“Thời gian nghỉ ngơi, thư giãn sẽ giúp các sĩ tử lấy lại trạng thái cân bằng tâm lý. Không nên để con chìm đắm một mình trong nỗi lo lắng thi trượt”, TS. Cao Văn Tuân, Bệnh viện tâm thần Trung Ương I, cho biết.
Cân bằng sinh lý thần kinh
Áp lực thi cử một phần đến từ nỗi lo lắng của cha mẹ Do tỉ lệ người thi thì đông, chỉ tiêu lấy vào thì ít (năm 2012 lấy hơn 400.000 chỉ tiêu cho cả CĐ và ĐH trong tổng số 2 triệu hồ sơ đăng ký thi) nên kết quả thi đại học luôn là áp lực lớn nhất đè nặng lên tâm lý thí sinh. Đặc biệt là sự kỳ vọng của gia đình vô tình đã trở thành áp lực khiến các sĩ tử luôn bị ám ảnh sau kỳ thi. Do vậy mà những bậc phụ huynh trong thời điểm cùng con em chờ ngày “cá chép hóa rồng” đóng một vai trò rất lớn để giảm stress cho các sĩ tử.
Anh Lê Văn Tiến (Nghệ An) chia sẻ : “Thi đại học không phải là việc chỉ được làm một lần và cũng không phải là con đường duy nhất dẫn vào đời! Mình đã nói như thế với con trai khi cháu kết thúc môn thi cuối cùng, để cho cháu có cảm giác thoải mái”.
Sau khi thi xong, suy nghĩ nhiều, chán nản do bài làm không tốt, làm được thì vẫn phấp phỏng, lại chịu áp lực từ gia đình có thể khiến các em bị trầm cảm. Em Nguyễn Thị Tình (Thanh Hóa) chia sẻ: “Nhà em, các anh chị đều đỗ Đại học nên bố mẹ kỳ vọng ở em nhiều lắm. Thi xong ngày nào em cũng xem đi xem lại đáp án, em rất lo về kết quả thi của mình”.
“Việc kỳ vọng quá nhiều của các bậc phụ huynh, không thông cảm cho con, vô tình trở thành gánh nặng tinh thần cho các em,khiến các em thường tự trách mình, trầm cảm. Kì thi đã qua đi, thời gian này đang đợi kết quả, bố mẹ nên tạo cho con tâm lý thoải mái, dù kết quả có thế nào thì cũng không sao, để các em lấy lại cân bằng sinh lý thần kinh, tránh các bệnh về thần kinh”, TS. Cao Văn Tuân, Bệnh viện tâm thần TƯ I, cho biết.
Đi du lịch kết hợp thể dục thể thao
Ngay sau kỳ thi đại học kết thúc, anh Nguyễn Văn Sơn (Lào Cai) đã nghỉ phép để đưa con gái đi chơi ở Hải Phòng một tuần. Anh chủ động thuê nhà nghỉ tách con khỏi hẳn mạng Internet để con không thể ngày nào cũng vào mạng tới mấy lần để thấp thỏm chờ điểm.
Suốt thời gian nghỉ, anh có nhiều cơ hội trò chuyện với con về các ngả đường vào đời đang mở rộng ở phía trước. “Chuẩn bị trước như thế này để lỡ con có trượt đại học cũng không bị rơi vào tình trạng buồn phiền, trầm cảm, có những suy nghĩ tiêu cực”, anh Sơn chia sẻ.
TS. Tuân cho biết thêm: “Ngay khi kết thúc những kỳ thi, cha mẹ nên giải tỏa căng thẳng cho con bằng những chuyến du lịch, nghỉ ngơi, giúp con dứt bỏ những lo âu, căng thẳng suốt thời gian dài cật lực học tập, ôn luyện, mong ngóng kết quả. Thời gian nghỉ ngơi, thư giãn đối với các sĩ tử lúc này nhằm lấy lại trạng thái cân bằng tâm lý. Không nên để con chìm đắm một mình trong nỗi lo lắng thi trượt”.
Sau khi thi xong, các sĩ tử có xu hướng “xả hơi” bằng cách ngủ nướng cả ngày, ngồi lì xem tivi hay lướt web. Đây là những việc làm không hề bổ ích. Bởi với thời gian học và ôn thi kéo dài, phải ngồi gò lưng bên sách vở hàng giờ, hàng ngày khiến con người sinh ra trì trệ, mệt mỏi khi ngồi một chỗ. Điều tốt nhất đưa bản thân thoát hỏi tình trạng này là tham gia các hoạt động thể dục thể thao. Các bạn trai có thể tham gia chơi thể thao như: đá bóng, bóng chuyền... Các bạn gái có thể đi bơi, tập aerobic, cầu lông hoặc bất kỳ hoạt động ngoài trời nào.
“Các bậc phụ huynh nên khuyến khích và tạo điều kiện để các em tham gia các hoạt động này vì khi vận động thần kinh sẽ thoải mái, tăng hệ thống miễn dịch.Cơ thể sẽ sinh sản nhiều hoóc môn endorphin hơn từ 1-2 giờ sau khi thể dục, điều này có tác dụng cải thiện tâm trạng và mang lại cảm giác thư thái cho các em. Hoạt động thể chất cũng giúp các em cải thiện chế độ ăn uống, giảm căng thẳng. Một số nghiên cứu cho rằng thể dục có thể hỗ trợ trong điều trị trầm cảm”, BS Tuân khuyên.
Thời gian công bố kết quả thi ĐH cũng sắp đến nên trong khi các sĩ tử chờ thành quả 12 năm các bậc phụ huynh nên tạo môi trường và tâm lý thật thoải mái cho con em mình để các em có thể tránh được cú sốc tâm lý dù đỗ hay trượt.
Theo Dân Trí