Thông tin từ Cục Quản lý tài nguyên nước thuộc Bộ TN&MT cho biết, sau khi họp bàn, Liên hiệp quốc đã thống nhất chọn chủ đề cho Ngày Nước thế giới năm 2022 là “Nước ngầm” (Groundwater). Ngay sau khi được chọn, từ khóa này đã được đông đảo người dùng internet trên toàn thế giới tìm kiếm. Tại Việt Nam - một quốc gia có bờ biển kéo dài hàng ngàn ki-lô-mét - từ khóa này cũng được đông đảo người dân quan tâm.
Kết quả điều tra, khảo sát của Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước quốc gia cho thấy, đến nay, tổng lượng tài nguyên nước dưới đất của cả nước ước đạt khoảng 91 tỷ m3/năm, tương ứng với 250,7 triệu m3/ngày; nước nhạt khoảng 69 tỷ m3/năm (189,3 triệu m3/ngày). Trong đó, trữ lượng nước nhạt đã được cấp phép khai thác toàn quốc hiện đạt 3,6 tỷ m3/năm (9,9 triệu m3/ngày), trữ lượng tài nguyên nước ngầm còn có thể khai thác dự kiến là 22,3 tỷ m3/năm (61,2 triệu m3/ngày).
Dù trữ lượng nước ngầm của Việt Nam còn khá phong phú, nhưng do sự phát triển không đồng đều về kinh tế - xã hội và sự phân bố dân cư giữa các khu vực thành thị và nông thôn nên việc khai thác, sử dụng nước ngầm đã diễn ra một cách thiếu cân bằng. Theo đó, lưu lượng và chất lượng nước ngầm tại các khu vực thành thị đang có xu hướng thiếu hụt nước ngầm do bị khai thác, sử dụng quá đà; trong khi đó một số vùng nông thôn lượng nước ngầm vẫn được bảo đảm phong phú, dồi dào về trữ lượng và chất lượng.
Để quản lý tốt nguồn tài nguyên nước ngầm quý giá, thời gian qua Sở TN&MT đã tham mưu UBND tỉnh ban hành một số văn bản quy định. Các văn bản này dựa vào kết quả điều tra, khảo sát về chất lượng, lưu lượng nước ngầm tại các điểm thăm dò để đưa ra những vùng hạn chế khai thác để duy trì và cải thiện chất lượng, lưu lượng nước ngầm. Trách nhiệm quản lý của đơn vị chuyên ngành cùng sự chung tay trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân, nguồn tài nguyên nước ngầm được kỳ vọng sẽ được bảo vệ tốt.
KHÁNH LINH