồng bộ trong cả nước. 

Xây dựng và triển khai kế hoạch hỗ trợ, thúc đẩy phát triển các lĩnh vực thủ công mỹ nghệ, thời trang, thiết kế. Phối hợp tham mưu xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ nghiên cứu, sản xuất các sản phẩm, dịch vụ công nghiệp văn hóa có tiềm năng xuất khẩu. 

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ban hành theo thẩm quyền hoặc đề xuất các cơ chế, chính sách nhằm thúc đẩy, phát triển công nghiệp văn hóa tại địa phương. 

Chủ động cân đối, bố trí nguồn ngân sách, nguồn lực để ưu tiên phát triển các sản phẩm, dịch vụ công nghiệp văn hóa là thế mạnh, có sức cạnh tranh; đồng thời tạo mọi điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đầu tư vào công nghiệp văn hóa; trong đó đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, phân cấp, phân quyền đi đôi với phân bổ nguồn lực hợp lý và tăng cường khả năng thực thi pháp luật, tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng. 

Đẩy mạnh liên kết vùng, địa phương trong khai thác và kinh doanh các sản phẩm, dịch vụ công nghiệp văn hóa. Phát triển thị trường theo hướng từng bước hình thành cộng đồng người tiêu dùng sản phẩm, dịch vụ công nghiệp văn hóa trong nước và quốc tế. 

Chủ động xây dựng kế hoạch về quy hoạch không gian, bố trí quỹ đất, hỗ trợ các không gian sáng tạo, trung tâm công nghiệp văn hóa tại địa phương theo từng giai đoạn. Các địa phương, nhất là một số thành phố nằm trong "Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO" chủ động xây dựng và triển khai phương án hỗ trợ sáng tạo, đẩy mạnh khai thác, cung ứng các sản phẩm, dịch vụ công nghiệp văn hóa tại địa phương.

Tăng cường các hoạt động truyền thông, quảng bá, tuyên truyền thường xuyên để tạo sự chuyển biến tích cực, mạnh mẽ trong nhận thức về các ngành công nghiệp văn hóa. Từ nay đến đầu năm 2026, hoàn thành xây dựng và tổ chức, duy trì hoạt động của chuyên trang nội dung về công nghiệp văn hóa trên cổng thông tin điện tử của ủy ban nhân dân cấp tỉnh và các cơ quan, đơn vị liên quan.

Theo TTXVN

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=892
Quay lên trên