Dù biết rõ tác hại của túi nylon đối với sức khỏe của bản thân và cộng đồng nhưng hiện nay, đại đa số người tiêu dùng trong nước vẫn sử dụng túi nylon vì những tiện ích mà nó mang lại. Chính vì vậy, hạn chế và tiến tới không sử dụng túi nylon rất cần được tiến hành rộng rãi, đồng bộ và sự hợp sức của cộng đồng.
Những thói quen tiêu cực
Theo quan sát của phóng viên, tại một tiệm bán bánh mì trên đường Lý Thường Kiệt, phường Phú Cường, TP.Thủ Dầu Một, trong vòng 15 phút chủ tiệm này dùng hết 30 túi nylon. Tại các chợ trên địa bàn, nhiều khách hàng vẫn có thói quen dùng bao nylon của người bán để đựng hàng. Nhiều khách hàng cho biết, việc sử dụng túi nylon đã trở thành thói quen, nên dù biết túi nylon có thể gây ô nhiễm môi trường nhưng tới chợ chọn mua bó rau hay con cá người bán hàng đều dùng túi nylon đựng. “Tôi cũng thấy như thế rất tiện lợi, mỗi loại thực phẩm đều được đựng túi riêng, hạn chế được mùi và dễ dàng treo, móc trên xe máy”, bà Nguyễn Thị Hà Thanh, đang mua hàng ở chợ Lái Thiêu (phường Lái Thiêu, TX.Thuận An) nói.
Người dân vẫn có thói quen dùng bao nylon để đựng hàng, thay vì sử dụng túi giấy thân thiện với môi trường. Ảnh: THANH HỒNG
Theo đại diện các siêu thị trên địa bàn tỉnh, có rất nhiều trường hợp khách hàng xin nhân viên siêu thị cho thêm túi nylon, nếu không được đáp ứng thường bị khách hàng làm khó dễ, khi đó quản lý siêu thị phải ra hòa giải. Người bán cũng chỉ muốn vừa lòng khách hàng, cho thêm túi đựng được coi như một cử chỉ quan tâm. Thói quen sử dụng túi nylon thể hiện rất rõ qua con số thống kê tại 7 siêu thị hệ thống Big C tiêu tốn 20 tấn/ tháng, tương đương 3 triệu túi nylon (150 túi/kg). Đại diện Big C cho biết, siêu thị đã và đang nỗ lực hạn chế sử dụng tràn lan túi ni lông. Còn tại các siêu thị khác trên địa bàn tỉnh, tình hình sử dụng túi ni lông cũng tỉ lệ thuận với sức mua của khách hàng.
Không chỉ sử dụng nhiều túi nylon, hiện nay một bộ phận không nhỏ người dân còn có hành vi ứng xử không tốt khi túi nylon được sử dụng xong liền bị vứt vào sọt rác, cống rãnh, mương thoát nước, vườn hoa, vỉa hè, lòng đường. Vì vậy, nạn ô nhiễm túi nylon ngày càng nghiêm trọng.
Cần giải pháp căn cơ
Trong thời gian qua, nhà nước đã thực hiện nhiều giải pháp giảm thiểu việc sử dụng sản phẩm không thân thiện môi trường này, như đánh thuế môi trường đối với túi nylon; tái chế, tái sử dụng túi nylon... Bên cạnh đó, nhiều tổ chức đã triển khai các cuộc vận động sử dụng túi giấy, tặng túi tự hủy sinh học; một số doanh nghiệp đã chuyển đổi công nghệ, vật liệu để sản xuất túi nylon thân thiện môi trường… Tuy vậy, để việc bảo vệ môi trường, hạn chế và tiến tới không sử dụng túi nylon rất cần các giải pháp căn cơ.
Bà Nguyễn Thị Thảo, người dân ở phường Thới Hòa, TX.Bến Cát, phản ánh việc phân loại tại nguồn thải đã được áp dụng tại nhiều nơi nhưng hiệu quả chưa cao. Như ở địa phương, khi thực hiện chủ trương phân loại rác thải tại nguồn người dân đã phân loại sẵn rác vô cơ và hữu cơ, nhưng có khi người gom rác thì lại đổ lộn xộn các loại rác với nhau lên xe gom rác. Do vậy, cơ quan chức năng cần trang bị 2 loại thùng rác vô cơ và hữu cơ để những người gom rác cùng người dân thực hiện phân loại rác từ nguồn.
Theo bà Trần Thị Ngọc, Chi hội trưởng Chi hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng TX.Thuận An, nếu nói rằng tuyên truyền để nâng cao ý thức của người dân thôi thì chưa đủ, bởi đánh thuế môi trường đối với túi nylon phần nào đánh vào kinh tế của những người tiêu dùng nhằm hạn chế việc sử dụng túi nylon, nhưng vì lợi ích trước mắt mà túi nylon mang lại thì người tiêu dùng vẫn lựa chọn sử dụng túi nylon trong sinh hoạt hàng ngày của họ. Do đó, việc đánh thuế môi trường và tuyên truyền thông qua các buổi tập huấn cũng cần phải xem xét lại hiệu quả thực sự của nó. Bà Ngọc cho rằng, Nhà nước cũng cần áp dụng giải pháp cấm nhập khẩu, sản xuất túi nylon nhằm hạn chế tối đa những ảnh hưởng tiêu cực đối với môi trường; đồng thời cần có sản phẩm thay thế ngoài bảo đảm về vấn đề môi trường còn phải tiện lợi thì người tiêu dùng sẽ lựa chọn.
Thạc sĩ Đào Minh Trung, trường Đại học Thủ Dầu Một, cho rằng để góp phần hạn chế chất thải nhựa và nylon, việc giảm thiểu và hướng đến không sử dụng túi nylon cần nhiều giải pháp, gồm về mặt quản lý và kỹ thuật. Theo đó, bên cạnh việc người dân để tách riêng túi nylon với rác thải khác nhằm thu gom, xử lý triệt để rác thải ra môi trường thì cũng cần tác động các cấp, các ngành liên quan, như đánh thuế ngành sản xuất bao nylon nhưng giảm thuế cho ngành sản xuất dụng cụ có thể tái chế được. Đồng thời, cần có cơ chế giám sát và xử phạt nặng việc xả thải vượt mức quy định đề ra. Cùng với đó là các giải pháp cải tiến công nghệ sản xuất sản phẩm tạo ra sản phẩm thay thế; tổ chức thu gom, tái chế rác thải nhựa phải được tiến hành rộng rãi, đồng bộ và quản lý chặt chẽ…
Các chuyên gia cho biết, túi nylon gây tác hại ngay từ khâu sản xuất, bởi vì việc sản xuất túi nylon phải sử dụng nguyên liệu đầu vào là dầu mỏ và khí đốt, các chất phụ gia chủ yếu được sử dụng là chất hóa dẻo, kim loại nặng, phẩm màu - những chất cực kỳ nguy hiểm tới sức khỏe và môi trường sống của con người. Do đó, trong quá trình sản xuất túi nylon sẽ tạo ra khí CO2 làm tăng hiệu ứng nhà kính, thúc đẩy biến đổi khí hậu toàn cầu.
Mặt khác, túi nylon được làm từ những chất khó phân hủy, khi thải ra môi trường phải mất hàng trăm năm đến hàng ngàn năm mới bị phân hủy hoàn toàn. Sự tồn tại của nó trong môi trường sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới đất và nước, bởi túi nylon lẫn vào đất sẽ ngăn cản oxy đi qua đất, gây xói mòn đất, làm cho đất bạc màu, không tơi xốp, kém chất dinh dưỡng, từ đó làm cho cây trồng chậm tăng trưởng.
THANH HỒNG