12 năm (2001-2012) triển khai thực hiện, công trình thanh niên ”Rong thông Suối Cái” có tổng chiều dài 25km từ điểm giáp ngã ba xã Hòa Lợi, huyện Bến Cát đến cầu Tổng Bản, cầu Bà Kiên, xã Thạnh Phước, huyện Tân Uyên do Huyện đoàn Tân Uyên phát động, đến nay đã mang đậm dấu ấn trong lòng người dân - một giải thưởng môi trường có ý nghĩa đối với xã hội...
Đoàn viên thanh niên huyện Tân Uyên ra quân rong thông Suối Cái, bảo vệ dòng sông quê hương
Trách nhiệm của tuổi trẻ
Hướng về Đại hội Huyện đoàn, Huyện đoàn Tân Uyên đã suy nghĩ mãi và cuối cùng thấy được thực trạng và lợi ích của Suối Cái nếu được khắc phục về môi trường. Trao đổi với chúng tôi, các bạn trẻ cho biết Suối Cái chính là dòng suối chính cung cấp nước tưới tiêu phục vụ cho sản xuất nông nghiệp của các hộ dân khu vực ven suối, với tổng diện tích đất ruộng khoảng 120 ha. Hai bên bờ suối có nhiều tre, dứa, cây thân gỗ, cây dại mọc um tùm, có những đoạn suối do cây ngã, đổ vào giữa dòng, qua từng năm càng dày đặc hơn và đã gây cản trở cho dòng chảy. Các bạn còn phân tích vào mùa mưa, nước từ thượng nguồn chảy về, lượng nước lớn, dòng chảy không thông thoáng gây ngập úng, ảnh hưởng trực tiếp đến mùa màng của nông dân, từ đó, người dân không yên tâm sản xuất, không mạnh dạn “đầu tư vào sản xuất vì sợ mưa lũ, ngập úng…
Xác định trách nhiệm “Đâu cần thanh niên có, đâu khó có thanh niên”, năm 2001, Huyện đoàn Tân Uyên đã đăng ký công trình thanh niên được mang tên “Rong thông Suối Cái”. Theo chị Nguyễn Thị Ngọc Xuân, Bí thư Huyện đoàn, công trình sau khi khai thông góp phần bảo đảm dòng chảy của Suối Cái được thông thoáng, bảo đảm nước tưới cho sản xuất nông nghiệp vào mùa nắng, không bị ngập úng vào mùa mưa. Công trình có tổng chiều dài 25km từ điểm giáp ngã ba xã Hòa Lợi, huyện Bến Cát đến cầu Tổng Bản, cầu Bà Kiên, xã Thạnh Phước, huyện Tân Uyên (đi qua 8 xã, thị trấn: Vĩnh Tân - Phú Chánh - Tân Vĩnh Hiệp - Tân Hiệp - Khánh Bình - Tân Phước Khánh - Thái Hòa - Thạnh Phước). Ngoài huy động 15.000 ngày công lao động của các tầng lớp nhân dân và đoàn viên thanh niên trên địa bàn, suốt 12 năm thực hiện, tổng kinh phí thực hiện hơn 320,594 triệu đồng. Số tiền này chủ yếu sử dụng vào việc hỗ trợ ăn uống cho lực lượng tham gia trực tiếp công trình.
Hiệu quả mang lại
“Rong thông Suối Cái” là một công trình thanh niên được Đại hội Đoàn huyện Tân Uyên khóa VIII, nhiệm kỳ 2002- 2007 thống nhất chọn và thực hiện. Chị Xuân cho biết thêm, để công trình đạt hiệu quả như mong muốn, mỗi năm, Huyện đoàn đã ra quân vào tháng ba (Tháng Thanh niên) hàng năm. Có thể nói, 12 năm thực hiện cật lực, công trình thanh niên “Rong thông Suối Cái” đã góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội của Tân Uyên nói riêng và Bình Dương nói chung.
Phân tích hiệu quả kinh tế, chị Xuân cho rằng công trình “Rong thông Suối Cái” đã đáp ứng đầy đủ nước tưới cho sản xuất nông nghiệp vào mùa nắng, tránh gây ngập úng vào mùa mưa, phục vụ đắc lực cho 120 ha đất ruộng xung quanh suối, góp phần cung cấp ngày càng nhiều sản phẩm cho xã hội, bởi theo cán bộ chuyên trách nông nghiệp thì diện tích sản xuất nông nghiệp ở khu vực này cung cấp một phần không nhỏ nông sản cho toàn huyện, đặc biệt là về rau, thực phẩm, nơi làm lợi hàng trăm triệu đồng/ năm cho các hộ dân có đất sản xuất ở khu vực ven suối, giúp họ có thu nhập ổn định và hơn thế là góp phần quan trọng vào việc thực hiện các chỉ tiêu phát triển kinh tế nông nghiệp. Đối với xã hội, chị Xuân cho rằng, những năm gần đây, người dân yên tâm sản xuất, đầu tư nuôi trồng cây con, thúc đẩy nông nghiệp phát triển và ổn định đời sống. Chính từ đây, vai trò của tổ chức Đoàn trong huyện ngày càng nâng cao rõ rệt.
Công trình mang tên “Rong thông Suối Cái” do Huyện đoàn Tân Uyên phát động và triển khai thực hiện có sức hút, lan tỏa đến không ngờ. Hiệu quả công trình đã tạo “điểm nhấn” trong phong trào xung kích, tình nguyện của tuổi trẻ, góp phần tham gia phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và ngày càng nâng cao chất lượng của phong trào hoạt động Đoàn, thông qua việc giáo dục đạo đức, lối sống của đoàn viên thanh niên biết quan tâm đến mọi người, biết bảo vệ nguồn tài nguyên nước quý giá và biết bảo vệ môi trường sống vì cộng đồng, vì sự phát triển bền vững. Công trình ấy giờ đây đã được xét tặng giải thưởng môi trường và sẽ vinh dự đón nhận trong nay mai.
KIM HÀ