Cơ hội phát triển du lịch đường sông

Cập nhật: 15-07-2020 | 07:35:00

 Để phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn theo chủ trương Nghị quyết 08-NQ/TW của Bộ Chính trị, trong thời gian qua, Bình Dương đã triển khai thực hiện nhiều chương trình nhằm thúc đẩy ngành du lịch ngày càng phát triển. Trong đó, du lịch đường sông được xác định có ý nghĩa rất quan trọng, mở ra cơ hội mới đối với sự phát triển du lịch của tỉnh nhà...

 Di tích nhà cổ ông Trần Văn Hổ, trên đường Bạch Đằng, phường Phú Cường (TP.Thủ Dầu Một) là một trong những điểm đến trong tuyến du lịch đường sông

 Khai thác lợi thế

Trên địa bàn tỉnh hiện có 4 con sông lớn chảy qua, gồm sông Sài Gòn, sông Đồng Nai, sông Bé và sông Thị Tính. Dọc theo các con sông ấy là hệ thống cảnh quan thiên nhiên đẹp, những vườn cây trái xanh mướt quanh năm, những cù lao trên sông (cù lao Bạch Đằng, cù lao Rùa) hay các bãi bồi ven sông… Theo đánh giá của Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL), đây là những điều kiện có thể khai thác để hình thành các khu du lịch nghỉ dưỡng cuối tuần, tham quan du lịch sinh thái miệt vườn ven sông và các tour du lịch sông nước.

Từ những lợi thế ven sông mà Bình Dương sẵn có, có thể khai thác các sản phẩm du lịch phục vụ nhu cầu của du khách. Đầu tiên là sản phẩm du lịch sông nước, du lịch sinh thái miệt vườn tham quan các vườn cây ăn trái ven sông (vườn cây ăn trái Lái Thiêu, vườn cây ăn trái Phú Thọ, Tương Bình Hiệp, Tân An, Phú An, Thanh Tuyền…). Một trong những sản phẩm có thể khai thác nữa, đó là du lịch văn hóa. Đến với du lịch văn hóa bằng đường sông, du khách có thể tham quan các di tích, điểm đến văn hóa phân bố dọc trên bờ có khoảng cách gần với các sông, như di tích đình Phú Long, nhà cổ ông Trần Văn Hổ, chợ Thủ Dầu Một, miếu Bà Thiên Hậu…

Du lịch tham quan các làng nghề truyền thống cũng là lợi thế của Bình Dương để khai thác phục vụ du lịch đường sông. Trên địa bàn tỉnh từ lâu đã có các nghề truyền thống nổi tiếng lâu đời, như gốm sứ, làng nghề sơn mài Tương Bình Hiệp, nghề chạm điêu khắc gỗ Phú Thọ, lò lu Đại Hưng, nghề làm guốc, làm heo đất… Sản phẩm của các làng nghề này không chỉ được người dân địa phương biết đến mà còn vươn ra các tỉnh, thành khác và cả nước ngoài.

Cơ hội để phát triển

Trong thời gian qua, việc khai thác phát triển du lịch đường sông đã được thực hiện. Ông Nguyễn Thanh Phong, Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL, cho biết năm 2017 sở đã phối hợp với Sở Du lịch TP.Hồ Chí Minh và Công ty Saigontourist khai trương và đưa vào khai thác tuyến du lịch đường sông đầu tiên từ Tân Cảng (TP.HCM) đến bến Bạch Đằng (TP.Thủ Dầu Một). Đây là 1 trong 7 tuyến du lịch đường sông được Saigontourist đưa vào khai thác phục vụ khách tham quan từ tháng 10-2017 đến nay. Sau khi đưa vào khai thác, Saigontourist đã tổ chức nhiều tour du lịch, với hàng trăm lượt khách đến Bình Dương tham quan bằng đường sông, trong đó có rất nhiều khách quốc tế.

Để khai thác, phục vụ phát triển tuyến du lịch đường sông ngày càng hiệu quả hơn, Sở VH-TT&DL tỉnh cũng đã tham mưu UBND tỉnh chấp thuận chủ trương quy hoạch cải tạo cảng Bà Lụa thành cảng du lịch. Đặc biệt, sở đã tham mưu UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 4352/KH-UBND ngày 28-8-2019 về phát triển tuyến và các sản phẩm du lịch đường sông trên địa bàn tỉnh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

Theo ông Phong, kế hoạch được ban hành là điều kiện thuận lợi để khai thác những lợi thế về tài nguyên thiên nhiên, các vườn cây ăn trái ven sông kết hợp khai thác các di sản văn hóa, làng nghề truyền thống phục vụ du khách đến bằng đường sông, hình thành các sản phẩm du lịch mới, hấp dẫn đáp ứng nhu cầu tham quan, vui chơi giải trí của du khách trong và ngoài tỉnh. Theo kế hoạch, từ nay đến năm 2030, tỉnh sẽ đầu tư xây dựng thêm nhiều bến hành khách phục vụ phát triển tuyến du lịch đường sông. Song song với việc đầu tư các bến hành khách thì chủ trương của UBND tỉnh còn kết hợp xây dựng các nhà chờ, bến đỗ xe, phương tiện trung chuyển hành khách tham quan và các sản phẩm du lịch phục vụ du khách đến bằng đường sông.

Mới đây, TP.Hồ Chí Minh đã khai trương vận hành tuyến tàu cao tốc đi từ bến Bạch Đằng (TP.HCM) - Bình Dương - địa đạo Củ Chi (TP.HCM) và ngược lại. Tuyến tàu do Công ty TNHH Công nghệ xanh DP tổ chức. Tại Bình Dương, tàu sẽ cập tại bến Tiamo (TP. Thủ Dầu Một). Ngày 17-7 tới đây, tuyến tàu đầu tiên sẽ chính thức đi vào hoạt động. Sự ra đời của tuyến tàu đường sông này không chỉ phục vụ nhu cầu đi lại của người dân, mà còn thúc đẩy hoạt động du lịch của 2 địa phương. Đây chính là cơ hội, là tiền đề để du lịch Bình Dương khai thác hiệu quả các bến hành khách (sau khi được đầu tư theo kế hoạch của tỉnh), đưa lượng khách du lịch đến với Bình Dương bằng đường sông ngày càng nhiều hơn.

Thực hiện Nghị quyết 08-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn, Bình Dương cũng xác định ngành du lịch là ngành kinh tế quan trọng. Để phát triển ngành du lịch thành ngành kinh tế quan trọng, chúng tôi đã tập trung củng cố, đầu tư, xây dựng các sản phẩm du lịch hiện có, nâng cao giá trị di tích, phát triển thêm các khu, điểm du lịch, xác định những sản phẩm du lịch mới nhằm thu hút du khách về với Bình Dương. Một trong những kế hoạch phát triển du lịch trong thời gian tới là du lịch đường sông, tỉnh đã có chủ trương và ban hành kế hoạch thực hiện. Hiện nay, tỉnh và ngành du lịch Bình Dương đang từng bước phát triển về du lịch đường sông...

(Ông Nguyễn Thanh Phong, Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL)

 HỒNG THUẬN  

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=1313
Quay lên trên