Tác động của biến đổi khí hậu, thời tiết diễn biến thất thường làm ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất và đời sống người dân. Vì vậy, việc chủ động thực hiện tốt các phương án phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT-TKCN) có ý nghĩa quan trọng, nhằm giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra.
Ngành NN&PTNT phối hợp với đơn vị khai thác thủy lợi và địa phương kiểm tra cửa van cống lấy nước hồ Đá Bàn, huyện Bắc Tân Uyên
Khắc phục kịp thời thiệt hại
Tính từ đầu năm đến ngày 20-5-2023, trên địa bàn tỉnh xảy ra 7 trận thiên tai gây ảnh hưởng, thiệt hại, như triều cường cao trên sông Sài Gòn gây ngập gần 2km đường giao thông nội ô TP.Thủ Dầu Một; mưa giông làm đổ cây xanh gây đứt đường dây điện 3 pha dẫn đến tai nạn về điện làm chết 3 người, bị thương 1 người ở TX.Bến Cát; tốc mái 40 căn nhà, nứt tường 3 căn nhà, 3 công trình phụ, sập tường 2 công trình phụ; sập 2 biển quảng cáo; mất điện nhiều tuyến đường dây, đứt dây hạ thế và gãy trụ 10 trạm biến áp; ngãđổnhiều cây xanh trên địa bàn TX.Bến Cát, huyện Dầu Tiếng. Tổng ước thiệt hại về tài sản khoảng 1 tỷ 536 triệu đồng.
Ông Mai Hùng Dũng, Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh: Đề nghị các đơn vị, địa phương quán triệt, thực hiện có hiệu quả Chỉ thị 08 ngày 4-5-2023 của Chủ tịch UBND tỉnh về tăng cường công tác PCTT-TKCN năm 2023 nhằm chủ động phòng chống từ sớm, từ xa, hạn chế thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra. Tùy vào điều kiện thực tế, cần đầu tư trang thiết bị, nâng cao kỹ năng cho các lực lượng xung kích theo phương châm 4 tại chỗ để chủ động với mọi tình huống. Đồng thời, tăng cường kiểm tra các điểm hồ chứa, các điểm nguy cơ sạt lở trên địa bàn tỉnh. |
UBND tỉnh đã chỉ đạo các đơn vị liên quan xây dựng các phương án, kế hoạch đối phó với từng loại hình thiên tai, tình huống xảy ra. Đồng thời, huy động mọi nguồn lực hỗ trợ nhằm giảm thiểu thiệt hại, nhanh chóng khắc phục hậu quả, ổn định đời sống và khôi phục sản xuất. Trong năm 2022, UBND tỉnh đã chi hơn 1,24 tỷ đồng từ nguồn Quỹ PCTT tỉnh để hỗ trợ 52 hộ dân sửa chữa nhà ở, 49 hộ dân khôi phục sản xuất nông nghiệp, khắc phục hậu quả sau thiên tai. Công tác hỗ trợ khắc phục thiên tai trên địa bàn tỉnh được thực hiện công khai, công bằng, minh bạch, đồng thời được giám sát chặt chẽ từ cấp cơ sở theo đúng quy định.
Theo lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), công tác PCTT ngày càng được sự quan tâm của các cấp, các ngành. Trong năm qua, Ban Chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh đã tham mưu UBND tỉnh ban hành kịp thời và triển khai thực hiện hiệu quả các quy định, chính sách, kế hoạch, hoàn thiện hệ thống tổ chức, văn bản, dự án trong lĩnh vực PCTT trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, nâng cao năng lực của các cấp, các ngành trong việc xử lý tình huống, sự cố, chỉ huy, điều hành tại chỗ để ứng phó thiên tai đạt hiệu quả cao nhất. Nâng cao năng lực của cộng đồng về phòng, tránh, ứng phó thiên tai.
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, còn tồn tại một số khó khăn, hạn chế ảnh hưởng đến quá trình thực hiện nhiệm vụ PCTT-TKCN trên địa bàn tỉnh. Bản đồ ngập lụt vùng hạ du đập thủy điện Trị An và thủy lợi Dầu Tiếng - Phước Hòa chưa được Bộ NN&PTNT xây dựng, phê duyệt gây khó khăn cho địa phương trong việc xây dựng phương án ứng phó với các tình huống khẩn cấp; quy hoạch đê điều, quy hoạch phòng chống lũ sông Sài Gòn, Đồng Nai, quy hoạch PCTT khu vực Đông Nam bộ chưa được lập, gây khó khăn việc xây dựng phương án phát triển hệ thống đê điều trên địa bàn tỉnh...
Chủ động từ sớm, từ xa
Ông Phạm Văn Bông, Giám đốc Sở NN&PTNT, cho biết để chủ động ứng phó kịp thời, giảm thiểu tối đa những thiệt hại do thiên tai gây ra, sở đã phối hợp với các sở, ngành, địa phương kiểm tra công tác bảo đảm an toàn các công trình thủy lợi trên địa bàn, đôn đốc các chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ thi công các hồ, đập, bảo đảm hoàn thành tiến độ vượt lũ, chống lũ an toàn. Việc hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại khi thiên tai xảy ra trong mùa mưa bão cần có sự đồng thuận và vào cuộc một cách chủ động, tích cực của các cấp, ngành và ý thức của mỗi người dân.
Trong năm 2023, để chủ động trong công tác PCTT-TKCN, Ban Chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh tiếp tục hoàn thiện văn bản quy phạm pháp luật, cơ chế, chính sách về PCTT; đồng thời thông tin truyền thông, phổ biến pháp luật, kỹ năng, nâng cao nhận thức về PCTT. Mặt khác, nâng cao năng lực cho lực lượng làm công tác PCTT. Ngoài ra, tích hợp các nội dung PCTT trong quy hoạch tỉnh; rà soát, cập nhật phương án ứng phó thiên tai theo cấp độ rủi ro thiên tai.
Song song đó, ngành NN&PTNT tăng cường công tác quản lý, đầu tư, duy tu, sửa chữa, nâng cấp, đẩy nhanh tiến độ và bảo đảm chất lượng xây dựng các dự án, công trình trọng điểm về phòng, chống ngập lụt, ngăn triều, sạt lở… để bảo vệ dân cư và ổn định sản xuất, kinh doanh. Ngành tiếp tục quản lý, đầu tư trang bị bổ sung các phương tiện, trang thiết bị hiện đại, đủ công năng, công suất đáp ứng yêu cầu công tác tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ. Tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, đầu tư củng cố cơ sở hạ tầng PCTT. Ngoài ra, đơn vị cũng tổ chức thực hiện nghiêm túc chế độ trực ban, theo dõi, tổ chức thông báo, cảnh báo và tham mưu kịp thời các biện pháp phòng, chống, ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai xảy ra trên địa bàn tỉnh.
THOẠI PHƯƠNG - THẢO TRÚC