Tây Nguyên: Tăng cường kiểm soát dịch
Từ ngày 26-1 đến 16-2, dịch cúm gia cầm H5N1 đã xuất hiện tại 4 xã, phường của các huyện Ngọc Hồi, Sa Thầy và thành phố Kon Tum, với hơn 4.000 con gia cầm mắc bệnh và đã tiêu hủy trên 8.400 con gia cầm và 3.200 quả trứng. Sau khi dịch cúm bùng phát, Chi cục Thú y tỉnh Kon Tum đã kiểm tra, xác minh, hướng dẫn các địa phương tiêu hủy toàn bộ gia cầm tại các hộ có đàn gia cầm mắc bệnh, vệ sinh khử trùng tiêu độc, thực hiện các biện pháp bao vây ổ dịch và phòng, chống dịch theo quy định; kịp thời tạm ứng trên 60.000 liều vaccine cúm gia cầm, 10.000 lít hóa chất Bencocit và các trang, thiết bị cần thiết để triển khai tiêm phòng cho đàn gia cầm và khử trùng tiêu độc môi trường.
Dịch cúm gia cầm đang bùng phát ở tỉnh Kon Tum.
Trong một diễn biến khác, thực hiện chủ trương của UBND tỉnh Kon Tum về việc tạm dừng xuất, nhập, quá cảnh gia cầm trên địa bàn, trong những ngày qua, Trạm Kiểm dịch động vật Sao Mai phối hợp với Đội tuần tra kiểm soát giao thông số 1, Công an tỉnh Kon Tum siết chặt kiểm tra, kiên quyết xử lý các vụ vi phạm chuyên chở gia cầm không rõ nguồn gốc đi qua địa bàn. Cụ thể, từ ngày 12-2 đến nay, lực lượng chức năng đã kiểm tra, phát hiện và thu giữ hơn 2.200 con gà, 38.000 quả trứng vịt và 100kg trứng cút cùng hàng trăm ký xương động vật vận chuyển trên xe khách đi qua địa bàn. Qua kiểm tra, lái xe đều không xuất trình được giấy kiểm dịch động vật và sản phẩm động vật. Toàn bộ tang vật thu giữ đều được lập biên bản xin ý kiến ngành chức năng xử lý.
Đáng chú ý, trưa ngày 16-2, qua kiểm tra xe khách 98K-8595 đang lưu thông trên đường Hồ Chí Minh (đoạn qua TP Kon Tum), lực lượng chức năng tỉnh Kon Tum đã phát hiện trên xe có chở 800 con gà con và xương ngựa. Chủ xe là Hoàng Phúc Khánh, thường trú huyện Tân Yên (tỉnh Bắc Giang), không xuất trình được giấy chứng nhận kiểm dịch động vật và sản phẩm động vật xuất ngoài tỉnh. Ngày 17-2, UBND tỉnh Kon Tum cũng đã chỉ đạo Công an tỉnh, Sở Công thương phối hợp với Chi cục Thú y tỉnh Kon Tum bố trí lực lượng siết chặt công tác kiểm tra, kiểm soát tình hình vận chuyển gia cầm và sản phẩm gia cầm tại các Trạm kiểm dịch động vật đầu mối là Măng Khênh (huyện biên giới Đăk Glei), Vi-ô-lăk (huyện Kon Plông) và Sao Mai (TP Kon Tum).
Tại Trạm kiểm dịch động vật Ia Khươl (huyện Chư Pah), ông Nguyễn Thế Kỳ, Trạm trưởng, cho biết: Trong quá trình chốt chặn, kiểm soát tình hình vận chuyển gia cầm trên đường Hồ Chí Minh, lực lượng làm nhiệm vụ tại trạm chưa phát hiện trường hợp vận chuyển gia cầm từ tỉnh Kon Tum xâm nhập vào tỉnh Gia Lai. Dù vậy, lực lượng được phân công làm nhiệm vụ tại trạm vẫn duy trì trực chốt chặn, kiểm soát tình hình vận chuyển gia cầm, các phương tiện lưu thông 24/24 giờ với quyết tâm không để lọt gia cầm mang mầm bệnh xâm nhập vào tỉnh lây lan cho đàn gia cầm.
Tại một hướng khác, tuyến quốc lộ 19, ông Nguyễn Văn Quý, Trạm trưởng Trạm Kiểm dịch động vật Song An (thị xã An Khê, tỉnh Gia Lai), địa bàn giáp ranh với tỉnh Bình Định, cho biết: Quá trình kiểm tra, kiểm soát chưa phát hiện trường hợp vận chuyển gia cầm, sản phẩm gia cầm quy mô lớn xâm nhập vào tỉnh, mà chỉ phát hiện các trường hợp vận chuyển nhỏ lẻ chủ yếu từ địa bàn tỉnh Bình Định vào Gia Lai. Theo đó, trạm đã phát hiện, xử lý trả về nơi xuất phát 15 trường hợp vận chuyển gần 1.700 con gà và 5.700 quả trứng.
Ứng phó khẩn cấp
Bộ NN-PTNT vừa ban hành kế hoạch hành động ứng phó khẩn cấp với các chủng virus cúm gia cầm nguy hiểm có khả năng lây sang người. Theo Bộ NN-PTNT, virus cúm A/H7N9 được xác định có nguồn gốc từ gia cầm nhưng chưa gây bệnh lâm sàng cho gia cầm. Tuy nhiên, virus lây truyền từ gia cầm sang người, gây bệnh cho người và tỷ lệ tử vong rất cao. Hiện tại, dịch mới chỉ bùng phát ở Trung Quốc nhưng có nguy cơ lây lan rộng.
Hiện nay, virus đã được phát hiện trên cả gia cầm và người tại tỉnh Quảng Tây giáp biên giới với Việt Nam, nhưng chưa phát hiện thấy trên gia cầm và trên người tại Việt Nam. Song một số nghiên cứu về việc vận chuyển gà loại thải ở Trung Quốc cho thấy nhiều gà loại thải được vận chuyển từ phía Bắc xuống phía Nam, đưa vào tỉnh Quảng Tây và tỉnh Vân Nam giáp với Việt Nam, trong đó có qua các tỉnh đã phát hiện virus cúm A/H7N9. Virus cũng đã được phát hiện trên gia cầm và người ở tỉnh Quảng Tây giáp với 4 tỉnh biên giới phía Bắc của Việt Nam.
Trong khi đó, các hoạt động buôn bán, vận chuyển bất hợp pháp động vật và sản phẩm động vật qua biên giới vẫn chưa hoàn toàn chấm dứt. Vì vậy, nguy cơ virus cúm A/H7N9 xâm nhập vào Việt Nam trong thời gian tới là rất cao, nhất là tại các tỉnh biên giới phía Bắc và các tỉnh có liên quan tới buôn bán, tiêu thụ gia cầm, sản phẩm gia cầm nhập lậu, không rõ nguồn gốc.
Trước nguy cơ dịch có thể lây lan rộng và nguy hiểm, Bộ NN-PTNT đã đưa ra 4 kịch bản, gồm: tình huống 1: chưa phát hiện virus cúm A/H7N9 trên gia cầm, môi trường và trên người; tình huống 2: chưa phát hiện virus cúm A/H7N9 trên gia cầm và môi trường, nhưng có người mắc bệnh; tình huống 3: phát hiện virus cúm A/H7N9 trên gia cầm hoặc môi trường, nhưng chưa có người mắc bệnh; tình huống 4: phát hiện virus cúm A/H7N9 trên gia cầm hoặc môi trường và có người mắc bệnh.
Ứng với mỗi tình huống sẽ có những kế hoạch hành động cụ thể làm cơ sở cho các bộ, ngành liên quan và địa phương triển khai thực hiện. Mục tiêu là nhằm chủ động phát hiện và sẵn sàng ngăn chặn, giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm cho người và tác động bất lợi nếu virus cúm A/H7N9 xâm nhập vào Việt Nam. Đặc biệt là giảm thiểu nguy cơ virus cúm A/H7N9 xâm nhập vào Việt Nam qua hoạt động nhập lậu gia cầm, sản phẩm gia cầm. Giảm thiểu nguy cơ virus cúm A/H7N9 lây nhiễm cho đàn gia cầm và cho người. Giảm thiểu tác động tiêu cực cho kinh tế, xã hội.
12 tỉnh có gia cầm bị dịch cúm
Thông tin từ Cục Thú y (Bộ NN-PTNT), tính đến ngày 17-2, cả nước đã có 12 tỉnh có dịch cúm gia cầm. Tại tỉnh Bạc Liêu và TP Cần Thơ, dịch cúm gia cầm đã tái bùng phát. Riêng tại tỉnh Lào Cai, từ ngày 10-2 đến 15-2 đã xảy ra các ổ dịch cúm gia cầm tại 15 hộ chăn nuôi ở 5 thôn thuộc 3 xã của huyện Bảo Thắng, gồm: thị trấn Phố Lu (thôn Phú Thịnh 1 và Phú Thịnh 2), xã Xuân Giao (thôn Vàng 1) và xã Thái Niên (thôn Quyết Tâm) làm 6.813 con gia cầm mắc bệnh, chết 206 con, tiêu hủy 6.607 con. UBND tỉnh Lào Cai đã công bố dịch cúm gia cầm và triển khai các biện pháp chống dịch. Ngoài ra, một số địa phương khác có xuất hiện các điểm dịch trên đàn gia cầm dưới dạng nhỏ lẻ (một vài hộ chăn nuôi) nhưng đã được phát hiện và xử lý kịp thời.
Theo SGGP