Chuyển đổi số để phát triển sản xuất, kinh doanh bền vững

Cập nhật: 01-07-2023 | 09:09:10

Chuyển đổi số (CĐS) là một trong những đột phá chiến lược để phát triển kinh tế - xã hội, là yếu tố quan trọng để nâng cao năng lực cạnh tranh, phát triển bền vững của doanh nghiệp (DN). Để cung cấp kiến thức, kinh nghiệm thực tiễn cho DN trong quá trình CĐS, Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật (KH-KT) tỉnh vừa tổ chức hội thảo “Một số giải pháp hỗ trợ DN vừa và nhỏ CĐS”.

Xu thế tất yếu

Hiện nay, CĐS đang diễn ra mạnh mẽ trong tất cả các lĩnh vực, đặc biệt là thương mại và công nghiệp. Việc tăng tốc quá trình tích hợp các công nghệ kỹ thuật số sẽ giúp thay đổi căn bản cách thức vận hành, mô hình kinh doanh và cung cấp các giá trị mới cho khách hàng của DN. Ông Lai Xuân Thành, Chủ tịch Liên hiệp các Hội KH-KT tỉnh cho biết các DN Việt Nam, nhất là DN vừa và nhỏ vẫn chưa nhận thức đầy đủ vai trò CĐS trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Theo Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), hiện nay DN vừa và nhỏ của Việt Nam chiếm khoảng 97% tổng số DN, trình độ khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo còn thấp, mô hình sản xuất và quản lý đã lạc hậu, nếu không kịp thay đổi sẽ khó cạnh tranh với các DN khởi nghiệp áp dụng công nghệ mới trên các lĩnh vực truyền thống.

CĐS giúp các DN phát triển nhanh hơn để bắt kịp với thị trường. Trong ảnh: Diễn giả Hoàng Minh Nghiệp trình bày một trong những giải pháp ứng dụng CĐS trong việc kiểm soát chất lượng sản phẩm tại hội thảo

Do ảnh hưởng của tình hình kinh tế khó khăn chung thế giới, các DN cần tái cấu trúc, điều chỉnh chiến lược kinh doanh hoặc phải giải thể. Nhu cầu đổi mới là vấn đề sống còn đối với DN, trong đó việc thực hiện các quy trình CĐS phù hợp có ý nghĩa rất quan trọng. Hội thảo “Một số giải pháp hỗ trợ DN vừa và nhỏ CĐS” đã giới thiệu một số giải pháp hỗ trợ, từng bước thực hiện tối ưu hóa hoạt động, nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh, năng lực và lợi thế cạnh tranh tạo ra giá trị mới cho DN, góp phần phát triển kinh tế số tại địa phương.

Theo ông Huỳnh Tấn Lợi, Trưởng phòng Kinh doanh Công ty Cổ phần In tổng hợp Bình Dương, CĐS là xu hướng chung của thời đại. Trong mọi ngành nghề và mọi quy mô, DN đều cần ứng dụng công nghệ nhằm tối ưu hóa và tự động hóa quá trình vận hành. Hiện nay, Công ty Cổ phần In tổng hợp Bình Dương đang áp dụng công nghệ số trong quản lý, sử dụng phần mềm chấm công bằng nhận diện khuôn mặt, sử dụng phần mềm kế toán mới, quản lý từ xa. Bên cạnh đó ứng dụng Zalo để trao đổi thông tin, hội họp trực tuyến...

Các giải pháp hỗ trợ

Thực tế có rất nhiều DN dù muốn CĐS nhưng còn gặp nhiều trở ngại, vấn đề lớn nhất là bản thân DN chưa hiểu rõ về CĐS, hạn chế về kiến thức chuyên môn, tư duy chưa theo kịp với tốc độ thay đổi của công nghệ. Tại buổi hội thảo, với sự tham gia của các chuyên gia, nhà nghiên cứu, nhà quản lý... đã phần nào cung cấp những thông tin bổ ích, những giải pháp hữu hiệu giúp các DN vừa và nhỏ trên địa bàn tỉnh thuận lợi thực hiện CĐS.

Với giải pháp “Ứng dụng công nghệ số vào công tác phân tích, dự báo thị trường”, ông Thái Hoàng Tú, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Truyền thông SBUSINESS đã giới thiệu về xu hướng tìm hiểu thị trường bằng công nghệ số để giúp các DN vận hành vào tổng hợp, phân tích, đưa ra dự báo và xây dựng chiến lược, kế hoạch hành động phù hợp. Ông Thái Hoàng Tú, cho biết: “Phân tích và dự báo thị trường là một trong những hoạt động quan trọng của DN để hiểu được nhu cầu, mong muốn, hành vi của khách hàng cũng như để định hướng, chiến lược sản xuất, kinh doanh và tiếp thị. Rất nhiều DN sợ rủi ro, khủng hoảng, nhất là các DN khởi nghiệp cần thông tin để chắc chắn lĩnh vực đầu tư sẽ ít rủi ro, mang lại hiệu quả tốt. Để dự báo được thị trường phải có công cụ CĐS mới theo dõi, cập nhật thông tin hàng ngày”.

Bên cạnh đổi mới chiến lược, cấu trúc, có rất nhiều DN đang nhận được đơn hàng, có doanh thu nhưng phạm vi kinh doanh lại đang bị thu hẹp dần do sự cạnh tranh khốc liệt của nền kinh tế số. Để đẩy mạnh việc quảng bá sản phẩm, tăng lượt tương tác người dùng, ông Trần Hữu Duật, chuyên gia tư vấn marketing chiến lược kinh doanh chuỗi nhượng quyền thương hiệu, giảng viên Khoa Công nghệ thông tin trường Đại học Bình Dương đã mang đến giải pháp “Ứng dụng công nghệ 3D, thực tế ảo trong tiếp thị bán hàng”.

Đối với các DN sản xuất có doanh thu, thị phần ổn định, việc phát triển bền vững, kiểm soát được sản phẩm là yêu cầu quan trọng. Tuy nhiên, cách thức, phương thức kiểm soát chất lượng sản phẩm cũng cần phải thích ứng và cải tiến liên tục. Việc áp dụng công nghệ số sẽ đáp ứng được những thay đổi và yêu cầu nâng cao của thị trường. Giải pháp “Ứng dụng công nghệ số trong kiểm soát chất lượng sản phẩm” của chuyên gia Hoàng Minh Nghiệp, Giám đốc tư vấn sản xuất và chất lượng dịch vụ BDSC đã giúp các DN có thể ứng dụng công nghệ số vào kiểm soát chất lượng sản phẩm một cách hiệu quả và minh bạch. Ngoài ra, chuyên gia công nghệ của Công ty Mobifone cũng đã giới thiệu giải pháp tổng thể hỗ trợ DN CĐS, bao gồm các giải pháp về chiến lược, công nghệ, con người, quản trị và văn hóa, những kinh nghiệm thực tiễn... để giúp các DN tiến hành CĐS thành công.

Ông Hoàng Minh Nghiệp, Giám đốc tư vấn sản xuất và chất lượng dịch vụ BDSC: Nếu muốn cạnh tranh với các DN nước ngoài chúng ta phải CĐS. Cần nhận ra sự khác biệt quan trọng giữa hệ thống quản trị chất lượng của một công ty đang làm thủ công với hệ thống quản trị chất lượng công nghệ số. Làm thế nào để tổ chức hiệu quả nguồn lực của mình để giảm chi phí hoạt động của DN, đây là yếu tố cốt lõi để cạnh tranh với DN nước ngoài.

TIẾN HẠNH

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=398
Quay lên trên