Kết quả phát triển toàn diện của Bình Dương hiện nay có sự đóng góp rất lớn của đội ngũ công nhân lao động (CNLĐ). Tôn vinh những nét đẹp của CNLĐ trong quá trình xây dựng và phát triển địa phương, nhiều văn nghệ sĩ đã gửi gắm tình cảm vào các tác phẩm nghệ thuật của mình.
Nguồn cảm hứng sáng tạo bất tận
Chia sẻ với chúng tôi về các tác phẩm mỹ thuật từng đoạt giải thưởng trong các sân chơi nghệ thuật trong và ngoài tỉnh, ông Ngô Phước Chánh, Phó Chủ tịch Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh, cho biết hình ảnh CNLĐ được các họa sĩ, nghệ nhân thể hiện rất sinh động qua các tác phẩm tượng điêu khắc (nhiều chất liệu), tranh sơn dầu, tranh lụa, tranh sơn mài… Tiêu biểu như tranh lụa “Nghề truyền thống”, tranh sơn dầu “Đường lô sương sớm” của Phạm Thị Hồng Xuyến, tranh sơn dầu “Công nhân đóng thuyền” của Nguyễn Đình Trí, “Thành phố mới nghỉ trưa” của Nguyễn Văn Đạo, tượng tổng hợp “Công nhân gốm”, “Thông đường” của Nguyễn Hồng Khôi, tượng tổng hợp “Công nhân vận tải” của Ngô Phước Chánh…
Hình ảnh công nhân lao động tỏa sáng qua một tác phẩm nhiếp ảnh
Còn với nghệ sĩ nhiếp ảnh Vũ Ngọc Thuấn, khi ghi lại những khoảnh khắc đẹp của CNLĐ tại nơi làm việc giúp anh hiểu rõ hơn về những mệt nhọc, căng thẳng của họ. Bằng bàn tay, óc sáng tạo, họ đã góp cho đời những sản phẩm thiết yếu, giúp nhiều doanh nghiệp vươn ra thế giới, góp phần tô thắm những bức tranh đô thị tại địa phương.
Khi CNLĐ được nghệ thuật hóa trong các tác phẩm âm nhạc và múa thì càng tỏa sáng những nét đẹp đầy sức sống, năng động. Nhạc sĩ Nguyễn Long cho biết ông có nhiều sáng tác về CNLĐ đoạt nhiều giải thưởng ở Bình Dương. Đó là các ca khúc: “Bình Dương khúc hát mùa xuân”, “Bình Dương hồn nghề xưa”, “Bến Cát khúc tình ca màu xanh”, “Bình Dương rạng ngời sức sống”, “Ban mai”, “Thương lắm Bắc Tân Uyên”, “Ban mai xanh Bàu Bàng”... Với nhạc sĩ, hình ảnh ngày mới năng động đầy sức sống của Bình Dương và các địa phương, trong đó hình ảnh người CNLĐ là gam màu xanh cho bức tranh ngày mới.
Trong tác phẩm múa “Thấu đất” của NSƯT Xuân Thành, người xem dễ dàng cảm nhận được sự cần mẫn của người thợ “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” đã biến những cục đất sét thành những tuyệt tác gốm sứ được cả thế giới biết đến. Sức sống năng động của CNLĐ còn được thể hiện đầy nhiệt huyết trong tác phẩm múa “Bình Dương điểm đến cho tất cả” của NSƯT Thùy Chi. Dù có những khó khăn, thử thách, nhưng CLNĐ vẫn cố gắng vượt qua để hướng tới một tương lai tươi sáng trên mảnh đất đáng sống, thành phố của những ước mơ.
Tri ân bằng nghệ thuật
Giai cấp công nhân trong quá khứ vừa lao động sản xuất, vừa đấu tranh giành lại hòa bình, độc lập cho dân tộc. CNLĐ ngày nay đã biết ứng dụng công nghệ thông tin vào các lĩnh vực để xây dựng quê hương, mang những tinh hoa của dân tộc giới thiệu đến bạn bè quốc tế. Vì thế, CNLĐ không chỉ là nguồn sáng tác bất tận mà còn giúp tác giả tri ân bằng các tác phẩm nghệ thuật.
Bình Dương là tỉnh công nghiệp thu hút nhiều nhân tài từ các nơi tề tựu xây đắp. Trong những năm qua, văn nghệ sĩ đã sáng tạo nghệ thuật như để tri ân CNLĐ như những “con ong” chăm chỉ luôn mang đến cho đời mật ngọt yêu thương. Đây cũng là tiêu chí trong sáng tác của các tác giả. Tri ân để mọi người có thể cảm nhận rõ những giá trị mà những người thợ đang ngày ngày cống hiến; từ đó, khơi dậy trong mỗi người ý thức tự rèn luyện và phấn đấu trong học tập, lao động để chung tay xây dựng quê hương, đất nước ngày càng huy hoàng hơn, “có thể sánh vai với các cường quốc năm châu” như Bác Hồ mong muốn.
Những ấn tượng sâu đậm về CNLĐ còn được thể hiện đặc sắc trong các tiết mục biểu diễn văn nghệ, tiết mục dự thi của nhiều đơn vị tại các chương trình và hội thi, hội diễn trong tỉnh. Những ca khúc, những bài múa được dàn dựng công phu cùng những trang phục đủ sắc màu của CLNĐ các ngành, nghề đã thể hiện tình yêu và lòng biết ơn của các đơn vị đối với những “người thợ” đã miệt mài sản xuất, cống hiến sức lao động sáng tạo của mình để Bình Dương có được những dấu ấn đẹp trong mắt bạn bè khắp nơi, trở thành một thành phố đáng sống.
MINH HIẾU