Chuyện học ở một gia đình nông dân

Cập nhật: 07-09-2013 | 00:00:00

 7 người con của chú Bình - cô Loan (5 trai, 2 gái) hiện nay đều có công ăn việc làm ổn định. Trong đó, người con gái đầu đã tốt nghiệp đại học, hiện đang học văn bằng hai và chuẩn bị thi cao học; con trai thứ hai đang công tác tại trường Trung cấp An ninh ở Đồng Nai; con trai thứ ba đang công tác tại Cục An ninh phía Nam; con trai thứ tư tốt nghiệp cao đẳng; con gái thứ năm tốt nghiệp đại học, đang làm kế toán cho doanh nghiệp tư nhân; con trai thứ 6 đang công tác tại Công an huyện Tân Uyên và người con út cũng đã tốt nghiệp Trung cấp An ninh.    Chú Bình - cô Loan nói rằng, hạnh phúc của cô chú là 7 người con đều đã trưởng thành

Bây giờ chú Bình - cô Loan “không còn khổ cực như hồi mấy đứa con còn nhỏ”, nhưng nhớ lại những ngày đó cô chú không khỏi ngậm ngùi. Chú Bình chia sẻ: “Từ trước đến nay gia đình chú chỉ gắn bó với nghề nông, cụ thể là làm lúa và chăn nuôi vịt. Hồi mới cưới nhau, hai vợ chồng ra riêng không có đất, ruộng gì hết. Cực khổ thế nhưng ông bà hai bên cứ động viên sinh nhiều con, nên đã cực càng khổ thêm. Không có ruộng, vợ chồng phải đi mướn ruộng làm, nhưng vẫn không đủ ăn, thường xuyên mượn gạo của bà con chòm xóm, đến vụ lúa trả lại sau. Đông con nên làm mấy cũng không đủ ăn, cô chú đi mượn thêm vốn để chăn nuôi vịt. Không ngờ, nhờ chăn nuôi vịt mà cuộc sống của gia đình dần được cải thiện. Cô chú nuôi được 7 đứa con đi học là nhờ nuôi vịt đó…”. Biết ba mẹ cực khổ nhưng vẫn quyết tâm cho con cái đến trường, nên những đứa con của cô chú rất ham học và chăm làm. Đứa nào cũng một buổi đi học, một buổi phụ ba mẹ chăn nuôi vịt ngoài đồng, vậy mà không có ai phải dở dang chuyện học giữa chừng. “Mình thiếu học nên vất vả. Để con cái không phải khổ cực như ba mẹ, cô chú luôn dạy con vươn lên bằng cách học. Học để sau này không phải vất vả cả ngày ngoài đồng như ba mẹ và để có tương lai tươi sáng hơn. Ngày đi làm, tối về vợ chồng tranh thủ dạy kèm thêm cho con. Khi chúng học lên cao hơn, mình không kèm nổi nữa thì đứa lớn kèm đứa nhỏ. Rồi mình đi tìm những cuốn sách hay cho con đọc để hiểu biết thêm nhiều điều trong cuộc sống. Không có tiền nhưng con học đến đâu cô chú nuôi đến đó”, cô Loan tâm sự.

Ngoài việc học, cô chú còn rèn dạy cho con nhiều đức tính tốt, như: kính trên nhường dưới, biết giúp đỡ người khác khi khó khăn hoạn nạn, vui vẻ với tất cả mọi người… Cô Loan nói rằng, bây giờ 7 đứa con đều đi làm có tiền, hàng tháng chúng hùn tiền lại cho ba mẹ có thêm chút đỉnh để xài. Nhưng mình còn sức lao động thì còn đi làm. Mà thật, bây giờ dù kinh tế gia đình đã ổn định và không còn phải lo tiền đi học cho con, nhưng cô chú vẫn làm một mẫu ruộng và nuôi 1.000 con vịt. Trung bình một năm cô chú nuôi từ 3 - 4 lứa vịt, thu nhập mỗi lứa từ 20 - 25 triệu đồng. Đó là chưa kể đến vườn bưởi rộng 3.000m2 cũng cho thu nhập từ 20 - 30 triệu đồng/năm.

Ở mảnh đất Cù lao Bạch Đằng, gia đình cô chú được nhiều người lấy làm tấm gương để giáo dục con mình. Chú Bình nói rằng: “Dù không bằng ai nhưng mình lo được cho con ăn học như thế cũng mãn nguyện rồi. Sống trong xã hội không có gì hạnh phúc bằng con cái của mình biết sống vì người khác và được bà con chòm xóm yêu mến”. Ngoài danh hiệu gia đình hiếu học, gia đình cô chú còn là gia đình văn hóa tiêu biểu nhiều năm liền của xã, huyện. Mới đây nhất, gia đình chú còn được Chủ tịch UBND tỉnh tặng bằng khen vì đã có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua yêu nước giai đoạn 2010-2013.

 CẨM LÝ

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên