Vừa rồi, tôi có dịp đến thăm người bạn có nhà nằm sâu trong một con hẻm nhỏ. Về đêm, con hẻm sáng rực ngay tại đầu hẻm nhờ bóng đèn cao áp rọi xuống từ đường lớn. Thế nhưng khi chạy vào trong, tôi phải dừng lại một chút để đôi mắt mình làm quen với cảnh vật lờ mờ xung quanh vì con hẻm vừa hẹp, vừa tối lại ngoằn ngoèo rất khó chạy xe.
Chạy suốt con hẻm đến nhà người bạn, tôi nhận thấy một điều ngồ ngộ về việc sử dụng điện thắp sáng của những ngôi nhà mặt tiền… hẻm ở đây.
Có đoạn, đường sáng trưng nhờ bóng đèn treo trước hiên nhà và chủ nhân còn cố ý đưa bóng đèn ra gần sát lề đường giúp người qua lại thuận tiện quan sát để tránh né khi đi ngược chiều nhau. Có đoạn, đường lờ mờ tranh tối tranh sáng vì không có nhà nào thắp đèn trước sân, chỉ có chút ánh sáng hắt ra từ cửa chính hoặc cửa sổ.
Nghe tôi kể, anh bạn cho biết thêm, điều nghịch lý là có đoạn đường cả mấy căn nhà đối diện nhau đều cùng mở đèn ngoài sân suốt đêm trong khi chỉ cần một nhà thắp sáng một bóng đèn là đủ, có đoạn thì tối thui vì không có một bóng đèn nào được thắp sáng.
Những con hẻm về đêm rất cần ánh sáng cho những người vì công việc mưu sinh phải đi sớm về tối; những người buôn gánh bán bưng chịu thương chịu khó lặn lội vào từng ngôi nhà ở các con hẻm để bán từng chiếc bánh chưng bánh giò và các em nhỏ bán vé số đỡ vất vả khi chẳng may giẫm phải phân chó hay xác chuột chết…
Để sử dụng ánh sáng điện phục vụ sinh hoạt cộng đồng cư dân hẻm sao cho hợp lý và tiết kiệm trước hết là ý thức của mỗi người dân. Bên cạnh đó, Ban điều hành khu phố cũng cần trao đổi ý kiến của bà con, tìm cách phân bổ ánh sáng sao cho đều suốt con hẻm vừa thuận tiện trong sinh hoạt của người dân vừa tiết kiệm, an toàn, tránh tình trạng chỗ thừa chỗ thiếu.
MINH HOÀNG